Gian nan xử lý nạn phân bón giả, kém chất lượng

08:42 SA @ Thứ Ba - 16 Tháng Tám, 2016

Để ngăn chặn nạn sản xuất, kinh doanh phân bón giả, phân bón kém chất lượng, thời gian qua, các lực lượng chức năng đã kiểm tra, phát hiện và xử lý hàng nghìn vụ vi phạm. Tuy nhiên, tình trạng này vẫn chưa giảm, gây thiệt hại cho nhà sản xuất, kinh doanh phân bón chân chính và người sử dụng.

Theo Cục Quản lý Thị trường (Bộ Công thương), trong sáu tháng đầu năm 2016, lực lượng quản lý thị trường cả nước đã kiểm tra 1.326 vụ trong lĩnh vực phân bón, phát hiện, xử lý 393 vụ vi phạm. Trong đó, xử phạt vi phạm hành chính 3,93 tỷ đồng; thu giữ 20 tấn phân đạm Trung Quốc, tiêu hủy 12.500 kg phân bón NPK giả; 2.425 kg phân bón quá hạn sử dụng; buộc tái chế 3.500 kg phân bón NPK kém chất lượng.

Đánh giá của các cơ quan chức năng cho thấy, phương thức, thủ đoạn của các đối tượng vi phạm rất tinh vi, có tính chất chuyên nghiệp. Các đối tượng vi phạm thường tổ chức sản xuất, san chiết, đóng gói, dán nhãn mác phân bón tại các địa điểm vùng sâu, vùng xa, nơi hẻo lánh hoặc bên cạnh các khu công nghiệp, xa dân cư, khó kiểm soát và liên tục thay đổi địa điểm, gây khó khăn cho công tác kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm. Ngoài ra, đối tượng vi phạm thường hạ phẩm cấp, giảm chất lượng bằng cách pha trộn thêm gạch non, bột đá, đất sét, xỉ than, cát, muối và phẩm mầu nghiền nhỏ. Đồng thời, đặt tên phân bón không rõ ràng về thành phần gây nhầm lẫn với các nhãn hiệu uy tín, công bố công nghệ với thông tin không đầy đủ, gây nhầm lẫn về nguồn gốc xuất xứ, chất lượng; đăng ký tên nhiều loại phân bón khác nhau khi bị người tiêu dùng phát hiện loại phân kém chất lượng. Nếu các cơ quan chức năng tiến hành thu thập tài liệu, chứng cứ để xử lý thì các đối tượng này sẽ thay bằng loại khác, mang tên khác, có khi mỗi vụ sản xuất một loại. Có đối tượng sản xuất thuê nhà để đăng ký thành lập doanh nghiệp, xin thủ tục cấp phép sản xuất, công bố chất lượng, nhưng thực tế không có cơ sở sản xuất; đặt in bao bì là địa chỉ văn phòng, thuê cơ sở khác để sản xuất phân bón giả, không bảo đảm chất lượng. Khi kiểm tra lấy mẫu gửi thử nghiệm phát hiện có vi phạm thì đối tượng bỏ trốn khỏi nơi đăng ký kinh doanh, gây khó khăn cho việc đấu tranh, ngăn chặn, xử phạt.

Có trường hợp các đối tượng vi phạm đóng bao giả nhãn hiệu, bao bì của các cơ sở sản xuất có uy tín, được ưa chuộng; sản xuất một nơi nhưng xuất hóa đơn một nẻo; trộn hàng giả với hàng thật, hàng không bảo đảm chất lượng với hàng bảo đảm chất lượng, áp dụng hình thức khuyến mãi hấp dẫn, bán trả tiền sau cho các cửa hàng nhỏ lẻ ở vùng nông thôn. Lợi dụng lòng tin, nhận thức của nông dân còn hạn chế, một số đối tượng sản xuất, kinh doanh phân bón còn tổ chức hội nghị giới thiệu và khẳng định phân bón bảo đảm chất lượng. Hơn nữa, trên bao bì sản phẩm, hàng hóa, các đối tượng vi phạm thường không ghi ngày sản xuất, hạn sử dụng; không có thông tin cảnh báo an toàn và hướng dẫn sử dụng, bảo quản.

Đáng chú ý là hiện nay các đối tượng sản xuất, kinh doanh phân bón giả nghiên cứu rất kỹ các quy định của luật pháp để giới hạn vi phạm ở mức chỉ xử lý hành chính, chuyển từ sản xuất phân bón giả sang sản xuất phân bón kém chất lượng. Hoặc tìm cách né tránh trách nhiệm hình sự bằng cách chuẩn bị sẵn một lượng lớn phân bón rời, kém chất lượng, trá hình phân bón nguyên liệu rồi đóng vào nhiều loại bao bì, nhãn hiệu khác nhau với số lượng ít, đủ chuyển đi hết ngay theo từng đợt nhỏ, lẻ.

Phân bón là mặt hàng quan trọng đối với sản xuất nông nghiệp, vì vậy bên cạnh các chỉ thị, nghị quyết và các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý mặt hàng này đã được ban hành, các bộ, ngành và địa phương cần nâng cao hiệu quả phòng, chống phân bón giả, kém chất lượng và các hành vi vi phạm pháp luật trong sản xuất, kinh doanh phân bón; triển khai đồng bộ, quyết liệt những giải pháp, trong đó cần đặc biệt quan tâm công tác phổ biến, tuyên truyền pháp luật. Nhà nước cần đưa ra các chế tài đủ mạnh để điều chỉnh, xử lý nhằm đẩy lùi nạn phân bón giả, kém chất lượng. Tăng cường tuyên truyền đến các tổ chức kinh doanh không sản xuất phân bón giả; các tổ chức, cá nhân hợp tác với cơ quan chức năng tố giác tội phạm không để cho các đối tượng sản xuất, kinh doanh phân bón giả, kém chất lượng.

Cơ quan chức năng, nhà sản xuất cần tuyên truyền kiến thức nhận biết mỗi sản phẩm phân bón đang bán ra thị trường cho bà con nông dân siết chặt việc cấp phép cho các doanh nghiệp sản xuất phân bón; cần phải có những điều kiện, có quy hoạch về sản xuất phân bón; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm để bảo vệ quyền lợi chính đáng cho các doanh nghiệp phân bón chân chính, cũng như người sử dụng phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Nguồn: