Hội nghị trực tuyến về các giải pháp bảo đảm cấn đối cung cầu và bình ổn thị trường

09:43 SA @ Thứ Năm - 07 Tháng Mười, 2010

Ngày 06 tháng 10 năm 2010, tại trụ sở Văn phòng Chính phủ, dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, đã diễn ra Hội nghị trực tuyến về Các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu và bình ổn thị trường. Tham gia Hội nghị có đại diện lãnh đạo các Bộ ngành như Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, v.v…

Đoàn đại biểu của Bộ Công Thương do Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa dẫn đầu cùng đại diện lãnh đạo các đơn vị: Vụ Thị trường trong nước, Vụ Công nghiệp nhẹ, Cục Quản lý thị trường và đại diện lãnh đạo Văn phòng Bộ. Tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng đã báo cáo tổng hợp về công tác bảo đảm cân đối cung cầu và bình ổn thị trường. Báo cáo nêu rõ những nhận dịnh, đánh giá chung về thị trường trong nước thời gian qua cũng như những đánh giá chung về các giải pháp đã thực hiện, đồng thời đưa ra 6 giải pháp tiếp theo cho việc bảo đảm cân đối cung cầu và bình ổn thị trường.

Chia sẻ tại Hội nghị còn có kinh nghiệm của đại diện các địa phương (Hà Nội, Hồ Chí Minh...), các doanh nghiệp (Saigon Co.op, Hapro…) về xây dựng và tổ chức triển khai chương trình bình ổn thị trường; các tham luận về phương thức dự trữ hàng bình ổn thị trường của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tổng Công ty Xăng dầu Việt Nam, Tổng Công ty Thép, v.v… Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước tham gia với phần thảo luận về vai trò và hiệu quả bình ổn thị trường với một số mặt hàng thiết yếu. Hội nghị cũng dành nhiều thời gian để thảo luận xung quanh việc sử dụng công cụ khác và các chính sách về tài chính tiền tệ.

6 giải pháp của Bộ Công Thương về bảo đảm cấn đối cung cầu và bình ổn thị trường

Một là, đẩy mạnh sản xuất công nghiệp, tập trung tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất và kinh doanh hàng xuất khẩu.

Hai là, đẩy nhanh tiến độ xây dựng các công trình trọng điểm để đưa vào sản xuất, tạo nguồn cung cho thị trường.

Ba là, tiếp tục thực hiện các chương trình xúc tiến thương mại nội địa, phối hợp tìm đầu ra cho các sản phẩm công nghiệp, nông nghiệp tại các địa phương.

Bốn là, tăng cường kiểm soát thị trường, đảm bảo cung ứng tốt các mặt hàng trọng yếu.

Năm là, tuyên truyền kịp thời các chủ trương chính sách nhằm hỗ trợ thông tin cho doanh nghiệp thúc đẩy sản xuất, kinh doanh.

Sáu là, kiến nghị Chính phủ ban hành Chỉ thị chỉ đạo triển khai các chính sách, biện pháp cần thiết để bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường, đồng thời tiếp tục triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 18 của Chính phủ về những giải pháp bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, v.v…

Nguồn: