Sự ra đời của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam

03:00 CH @ Thứ Sáu - 29 Tháng Giêng, 2010

Sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI, Ngành Hóa chất đã có một bước tiến quan trọng trong công tác quản lý khi bước vào KH 5 năm 1991-1995, trọng tâm là sự chuyển đối cơ chế quản lý quan liêu, bao cấp sang cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa có sự điều tiết của Nhà nước. CNHC đã thực sự chuyển mình về cả chất lượng, tạo ra sinh lực mới. Đây cũng là giai đoạn tạo ranhững tiền đề rất quan trọng để vươn lên trong thời gian tiếp theo.

Được thành lập theo mô hình Tổng Công ty 91 tại Quyết định 835/QĐ-TTg, ngày 20/12/1995 của Thủ tướng Chính phủ, Tổng Công ty Hóa chất Việt Nam, gọi tắt là Vinachem kế thừa toàn bộ cơ sở vật chất, kỹ thuật, lao động của Tổng cục Hóa chất với 46 đơn vị thành viên trong đó có 39 đơn vị sản xuất kinh doanh độc lập, 2 trường đào tạo nghề và 3 Viện nghiên cứu, tư vấn, thiết kế. Ngoài ra Tổng Công ty còn có 14 Công ty liên doanh có vốn đầu tư nước ngoài. Tổng Công ty được Nhà nước giao nhiệm vụ : Sản xuất kinh doanh nguyên liệu, vật tư hóa chất; các loại phân bón; các loại thuốc trừ sâu, hóa chất bảo vệ thực vật, các loại hoá chất vô cơ, hữu cơ, các loại sản phẩm cao su, chất dẻo, sơn, pin, ắcquy, đất đèn và khí công nghiệp, chất giặt rửa, hương liệu mỹ phẩm; quản lý khai thác chế biến các loại quặng khoáng sản cho sản xuất công nghiệp....

Vào thời gian đó, các nhà máy thuộc Tổng Công ty phần lớn có công nghệ thiết bị cũ, lạc hậu nên sản phẩm làm ra rất khó cạnh tranh với sản phẩm nhập ngoại do chất lượng không ổn định, giá cả lại cao. Việc đầu tư, đổi mới công nghệ thiết bị cũng gặp rất nhiều khó khăn do thiếu vốn, thiếu thông tin thị trường... Thiên tai lũ lụt liên tiếp xảy ra cộng với giá nông sản các loại giảm mạnh làm cho sức mua của nông dân đối với các sản phẩm của Tổng Công ty suy giảm theo. Cuộc khủng hoảng tài chính tiền tệ khu vực và những xung đột chính trị ở Trung Đông cũng làm Tổng Công ty mất đi một số khách hàng truyền thống.

Tuy nhiên, nhờ có chính sách đổi mới của Đảng, được sự chỉ đạo có hiệu quả của các cấp, các ngành, trung ương và địa phương, tập thể lãnh đạo Tổng Công ty đã chủ động và sáng tạo đưa Tổng Công ty vượt qua khó khăn, hoạt động hiệu quả. Phần lớn các Công ty thành viên của Tổng Công ty đã nâng cao được năng lực sản xuất cũng như trình độ công nghệ, kỹ thuật. Các sản phẩm làm ra đã có sức cạnh tranh, nhiều sản phẩm không chỉ có uy tín với bạn hàng trong nước mà còn được xuất khẩu như : Các chất tẩy rửa, phân lân nung chảy, ắcquy, săm lốp ôtô, xe đạp, đồng thời Tổng Công ty cũng đưa ra thị trường nhiều sản phẩm mới như : phân DAP, Axít phôtphoríc, phôtpho vàng, ắcquy, lốp ôtô radian, LAS ...

