Những dự báo tích cực về tăng trưởng kinh tế năm 2018

10:21 SA @ Thứ Năm - 15 Tháng Ba, 2018

Theo dự báo, tăng trưởng kinh tế trong năm 2018 được sẽ tiếp tục chuyển biến tích cực, kế thừa xu thế tăng trưởng từ năm 2017 nhờ sự gia tăng hoạt động trong các lĩnh vực chế tạo, xây dựng, thương mại, bán buôn và bán lẻ, ngân hàng và du lịch.

Kinh tế sẽ tiếp tục chuyển biến tích cực

Theo đánh giá tình hình kinh tế - xã hội trong nước tháng 2 và dự báo trong thời gian tới của Trung tâm thông tin và dự báo kinh tế - xã hội Quốc gia, tăng trưởng kinh tế trong năm 2018 được dự báo sẽ tiếp tục chuyển biến tích cực. Bên cạnh đó, kinh tế và thương mại của thế giới dự báo cao hơn năm 2017, tạo thuận lợi hơn cho phát triển kinh tế và xuất khẩu.

Cũng theo Trung tâm thông tin và dự báo kinh tế - xã hội Quốc gia, tăng trưởng sẽ tiếp tục cải thiện ở cả ba động lực kinh tế, mạnh mẽ nhất là khu vực dịch vụ do kế thừa đà tăng trưởng của năm 2017.

Cùng với đó, khu vực công nghiệp và xây dựng cũng sẽ được kỳ vọng có bước bứt phá khi những nỗ lực từ phía Chính phủ trong tháo gỡ khó khăn của doanh nghiệp, nhằm thúc đẩy tăng trưởng được thực hiện triệt để và quyết liệt trong năm 2017 cũng sẽ phát huy hiệu quả trong năm 2018. Khu vực nông lâm và thủy sản sẽ duy trì ở mức tăng trưởng khá khi các giải pháp tháo gỡ khó khăn và phát triển nông nghiệp bền vững đang dần được triển khai và phát huy hiệu quả.

“Với việc tăng trưởng đồng đều trên các khu vực kinh tế lớn về phía cung cũng như thành tích 2 tháng đầu năm từ các lĩnh vực xuất khẩu, tiêu dùng, đầu tư phía cầu, dự kiến tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2018 có khả năng khởi sắc hơn so với dự báo”, Trung tâm thông tin và dự báo kinh tế - xã hội Quốc gia cho hay.

Bên cạnh những tín hiệu tích cực, Trung tâm thông tin và dự báo kinh tế - xã hội Quốc gia cũng cho rằng, nền kinh tế vẫn còn những thách thức phía trước.

Trong nước, các vấn đề nội tại của nền kinh tế vẫn là thách thức lớn như trình độ công nghệ thấp, đất đai, tài nguyên đang dần cạn kiệt trong khi năng suất, hiệu quả và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế tuy có chuyển biến nhưng chưa thực sự đột phá.

Ngoài ra, yếu tố động lực tăng trưởng ở cả tổng cung và tổng cầu như khai thác dầu, than, đóng góp của Samsung, kiều hối, FDI, tiêu dùng đều đã được tận dụng và khó có khả năng duy trì được mức tăng cao như trong năm 2017.

Thêm vào đó, thị trường lao động Việt Nam năm 2018 sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang và sẽ tác động đến mọi mặt của nền kinh tế và xã hội, đặc biệt là thị trường lao động. Cuộc cách mạng này vừa là cơ hội, đồng thời cũng là thách thức đối với thị trường lao động Việt Nam, đặc biệt là trong các lĩnh vực dệt may, điện tử, những ngành có nhiều lao động thủ công hoặc gắn với quá trình tự động hóa.

Nhiều tín hiệu đáng mừng cho xuất khẩu Việt Nam

Cũng theo Trung tâm thông tin và dự báo kinh tế - xã hội Quốc gia, trong tháng đầu năm 2018 đã chứng kiến sự tăng mạnh trong thương mại quốc tế của Việt Nam.

Bằng chứng, tính riêng tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam đã đạt trên 40 tỷ USD, tăng trưởng ấn tượng tới hơn 40% so với cùng kỳ năm trước. Sự tăng trưởng vượt bậc này là nhờ những sự khởi sắc trong cả tình hình trong nước và quốc tế. Dư địa tăng trưởng của năm 2017 đã tạo tiền đề cho sự phát triển mạnh mẽ của khu vực sản xuất trong năm 2018, tạo động lực thương mại cho khu vực xuất nhập khẩu.

Bên cạnh đó, sự phát triển của các đối tác chiến lược và sự phát triển trong nhu cầu hàng hoá Việt Nam ngày càng gia tăng cũng tạo ra lực kéo giúp thương mại quốc tế của Việt Nam trong tháng đầu năm trở nên mạnh mẽ.

Đối với xuất khẩu, tính riêng tháng 2, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 13,4 tỷ USD, giảm 33,7% so với tháng trước nhưng vẫn tăng 2,3% so với cùng kỳ năm trước. Sự sụt giảm này chủ yếu đến từ khu vực trong nước do ảnh hưởng của tâm lý nghỉ dài ngày trong dịp Tết nguyên đán.

Về thị trường, Việt Nam vẫn phụ thuộc vào các thị trường truyền thống như Mỹ, EU, Trung Quốc, Nhật Bản. Đặc biệt, việc bị EU cảnh cáo thẻ vàng cho các mặt hàng thuỷ sản của Việt Nam đã gây ra những cản trở nhất định đối với việc xuất khẩu mặt hàng này cho thị trường khó tính EU.

Trung tâm thông tin và dự báo kinh tế - xã hội Quốc gia cho rằng, tháng 2 cũng đón nhận những tín hiệu đáng mừng cho xuất khẩu Việt Nam. Trước nhất, xuất khẩu Việt Nam sẽ đón nhận những tác động tích cực từ việc kí kết hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Bên cạnh đó, những tác động tích cực này còn trở nên mạnh mẽ hơn với sự quan tâm của Anh và Mỹ hiện nay.

Ngoài ra, biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam - Liên minh Kinh tế Á - Âu (VN-EAEU FTA) cũng được cắt giảm tới hươn 5.535 dòng thuế về mức 0% trong đó chủ yếu là các mặt hàng nguyên liệu đầu vào như nguyên phụ liệu dệt may, da giày, linh kiện điện tử ,nhựa nguyên liệu, phân bón…từ đó có thể tác động làm giảm chi phí sản xuất cho các sản phẩm xuất khẩu.

Đối với nhập khẩu, kim ngạch, khu vực nhập khẩu ước tính nhập khẩu 12,5 tỷ USD, giảm 37,6% so với cùng kỳ tháng trước trong đó nhập khẩu giảm chủ yếu là ở khu vực có vốn trong nước.

Về thị trường, thị trường nhập khẩu của Việt Nam vẫn tập trung từ Trung Quốc và Hàn Quốc và không có nhiều đột biến trong tháng này.

Nguồn: Vnmedia.vn