Nâng cao hiệu quả quản lý phân bón

10:19 SA @ Thứ Hai - 26 Tháng Ba, 2018

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình yêu cầu Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia chủ động tổng hợp những bất cập trong quản lý phân bón để tham mưu cho Ban Chỉ đạo 389 quốc gia chỉ đạo hoặc kiến nghị sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các quy định nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý.

Năm 2017, Bộ Công Thương đã chỉ đạo Sở Công Thương các tỉnh, thành phố tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật trong kinh doanh vật tư nông nghiệp, trong đó có phân bón. Theo đó, lực lượng quản lý thị trường (QLTT) đã phối hợp với các cơ quan chức năng thực hiện 3 đợt cao điểm kiểm tra, xử lý hàng nghìn vụ vi phạm pháp luật trong sản xuất, kinh doanh phân bón trên toàn quốc.

Ông Hoàng Trung - Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) - nhận định: Hàng giả, hàng kém chất lượng trong sản xuất nông nghiệp đến nay vẫn còn diễn biến rất phức tạp. Thống kê cho thấy, cả nước hiện có 14.174 sản phẩm phân bón với 735 nhà máy sản xuất, công suất 29,5 triệu tấn/năm; cộng thêm khoảng 4 triệu tấn phân bón vô cơ nhập khẩu và khoảng 2 triệu tấn phân bón hữu cơ sản xuất trong nước. Để kiểm soát và làm sạch được thị trường này, các cơ quan chức năng phải thực hiện khối lượng công việc kiểm tra, kiểm soát rất lớn. Trong khi đó, theo ông Trần Hùng - Phó Cục trưởng Cục QLTT, việc kiểm định mẫu phân bón để phục vụ xử lý các vi phạm hiện còn gặp rất nhiều khó khăn, thiếu kinh phí. Các lực lượng chức năng có nơi còn buông lỏng, thiếu kiên quyết xử lý vi phạm, thậm chí có hiện tượng tiếp tay hoặc bảo kê cho sản xuất, kinh doanh phân bón giả, kém chất lượng.

Tháng 9/2017, Chính phủ đã ban hành Nghị định 108/2017/NĐ-CP thay thế Nghị định 202/2013/NĐ-CP, trong đó chỉ giao cho một đầu mối quản lý chính về sản xuất phân bón hiện nay là Cục Bảo vệ Thực vật. Khung khổ pháp lý về quản lý, chế tài xử lý được cho là đã cơ bản đầy đủ, vấn đề là sự vào cuộc quyết liệt, hiệu quả như thế nào của các lực lượng chức năng. Trên thực tế, ngăn chặn phân bón giả lưu thông không chỉ riêng có trách nhiệm của Bộ Công Thương (thực hiện chức năng QLTT) mà còn có trách nhiệm và sự phối hợp của các bộ, ngành liên quan và chính quyền các địa phương.

Để làm lành mạnh hóa thị trường phân bón, bảo đảm các sản phẩm phân bón đến tay người nông dân có chất lượng, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng, bảo vệ môi trường…, mới đây Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình - Trưởng Ban Chỉ đạo 389 quốc gia - đã yêu cầu các cấp, ngành, lực lượng chức năng tiếp tục thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các chỉ đạo của Chính phủ, kế hoạch của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia về quản lý, phòng, chống, ngăn chặn phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả trong năm 2018. Phó Thủ tướng yêu cầu Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia theo dõi, kiểm tra, đôn đốc, đánh giá kết quả thực hiện của các bộ, ngành, địa phương; tổng hợp các phương thức, thủ đoạn vi phạm mới về buôn lậu, sản xuất, xuất nhập khẩu, kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc và những khó khăn, vướng mắc, bất cập trong công tác quản lý, những kiến nghị, đề xuất từ các ngành chức năng… để báo cáo, tham mưu cho Ban Chỉ đạo 389 quốc gia chỉ đạo kịp thời hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, thay thế, ban hành mới các quy định pháp luật về quản lý phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, bảo đảm có hiệu lực, hiệu quả cao hơn.

Qua 3 đợt cao điểm kiểm tra chấp hành pháp luật trong sản xuất, kinh doanh phân bón vô cơ năm 2017, lực lượng QLTT cả nước đã xử lý 1.091 vụ vi phạm, phạt hành chính 8,6 tỷ đồng; tịch thu, tiêu hủy hàng chục nghìn tấn phân bón giả, chuyển cơ quan công an điều tra xử lý một số vụ có dấu hiệu phạm tội.

Nguồn: Báo Công Thương