Trong 10 năm gần đây (1998-2008) trong bối cảnh toàn cầu hoá, hội nhập ngày càng sâu rộng, phải cạnh tranh ngày càng gay gắt cả trong nước và quốc tế, Tổng Công ty có những phát triển vượt bậc và toàn diện trên các mặt sản xuất, kinh doanh, đầu tư xây dựng cơ bản, lao động sáng tạo, ứng dụng thành tựu KHCN, bảo vệ môi trường, công tác xã hội từ thiện ....

Tổng Công ty đã góp phần đảm bảo an ninh lương thực đất nước, mỗi năm cung cấp cho nông dân 1,4 triệu tấn phân chứa lân gồm supe photphat và phân lân nung chảy; đáp ứng 100% nhu cầu của cả nước; khoảng 1,4 - 1,6 triệu tấn phân NPK các loại và 150 nghìn tấn phân đạm. Ngoài phân bón, các ngành như cao su (săm lốp ôtô, xe đạp, xe máy); chất giặt rửa, các sản phẩm điện hóa (pin, ắcquy), hoá chất cơ bản (xút, axít ...) cũng được phát triển. Trong 10 năm 1998-2008, tốc độ tăng trưởng bình quân của Tổng Công ty là 11,13%, chiếm tỷ trọng 10%, giữ vị trí đáng kể trong toàn ngành côngnghiệp.

Từ khi thành lập Tổng Công ty có 227 dự án đầu tư được thực hiện. Hiện nay Tổng Công ty phấn đấu triển khai hoàn thành một số dự án trọng điểm như : Dự án sản xuất DAP tại Hải Phòng, công suất 330.000T/năm đã đưa vào vận hành cuối năm 2008, trong 2009 đã có tấn sản phẩm DAP đầu tiên được sản xuất tại Việt Nam; Dự án DAP số 2 công suất 330.000T/năm tại Lào Cai; Dự án nhà máy tuyển Apatít Bắc Nhạc Sơn 350.000T/năm; Dự án sản xuất phân đạm từ than cám tại Ninh Bình, công suất 560.000T urê/năm và Dự án mở rộng đạm Hà Bắc đưa công suất lên 500.000 tấn urê/năm; Dự án thăm dò, khai thác và chế biến muối mỏ kali công suất 500.000T/năm tại Lào; Dự án đầu tư thăm dò tiến tới đầu tư khai thác tuyển quặng bôxít quy mô 2 triệu tấn/năm tại Bảo Lộc – Lâm Đồng; Dự án lốp ôtô radial Công ty Cao su Đà Nẵng và Công ty Công nghiệp Cao su Miền Nam; Dự án khí công nghiệp 3.000m3/h; Dự án tổ hợp hoá dầu Long Sơn...

Năm 2006, thực hiện Quyết định 90/2006/QĐ-TTg ngày 24/4/2006 của Thủ tướng Chính phủ, sau khi chuyển sang hoạt động theo mô hình đa ngành nghề và đa sở hữu (Công ty mẹ - Công ty con), Tổng Công ty Hóa chất Việt Nam đã tăng nhanh năng lực sản xuất, kinh doanh, tiếp tục đóng góp lớn cho việc bảo đảm cung ứng nhiều sản phẩm hàng hoá thiết yếu cho nền kinh tế; tạo nguồn thu cho ngân sách; cùng với các Tập đoàn và Tổng Công ty nhà nước giữ vai trò chủ đạo trong ngành sản xuất phân bón và một số lĩnh vực then chốt của nền kinh tế.

Quy mô vốn sở hữu của Tổng Công ty từ 2006 đã tăng lên đáng kể. Năm 2006, tổng vốn chủ sở hữu của Tổng Công ty là 4.342 tỷ đồng, cuối năm 2008 đã đạt 6.818 tỷ đồng, tăng 56,79; các chỉ tiêu kinh tế chủ yếu đều vượt so với kế hoạch đề ra, duy trì được tốc độ tăng trưởng.

