Có sự trùng lặp về công nhận lưu hành và công bố hợp quy phân bón?

10:47 SA @ Thứ Tư - 16 Tháng Giêng, 2019

Nghị định 108/2017/NĐ-CP quy định quản lý phân bón chặt chẽ từ đầu vào đến đầu ra là phù hợp với yêu cầu thực tiễn. Việc phân bón phải được công nhận lưu hành và công bố hợp quy trước khi đưa phân bón lưu thông trên thị trường theo quy định hiện hành là 2 hoạt động không trùng lặp, không dẫn đến chồng chéo trong công tác quản lý.

Công ty TNHH Thủy Kim Sinh (TPHCM) là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, buôn bán phân bón dùng trong nông nghiệp.

Theo Nghị định 108/2017/NĐ-CP về quản lý phân bón, một cơ sở sản xuất phân bón cần: Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất phân bón có thời hạn 5 năm. Để được cấp Giấy chứng nhận, cơ sở sản xuất phải đáp ứng được các điều kiện, yêu cầu kỹ thuật và được cơ quan có thẩm quyền tới thẩm tra trực tiếp tại cơ sở sản xuất. Sau một năm hoạt động, cơ sở sản xuất phải có hệ thống quản lý chất lượng đạt tiêu chuẩn ISO 9001. Hàng năm, cơ quan quản lý chuyên ngành tại địa phương sẽ tiến hành thanh tra cơ sở sản xuất.

Một sản phẩm phân bón được phép lưu hành trên thị trường cần: Phải có tiêu chuẩn chất lượng phù hợp với quy định tại Nghị định 108/2017/NĐ-CP; phải được Cục Bảo vệ thực vật thẩm định hồ sơ đạt yêu cầu cấp Quyết định lưu hành; các lô phân bón trước khi xuất xưởng phải có kết quả thử nghiệm đạt tiêu chuẩn. Hàng năm, cơ quan quản lý chuyên ngành tại địa phương tiến hành lấy mẫu ngẫu nhiên trên thị trường, kiểm nghiệm sản phẩm theo các chỉ tiêu công bố.

Như vậy, theo Công ty TNHH Thủy Kim Sinh, các quy định, yêu cầu về quản lý phân bón sản xuất trong nước được quy định trong Nghị định 108/2017/NĐ-CP đã đầy đủ, nên việc yêu cầu sản phẩm phân bón sản xuất trong nước cần thực hiện chứng nhận và công bố hợp quy là trùng lặp, dẫn tới việc sản phẩm phân bón sản xuất trong nước khi lưu hành trên thị trường cần tới 3 “giấy phép”: Quyết định công nhận lưu hành do Cục Bảo vệ thực vật cấp, Chứng nhận hợp quy do tổ chức được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ định cấp và thông báo tiếp nhận hợp quy do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp.

Trong khi nội dung trong Giấy Chứng nhận hợp quy chỉ là: “Chứng nhận sản phẩm phân bón phù hợp với yêu cầu trong Nghị định 108/2017/NĐ-CP” – yêu cầu bắt buộc để được cấp quyết định công nhận lưu hành.

Trong trường hợp phân bón được cấp quyết định công nhận lưu hành có một số chỉ tiêu chất lượng mà không có phòng thử nghiệm nào được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ định thử nghiệm thì sẽ không thể chứng nhận hợp quy và lưu hành sản phẩm trên thị trường.

Như vậy, một sản phẩm mới có chất lượng tốt đã được chứng minh qua quá trình khảo nghiệm (theo 108/2017/NĐ-CP) được Cục Bảo vệ thực vật cấp quyết định công nhận lưu hành vẫn không được lưu hành.

Hiện tại Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP. Hồ Chí Minh đang tạm dừng tiếp nhận hồ sơ công bố hợp quy phân bón. Như vậy, ngay cả trong trường hợp Công ty TNHH Thủy Kim Sinh có quyết định công nhận lưu hành phân bón, đã thực hiện chứng nhận hợp quy tại tổ chức do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ định thì vẫn không thể bán sản phẩm ra thị trường.

Trong khi chờ đợi để chứng nhận và công bố hợp quy thì thời gian được phép lưu hành của sản phẩm giảm dần, doanh nghiệp lãng phí chi phí, thời gian, cơ hội kinh doanh. Người nông dân bỏ lỡ cơ hội được sử dụng những sản phẩm tốt đáp ứng nhu cầu cấp thiết.

Qua Hệ thống Tiếp nhận, trả lời kiến nghị của doanh nghiệp, Công ty TNHH Thủy Kim Sinh đề xuất bỏ yêu cầu chứng nhận và công bố hợp quy đối với sản phẩm phân bón sản xuất trong nước để quyết định công nhận lưu hành là giấy phép mang ý nghĩa thực chất - sản phẩm được phép lưu hành trong nước.

Về vấn đề này, Cục Bảo vệ thực vật – Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có ý kiến như sau:

Nghị định 108/2017/NĐ-CP quy định quản lý phân bón chặt chẽ từ đầu vào (công nhận lưu hành phân bón) đến đầu ra (khi đưa vào lưu thông, sử dụng trên thị trường) là phù hợp với yêu cầu thực tiễn trong giai đoạn hiện nay. Việc phân bón phải được công nhận lưu hành và công bố hợp quy trước khi đưa phân bón lưu thông trên thị trường theo quy định hiện hành là hai hoạt động không trùng lặp, không dẫn đến chồng chéo trong công tác quản lý.

Quyết định công nhận lưu hành là căn cứ quan trọng để duy trì kiểm soát chất lượng, thanh tra, kiểm tra, truy xuất nguồn gốc. Trong quyết định công nhận phân bón lưu hành, ngoài thông tin về chỉ tiêu chất lượng còn có thông tin bắt buộc thể hiện trên nhãn (loại phân bón, tên phân bón, phương thức sử dụng, hướng dẫn sử dụng, thời hạn sử dụng, mã số phân bón) để người sử dụng nhận biết được nguồn gốc, đặc tính, công dụng và sử dụng đúng cách, hiệu quả.

Việc công bố hợp quy đối với một sản phẩm phân bón cụ thể sau khi được sản xuất, nhập khẩu để lưu thông, sử dụng thực hiện theo quy định của pháp luật về chất lượng sản phẩm, hàng hóa và theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật.

Theo đó, việc công bố hợp quy dựa trên kết quả tự đánh giá sự phù hợp của tổ chức, cá nhân có phân bón hoặc kết quả chứng nhận của tổ chức chứng nhận đã đăng ký hoặc được thừa nhận theo quy định của pháp luật hoặc kết quả chứng nhận của tổ chức chứng nhận được chỉ định.

Phân bón đã được cấp quyết định công nhận lưu hành nhưng chưa sản xuất, nhập khẩu để lưu thông trên thị trường thì chưa phải thực hiện công bố hợp quy.

Các tổ chức, cá nhân có phân bón có thể áp dụng phương thức công bố hợp quy dựa trên kết quả tự đánh giá mà không cần phải thông qua tổ chức chứng nhận hợp quy.

Phân bón đã được cấp quyết định công nhận lưu hành nhưng có một số chỉ tiêu chất lượng chưa có phòng thử nghiệm được chỉ định thử nghiệm là các phân bón được công nhận lưu hành chuyển tiếp theo quy định tại Điều 47 Nghị định số 108/2017/NĐ-CP (không phải là phân bón mới).

Do vậy, không có phân bón mới đã được chứng minh qua khảo nghiệm theo quy định tại Nghị định số 108/2017/NĐ-CP và được công nhận lưu hành lại không được lưu hành.

Trước đây, tại thời điểm các tổ chức, cá nhân có phân bón khi sản xuất, đưa phân bón vào lưu thông chưa có tiêu chuẩn quốc gia (TCVN) về phương pháp thử và các tổ chức, cá nhân có phân bón cũng không thực hiện công bố tiêu chuẩn cơ sở (TCCS) về phương pháp thử chỉ tiêu đó. Phân bón thuộc trường hợp nêu trên có thể thực hiện công bố hợp quy để đưa vào lưu thông dựa trên kết quả đánh giá sự phù hợp của tổ chức đánh giá sự phù hợp nước ngoài được thừa nhận theo quy định của pháp luật (đối với phân bón nhập khẩu) hoặc tổ chức có phân bón công bố TCCS về phương pháp thử đang áp dụng và gửi về Cục Bảo vệ thực vật để xem xét, chỉ định các tổ chức chứng nhận có đủ năng lực thực hiện.

Hiện nay, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP. Hồ Chí Minh đang thực hiện tiếp nhận công bố hợp quy phân bón theo Thông báo số 621/TB-SNN ngày 20/11/2018.

Nguồn: Chinhphu.vn