Khoảng một nửa sản phẩm phân bón đang lưu thông trên thị trường có nguy cơ là hàng giả, kém chất lượng ?

03:08 CH @ Thứ Năm - 12 Tháng Chín, 2019

Các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước hiện đang gặp khó khăn nhận diện về sản xuất phân bón giả, phân bón nhái, phân bón kém chất lượng diễn ra hết sức tinh vi với nhiều thủ đoạn, chiêu trò.

Theo thống kê của cơ quan quản lý thị trường (Bộ Công thương) năm 2015 có trên 4.000 vụ vi phạm, năm 2016 là trên 5.000 vụ vi phạm, trong đó còn nhiều vụ chưa được giải quyết bởi pháp luật vẫn còn nhiều kẽ hở. Năm 2017, được sự quan tâm của Chính phủ, các Bộ, Ban, ngành đã vào cuộc, đưa ra các nhiệm vụ và giải pháp cấp bách trong công tác phòng, chống sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng nên số vụ vi phạm đã giảm đáng kể, qua 2 đợt kiểm tra chỉ phát hiện 771 vụ vi phạm, giảm gần 8 lần so với năm 2016 nhưng vẫn là một con số rất lớn. Thời gian gần đây, số vụ vi phạm bị phát hiện đang giảm dần nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều diễn biến phức tạp.

Tác động tiêu cực của phân bón giả, phân bón kém chất lượng là rất lớn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cây trồng, thổ nhưỡng, hiệu quả kinh tế, an ninh lương thực. Thêm nữa, thiệt hại và hậu quả chưa đo đếm được như: - Phân bón giả, kém chất lượng làm suy kiệt sức sống của cây trồng dẫn đến giảm năng suất cây trồng, cây yếu sẽ bị sâu bệnh tấn công nhiều hơn khiến cho việc tăng thêm chi phí cho phòng và trị sâu bệnh hại, gây ảnh hưởng đến hiệu quả kinh tế và chất lượng nông sản. Mặt khác, các mặt hàng nông sản Việt Nam đang hướng tới thị trường quốc tế sẽ không đảm bảo chất lượng, việc xuất khẩu sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Phân bón giả, kém chất lượng gây rối loạn thị trường tạo môi trường cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp, đặc biệt ảnh hưởng tới các doanh nghiệp làm ăn chân chính.

Hiện nay những đơn vị sản xuất phân bón giả, kém chất lượng này đã đánh vào sự hám lợi của một số đại lý, cửa hàng đã vì lợi nhuận (do phân bón giả có giá thành thấp nên đã chi thù lao cho người bán hàng cao) mà tiếp tay cho hành vi sản xuất, tiêu thụ phân bón giả, phân bón nhái, phân bón kém chất lượng.

Hơn nữa do nhận thức của người dân nhiều nơi đặc biệt là bà con nông dân vùng sâu, vùng xa còn hạn chế, không phân biệt được phân bón thật, phân bón giả, phân bón kém chất lượng, thêm vào đó là tâm lý ham rẻ nên dễ mua phải phân bón giả, phân bón nhái, phân bón kém chất lượng.

Theo Công ty CP Supe phốt phát và hóa chất Lâm Thao, thời gian qua, công ty phát hiện một số chiêu trò của một số cửa hàng kinh doanh phân bón nhỏ lẻ là lấy vỏ bao bì phân bón Lâm Thao đã sử dụng sau đó cho phân bón của các Công ty không có thương hiệu có giá thấp vào và bán lẻ cho người nông dân để thu lợi nhuận bất chính. Đó là vụ dùng bột đá màu xám làm Supe lân Lâm Thao giả ở huyện Tân Phú - Đồng Nai, ở huyện Bình Chánh - TP. Hồ Chí Minh gây thiệt hại cây cà phê của người trồng trọt.

Có một số cơ sở sản xuất phân bón làm mẫu mã bao bì với kiểu dáng giống hệt bao bì của phân bón Lâm Thao chỉ khác vài chi tiết nhỏ (logo và tên cơ sở sản xuất), đặt in giả bao bì phân bón Lâm Thao, điều này dễ gây nhầm lẫn cho bà con nông dân khi lựa chọn sản phẩm phân bón Lâm Thao đặc biệt là bà con vùng sâu, vùng xa. Các cở sở này thường chiết khấu rất cao cho các đại lý bán hàng, do vậy các đại lý vì lợi nhuận đã tiếp tay, hướng bà con nông dân mua các sản phẩm phân bón giả này.

Trước thực trạng phân bón giả, phân bón nhái, phân bón kém chất lượng, Công ty Cổ phần Supe phốt phát và Hóa chất Lâm Thao đã và đang áp dụng các giải pháp để ngăn chặn nạn phân bón giả, bảo vệ thương hiệu và lợi ích hợp pháp của Công ty và của người nông dân như: Trực tiếp tổ chức hàng nghìn hội nghị hướng dẫn sử dụng phân bón Lâm Thao xuống các thôn, xã nhằm trang bị kiến thức cho hàng trăm nghìn bà con nông dân về hướng dẫn cách sử dụng phân bón cho các loại cho cây trồng theo khoa học, cách phân biệt mẫu mã, bao bì, tem, dấu, màu sắc,…của phân bón của Công ty so với phân bón giả, phân bón nhái, phân bón kém chất lượng, giới thiệu địa chỉ, tên gọi của hệ thống các cửa hàng bán phân bón Lâm Thao tại địa phương.

Tuy nhiên, hiện nay có trên 700 cơ sở sản xuất phân bón, với 20.000 đầu tên sản phẩm phân bón, chưa kể đến số lượng phân bón nhập khẩu. Để thị trường phân bón được ổn định, tạo môi trường kinh doanh hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp sản xuất và người sử dụng phân bón thì cần phải có vai trò của các cơ quan chức năng đặc biệt là các cơ quan quản lý Nhà nước. Sự quản lý chặt chẽ và có hiệu quả sẽ bảo vệ được nhà sản xuất chân chính và bảo vệ được người nông dân sử dụng phân bón. Hiện nay việc quản lý phân bón đã được thống nhất giao cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý theo Nghị định 108/2017 NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 20/09/2017, điều này rất thuận lợi trong việc chống nạn phân bón giả, phân bón nhái, phân bón kém chất lượng.

Theo các doanh nghiệp sản xuất phân bón cần vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa từ các cơ quan quản lý nhà nước như Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật các tỉnh, thành phố, cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc cấp phép sản xuất, khảo nghiệm, cấp giấy chứng nhận hợp quy các loại phân bón vô cơ và hữu cơ, giám sát kiểm tra việc sản xuất kinh doanh các loại phân bón trên thị trường, xử lý nghiêm các hành vi sản xuất, kinh doanh các loại phân bón giả, phân bón nhái, phân bón kém chất lượng, tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến kiến thức pháp luật cho các doanh nghiệp sản xuất, các đại lý kinh doanh phân bón, các hộ nông dân về các quy định của Nhà nước về quản lý phân bón, về các tiêu chuẩn kỹ thuật của phân bón.

Đối với các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh phân bón: Phải sản xuất các loại phân bón có chất lượng tốt, giá bán hợp lý, đảm bảo hài hòa lợi ích của nhà sản xuất, hệ thống phân phối và người nông dân, phải xây dựng hệ thống phân phối bán hàng khép kín, có chính sách hậu bán hàng tốt, trang bị kiến thức cho bà con nông dân về nhận diện thương hiệu, sản phẩm và hướng dẫn sử dụng phân bón theo đúng quy trình kỹ thuật.

Nguồn: thuongtruong.com.vn