Chỉ tiêu

(tỷ đồng)

Năm 2006

Năm 2007

Năm 2008

Tăng trưởng bình quân hàng năm (%)

Doanh thu

13.501

18.138

23.864

30

Lợi nhuận

682

1.154

1.987

60

Nguồn vốn chủ sở hữu

4.342

5.292

6.818

23

Tổng tài sản

10.490

13.127

17.767

20

Song hành với các kết quả trong sản xuất kinh doanh, đầu tư xây dựng, Tổng Công ty Hoá chất Việt Nam cũng là một trong những đơn vị có nhiều thành tích trong việc sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước. Từ thành công trong việc thí điểm cổ phần hóa 3 xí nghiệp năm 1999, đến nay, ngoài Công ty mẹ, Tổng Công ty có 10 Công ty con mà Tổng Công ty giữ 100% vốn điều lệ, 10 Công ty trên 50% vốn điều lệ, 11 Công ty liên kết và 4 Công ty liên danh với nước ngoài, một Trường cao đẳng và một Viện nghiên cứu, phát triển. Công tác Đảng, Công đoàn luôn được chú trọng triển khai.

Nhu cầu khách quan đã đặt ra vấn đề hình thành một Tập đoàn kinh tế đủ mạnh để vừa đảm bảo sức cạnh tranh trên thị trường, vừa đủ khả năng huy động vốn, đổi mới công nghệ và nhất là đầu tư vào những công trình trọng yếu có qui mô lớn và công nghệ hiện đại.

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam được thành lập theo Quyết định số 2180 TTg ngày 23/12/2009 của Thủ tướng Chính Phủ trên cơ sở xắp xếp, tổ chức lại Tổng công ty Hóa chất Việt Nam.Tập đoàn Hóa chất Việt Nam là doanh nghiệp đa sở hữu, trong đó sở hữu nhà nước là chi phối.

Tại thời điểm thành lập, ngoài Công ty mẹ - Tập đoàn Hóa chấtViệt Nam, Tập đoàn có 10 công ty con do tập đoàn nắm giữ 100% vốn điều lệ, 17 công ty con do tập đoàn nắm giữ trên 50% vốn điều lệ khi cổ phần hóa, 16 công ty con do tập đoàn nắm giữ dưới 50% vốn điều lệ, 1 Viện nghiên cứu, 1 Trường cao đẳng. Ngành kinh doanh chính là đầu tư kinh doanh vốn nhà nước, sản xuất kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, hóa chất cơ bản, sản phẩm cao su, pin và ắc quy, chất giặt rửa và mỹ phẩm, khí công nghiệp, khai khoáng, sản phẩm hóa dầu, hóa dược…

Sự ra đời của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam là một dấu ấn quan trọng, một bước ngoặt lịch sử, tạo ra thế và lực mới để phát triển Ngành hóa chất Việt Nam trong thập kỷ đầu tiên của thế kỷ 21. Tập đoàn sẽ tiếp tục giữ vai trò nòng cốt trong việc phát triển các ngành trong lĩnh vực hóa chất, phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, khai thác triệt để thế mạnh các tài nguyên, chủ động được nguyên liệu đầu vào, hạn chế nhập khẩu nguyên liệu. Đối với từng sản phẩm sẽ có bước đi, lộ trình cụ thể trong việc chiếm lĩnh thị trường nội địa và mở rộng thị trường xuất khẩu. Chúng ta sẽ nhập khẩu công nghệ hiện đại, trình độ tự động hoá cao cho những dự án đầu tư mới ở những lĩnh vực có tính cạnh tranh, nhằm tạo ra các sản phẩm có chất lượng cao, giá thành có sức cạnh tranh, bảo đảm môi trường sinh thái. Đồng thời, Tập đoàn sẽ tiếp tục đầu tư các dự án góp phần bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, đảm bảo nhu cầu phân bón (lân, đạm – urê, NPK) trong nước. Phát triển nhanh mạnh hóa chất cơ bản, xúc tiến nhanh cơ sở sản xuất sản phẩm hóa dầu, hóa dược. Đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm hóa chất trên cơ sở tăng sức cạnh tranh của các sản phẩm.