Hội thảo "Ðánh giá tác động sau 3 năm Việt Nam gia nhập WTO"

04:01 CH @ Thứ Hai - 24 Tháng Năm, 2010

Ngày 24 tháng 5 năm 2010, tại Hà Nội, Văn phòng Chính phủ đã tổ chức Hội thảo "Ðánh giá tác động sau 3 năm Việt Nam gia nhập WTO" với sự tham dự của gần 260 đại biểu. Nhiều đại biểu nguyên là lãnh đạo đoàn đàm phán quốc tế đã chia sẻ những vấn đề đang đặt ra đối với nền kinh tế Việt Nam sau 3 năm gia nhập tổ chức này.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã tập trung phân tích, đánh giá tác động của việc gia nhập WTO tới các lĩnh vực thương mại, đầu tư, tăng trưởng kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô, xã hội, thể chế kinh tế,v.v... Báo cáo "Tác động hội nhập đối với nền kinh tế sau hai năm Việt Nam gia nhập WTO" của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương - Bộ Kế hoạch và Ðầu tư cho thấy Hội nhập kinh tế quốc tế (HNKTQT) có tác động trực tiếp và nhanh nhất đến thương mại quốc tế và đầu tư, từ đó lan tỏa đến sản xuất trong nước, tạo việc làm và giảm nghèo. Nhìn tổng thể, HNKTQT và đặc biệt là gia nhập WTO đã có tác dụng tích cực đến tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong 3 năm. Tuy nhiên, nhiều cơ hội cũng như vô vàn thách thức từ quá trình HNKTQT đã xuất hiện và tồn tại đan xen nhau tác động mạnh mẽ lên nền kinh tế Việt Nam.

Theo báo cáo này, bên cạnh các tác động hữu hình như gia tăng kim ngạch xuất khẩu, đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng mạnh, hệ thống phân phối được cải thiện... việc gia nhập WTO còn có những tác động vô hình khác. Chẳng hạn, nhận thức của xã hội về nhu cầu hội nhập đã có chuyển biến và gia tăng đáng kể. Cũng nhờ hội nhập mà thể chế nhà nước có sự đổi mới mạnh mẽ, hệ thống văn bản pháp luật ngày càng đồng bộ hơn. Việc giảm 30% thủ tục hành chính mà Việt Nam đang làm một phần cũng nhờ sức ép của hội nhập.

Ngày 27 tháng 02 năm 2007, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 16/2007/NQ-CP ban hành Chương trình hành động của Chính phủ để thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về một số chủ trương, chính sách lớn để nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững khi Việt Nam là thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới; theo đó, Nghị quyết của Chính phủ đã xác định 131 hoạt động cụ thể tập trung vào 12 nhóm nhiệm vụ với 75 nhiệm vụ chủ yếu. Nghị quyết của Chính phủ cũng chỉ rõ các giải pháp, yêu cầu bảo đảm tổ chức thực hiện Chương trình hành động đối với tất cả các Bộ, ngành, địa phương trong cả nước; trong đó, Bộ Thương mại (nay là Bộ Công Thương) được giao nhiệm vụ vừa là một cơ quan thuộc Chính phủ thực hiện các nội dung nhiệm vụ theo yêu cầu tại Chương trình hành động của Chính phủ, vừa là cơ quan được Chính phủ giao làm đầu mối, phối hợp với Văn phòng Chính phủ thực hiện công tác theo dõi, đôn đốc chung quá trình triển khai thực hiện Chương trình hành động ở các Bộ, ngành, địa phương.

Tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Cẩm Tú đã trình bày về kết quả thực hiện Chương trình hành động của Chính phủ sau khi gia nhập WTO. Thứ trưởng cho biết trong thời gian tới, nhiệm vụ tiếp theo của các Bộ, ngành và địa phương là tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thực hiện Chương trình hành động của Bộ, ngành, địa phương mình, đồng thời có báo cáo tổng kết, đánh giá một cách đầy đủ, toàn diện Chương trình hành động trong 3 năm qua và đề xuất những điều chỉnh, bổ sung cần thiết. Về phía Bộ Công Thương, tới đây sẽ thực hiện điều tra khảo sát thực trạng thực hiện Chương trình hành động ở các Bộ, ngành và địa phương. Bên cạnh đó, Bộ Công Thương sẽ chủ trì tổng hợp các kết quả đạt được, những đề xuất, điều chỉnh, bổ sung về Chương trình hành động của các Bộ cũng như đề nghị bổ sung điều chỉnh Nghị quyết 16.

Tại Hội thảo, hầu hết các đại biểu cho rằng, ba năm gia nhập WTO là quãng thời gian chưa đủ dài, thêm vào đó là những biến động khó lường của kinh tế toàn cầu... nên khó có thể đánh giá và nhìn nhận, bóc tách rõ ràng, đầy đủ những tác động của việc gia nhập WTO đối với nền kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên, về cơ bản, tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế và gia nhập WTO đã có nhiều tác động tích cực như tăng GDP, tăng trưởng xuất khẩu, đầu tư nước ngoài, phát triển các ngành dịch vụ, v.v... Mặc dù đạt được nhiều kết quả khả quan nhưng các đại biểu cũng thẳng thắn nhìn nhận những thách thức của hội nhập (như cạnh tranh gay gắt hơn, nhập siêu tăng, sự biến động của thị trường thế giới tác động nhanh và mạnh đến thị trường trong nước...), đồng thời rút ra nhiều bài học kinh nghiệm quan trọng sau ba năm gia nhập WTO. Muốn phát huy được những thuận lợi, hạn chế khó khăn thách thức, các chuyên gia cho rằng, cần tăng tốc cải cách, nâng cao chất lượng tăng trưởng và năng lực cạnh tranh của các ngành, các doanh nghiệp.

Nguồn: