Dẹp nạn sản xuất buôn bán phân bón giả cần chế tài xử lý mạnh

08:28 SA @ Thứ Ba - 15 Tháng Mười Một, 2016

Việc xây dựng các giải pháp đồng bộ nhằm quản lý quy trình sản xuất, kinh doanh phân bón giả đang là vấn đề cấp thiết hiện nay.
Vấn đề phân bón giả, kém chất lượng cũng như các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động sản xuất và kinh doanh phân bón ngày càng gia tăng. Điều này đang gây nhiều khó khăn đối với khu vực sản xuất nông nghiệp lớn nhất nước như khu vực ĐBSCL.

Chính vì thế, việc xây dựng các giải pháp đồng bộ nhằm quản lý các khâu từ sản xuất, kinh doanh phân bón đang là vấn đề cấp thiết hiện nay để hạn chế thấp nhất tình trạng phân bón giả, kém chất lượng tràn lan.

Với trên 1.200 cửa hàng, đại lý, đa số là cùng một nơi kinh doanh cả 2 mặt hàng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật, ngành chức năng tỉnh An Giang nhận định đã có nhiều bất cập, ảnh hưởng rất nhiều đến khâu quản lý, kiểm soát; đồng thời, tạo kẽ hở cho phân bón giả, kém chất lượng lưu thông trên thị trường.
Ông Trần Thanh Hiệp, Phó Chánh thanh tra, Sở NN&PTNT tỉnh An Giang cho biết, ở địa phương đã có một số trường hợp giả nhãn hàng hóa phân bón. Cùng với đó, sản phẩm được thông báo chấp nhận hợp quy nhưng trong thành phần có nhiều thông tin không đúng bản chất gây hiểu lầm làm giảm uy tín của công ty có thương hiệu.

“Vấn đền này kiểm soát hơi khó vì hầu hết các kênh phân phối thị trường không theo quy luật. Họ mua đứt bán đoạn, không có hóa đơn nên lực lượng chức năng ngoài việc hướng nhiều vào vận động tuyên truyền còn phải khéo léo áp dụng các biện pháp để xử l‎ý”, ông Hiệp cho biết.

Thượng tá Võ Thanh Điền, Phó trưởng phòng Cảnh sát kinh tế, Công an tỉnh Đồng Tháp nêu rõ, để bảo vệ sản xuất, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp và người dân, vấn đề cấp thiết đặt ra là phải nâng cao hiệu quả phòng chống phân bón giả, kém chất lượng và các hành vi vi phạm pháp luật trong sản xuất kinh doanh phân bón.

“Lực lượng công an sẽ tăng cường phối hợp với các ngành chức năng tuyên truyền cho bà con được nắm, nhận biết được hàng giả, hàng kém chất lượng và không tiếp tay tiêu thụ những mặt hàng này. Bên cạnh đó, phối hợp với các ngành chức năng tăng cường công tác kiểm tra giám sát và xử l‎ý nghiêm các trường hợp mua bán phân giả để nhằm tránh gây thiệt hại cho bà con”, ông Điền chỉ rõ.

Thời gian qua, phân bón giả xuất hiện ở nhiều nơi, trong đó vùng ĐBSCL là khá phổ biến, bởi đây là vùng sản xuất lúa gạo, trái cây… trọng điểm của cả nước, vì thế cần số lượng phân bón rất lớn.

Chính vì thế, để đẩy lùi nạn phân bón giả, phân bón kém chất lượng, theo ông Hồ Quang Thái, Phó Chánh văn phòng Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, các cơ quan chức năng cần kịp thời phê phán những hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực, tiếp tay cho các hoạt động mua bán phân bón giả.

Bên cạnh đó, cần tập trung tuyên truyền, quảng bá các thương hiệu phân bón có uy tín để người tiêu dùng biết đến các đơn vị này như một địa chỉ vàng để người dân chủ động mua được sản phẩm có chất lượng.

“Để hạn chế mua phải phân bón giả người dân cần chọn những công ty, những sản phẩm phân bón có thương hiệu. Cơ sở sản xuất phân bón phải được công bố chứng nhận hợp quy hợp chuẩn, đưa đi kiểm nghiệm sản phẩm sau đó báo cáo lại Bộ Công Thương, Bộ NN&PTNT… lúc đó sản phẩm mới được cung cấp ra thị trường”, ông Thái khẳng định.

Trước những diễn biến của nạn phân bón giả như hiện nay, ông Đỗ Thanh Lam, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) cho rằng, mặc dù các cơ quan quyết liệt ra quân triệt phá nhưng tình hình vẫn diễn biến phức tạp. Do vậy, để phòng ngừa hiệu quả nạn phân bón giả, cần tập trung kiểm soát, có các chế tài đủ mạnh để chấn chỉnh xử lý nghiêm minh. Bên cạnh đó, cần xây dựng lực lượng thực thi nhiệm vụ có chất lượng, không nhũng nhiễu, không tiêu cực:

“Cần có điều chỉnh, bổ sung để hoàn thiện hơn vấn đề quản l‎ý. Bộ Công Thương đang tiến hành sửa đổi bổ sung nghị định 202 đồng thời đặt vấn đề rất cao cho việc hoàn thiện cơ chế chính sách liên quan đến vấn đề quản l‎ý phân bón. Bên cạnh đó, Bộ cũng đang triển khai chuẩn tổ chức Hội nghị phân bón toàn quốc để đánh giá tổng thể về thị trường như kiểm tra, kiểm soát…kỳ vọng là sẽ giải đáp nhiều vấn đề trong quản l‎ý phân bón”, ông Lam khẳng định.

Phân bón giả, kém chất lượng sẽ để lại hậu quả rất lớn đối với sản xuất nông nghiệp, ảnh hưởng đến môi trường đất, nguồn nước. Chính vì thế, vấn đề cấp thiết đặt ra là cần triển khai đồng bộ quyết liệt nhiều giải pháp.

Trong đó, đặc biệt quan tâm công tác phổ biến tuyên truyền pháp luật cho các đại lý, người dân hiểu được các thủ đoạn, dấu hiệu của thuốc bảo vệ thực vật, phân bón giả, kém chất lượng để sản phẩm phân bón có chất lượng tốt đến được với bà con nông dân, góp phần cho một vụ mùa thắng lợi./.

Nguồn: Vov.vn