Cần gỡ nút thắt Luật thuế 71 cho ngành phân bón

07:47 SA @ Thứ Sáu - 05 Tháng Sáu, 2020

Nhiều năm trước, nhằm giảm giá bán cho nông dân thông qua việc giảm thuế đối với phân bón, Chính phủ đã ban hành Luật thuế 71/2014/QH13. Tuy nhiên tới nay, Luật thuế 71 đã có những tác động “ngược” làm hạn chế sản xuất, kinh doanh, cũng như các dự án đầu tư sản xuất phân bón.

Nhiều năm trước, Chính phủ có chủ trương khuyến khích đầu tư phát triển sản xuất phân bón trong nước nhằm mục tiêu chủ động nguồn phân bón phục vụ sản xuất nông nghiệp, giảm dần phân bón nhập khẩu. Chủ trương này hướng đến mục đích vừa giúp Chính phủ điều tiết cung - cầu khi thị trường phân bón có biến động, vừa giảm giá bán cho nông dân thông qua việc giảm thuế đối với phân bón. Việc ban hành Luật thuế 71/2014/QH13 (Luật thuế 71 ban hành ngày 26/11/2014 của Quốc hội khóa XIII về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật về thuế) nhằm cụ thể hóa chủ trương trên.

Thế nhưng Hiệp hội Phân bón Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và nhiều doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước đã nhiều lần đồng loạt kiến nghị sửa đổi Luật thuế 71, đưa phân bón về diện chịu thuế VAT như trước đây.

Nguyên nhân vì từ năm 2015 đến nay, việc áp dụng Luật thuế 71 đang gây ra những hệ lụy bất lợi cho sản xuất trong nước.

Sau hơn 5 năm triển khai thực hiện, lợi chưa thấy đâu nhưng các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước đã “ngấm đòn” do tác động không mong muốn của Luật thuế này. Luật thuế 71 đã có những tác động “ngược” làm hạn chế sản xuất, kinh doanh, cũng như các dự án đầu tư sản xuất phân bón…

Theo số liệu thống kê của Bộ Công Thương, ước tính khi thực hiện Luật 71 (bắt đầu từ ngày 1/1/2015) thì giá thành phân đạm tăng 7,2-7,6%; phân DAP tăng 7,3-7,8%; phân supe lân tăng 6,5-6,8%; phân NPK và hữu cơ tăng từ 5,2-6.1%.

Cùng với đó, số liệu thống kê cũng cho thấy, số thuế giá trị không được khấu trừ tính vào chi phí của doanh nghiệp phân bón năm 2018 rất lớn. Cụ thể, Công ty CP Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc số thuế VAT không được khấu trừ trên 141 tỷ đồng, Công ty CP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao 142 tỷ đồng, Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình 113 tỷ đồng; Công ty CP Lân Ninh Bình, Công ty CP Phân lân Nung chảy Văn Điển, Công ty CP Phân bón miền Nam cũng dao động từ 3 đến 50 tỷ đồng.

Như vậy, việc quy định phân bón không thuộc đối tượng chịu VAT không những không tạo điều kiện cho người nông dân được hưởng giá phân bón thấp mà vô hình chung đã tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp nhập khẩu, tăng sức ép đối với các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước, dẫn đến khả năng nhiều doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước phải hoạt động cầm chừng hoặc ngừng sản xuất. Đây là thiệt thòi lớn cho ngành công nghiệp trong nước, ảnh hưởng đến an ninh lương thực quốc gia và lãng phí nguồn lực xã hội.

Không chỉ tác động đến nông dân và doanh nghiệp sản xuất trong nước, Luật thuế 71 còn đang tạo điều kiện cho phân bón nhập khẩu tràn vào Việt Nam. Thêm vào đó, trong bối cảnh các nước trong khu vực đều có chính sách thuế hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất phân bón, còn Việt Nam lại phải cắt giảm thuế nhập khẩu theo cam kết của nhiều hiệp định thương mại tự do thì Luật thuế 71 sẽ tạo điều kiện tốt cho doanh nghiệp phân bón nước ngoài về lâu về dài “thâu tóm” thị trường phân bón trong nước.

Số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy, nếu như lượng phân bón nhập khẩu các loại năm 2014 (thời điểm trước khi Luật thuế 71 được áp dụng) chỉ là 3,7 triệu tấn thì đến năm 2017, nhập khẩu hơn 5,6 triệu tấn và con số này gần như không giảm qua các năm. Tính chung 3 tháng đầu năm 2020, Việt Nam đã nhập khẩu gần 100.000 tấn phân bón các loại, trị giá gần 245 triệu USD. Trong số thị trường cung cấp phân bón cho Việt Nam thì Trung Quốc chiếm 40,1% trong tổng kim ngạch của cả nước.

Trước thực trạng nhiều bất cập đối với doanh nghiệp phân bón, mới đây, Bộ Công Thương đã có văn bản gửi Bộ Tài chính về việc điều chỉnh, sửa đổi quy định tại Luật thuế 71 đối với sản xuất phân bón. Theo đó, kiến nghị đưa mặt hàng phân bón vào đối tượng chịu thuế GTGT với mức 0% hoặc 5%.

Sau khi nhận được kiến nghị, Bộ Tài chính đã nghiên cứu, tính toán phương án chuyển mặt hàng phân bón từ đối tượng không chịu thuế sang đối tượng áp dụng thuế suất thuế GTGT 5% vào nội dung sửa đổi Luật thuế 71. Nội dung dự án Luật thuế 71 sửa đổi hiện đã được Bộ Tài chính báo cáo xin ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Cũng theo Bộ Tài chính, Thủ tướng Chính phủ đã xem xét vấn đề này và đề nghị Bộ Tài chính chuẩn bị các nội dung sửa đổi Luật thuế 71 để trình Quốc hội theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Nguồn: Thuonghieusanpham.vn