Phó Thủ tướng chỉ đạo: Sửa luật để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp

08:21 SA @ Thứ Sáu - 08 Tháng Chín, 2017

Chiều qua, ngày 6/9, tại phiên họp Ban chỉ đạo của Chính phủ xử lý tồn tại vướng mắc của 12 dự án ngành Công thương, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã giao Bộ Tài chính nghiên cứu, đề xuất sửa đổi Luật số 71 để tạo điều kiện cho doanh nghiệp.

Trong dự án luật sửa 5 luật thuế, Bộ Tài chính đề xuất đưa phân bón là 1 trong số các mặt hàng từ không chịu thuế vào diện chịu thuế giá trị gia tăng (VAT) 5%, để được khấu trừ thuế đầu vào. Đề xuất này đã đáp ứng mong mỏi của các doanh nghiệp (DN) sản xuất phân bón. Ngay chiều qua, ngày 6/9, tại phiên họp Ban chỉ đạo của Chính phủ xử lý tồn tại vướng mắc của 12 dự án ngành Công thương, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã giao Bộ Tài chính nghiên cứu, đề xuất sửa đổi Luật số 71 để tạo điều kiện cho DN.

DN sản xuất phân bón sẽ được khấu trừ thuế đầu vào

Theo đề xuất của Bộ Tài chính tại dự án Luật sửa 5 luật thuế đang được đưa ra lấy ý kiến rộng rãi, phân bón, máy móc thiết bị chuyên dùng cho nông nghiệp, tàu đánh bắt xa bờ đang từ không chịu thuế (theo Luật số 71/2014/QH13 – Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật về thuế) vào diện chịu thuế 5%. Với sửa đổi này, DN sẽ được khấu trừ thuế đầu vào, qua đó giảm chi phí sản xuất.

“Tác động lớn nhất của nó là hỗ trợ cho DN trong việc giảm tổng chi phí sản xuất, từ đó DN có cơ hội tái đầu tư sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm” - ông Phạm Văn Khoa, Phó giám đốc Công ty Máy kéo và máy nông nghiệp tâm đắc.

Cũng nhận định về điểm này, ông Nguyễn Hạc Thúy – Phó Chủ tịch Hiệp hội Phân bón Việt Nam cho rằng: “Việc đưa phân bón, máy móc thiết bị cho nông nghiệp vào diện chịu thuế VAT là yếu tố tạo cơ hội cho nhóm hàng phân bón phát triển. Từ đó, tạo động lực cho DN đổi mới công nghệ, giảm giá thành sản phẩm, giúp giảm rất lớn áp lực cạnh tranh từ phân bón nhập khẩu”.

Hiện tại, các DN sản xuất mặt hàng phân bón của Việt Nam đang phải giảm công suất do chịu sức ép cạnh tranh từ hơn 4 triệu tấn phân bón nhập khẩu mỗi năm. Theo tính toán được nêu ra tại một cuộc hội thảo gần đây, mỗi DN ngành này một năm thiệt hại hàng trăm tỷ đồng, do phải giảm sản lượng và không được khấu trừ, hoàn thuế. Chỉ tính riêng 2 DN là đạm Cà Mau và đạm Phú Mỹ, trong năm 2015, tiền thuế VAT không được khấu trừ thuế đầu vào so với năm trước vào khoảng 550 tỷ đồng.

Tạo thuận lợi để DN vượt khó

Về bản chất, sửa đổi chính sách thuế không phải nhằm mục đích ưu đãi cho một vài DN. Khi mặt hàng của DN ở diện “không chịu thuế VAT”, thì DN không được kê khai, khấu trừ và hoàn thuế VAT đầu vào, DN phải tính vào chi phí, khiến giá thành tăng. Giá thành của mặt hàng tăng cao, đương nhiên DN sẽ gặp bất lợi trong cạnh tranh với hàng nhập khẩu, người nông dân phải mua sản phẩm giá với cao, không có tác dụng khuyến khích sản xuất nông nghiệp. Nếu việc sửa đổi chính sách được thực thi, sẽ đạt lợi ích kép cho tất cả các DN ngành Phân bón và nhà nông, đương nhiên trong số các DN này có các DN phân bón thua lỗ, đang trong quá trình gấp rút tái cơ cấu.

Chiều qua, 6/9, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban chỉ đạo của Chính phủ về xử lý tồn tại vướng mắc 12 dự án ngành Công thương đã chủ trì phiên họp lần thứ 4 của Ban chỉ đạo.

Tại cuộc họp, Bộ Công thương đã báo cáo, qua một thời gian tăng cường quản trị, tiết giảm chi phí để giảm lỗ, mở rộng thị trường tiêu thụ, tăng chất lượng và đa dạng chủng loại sản phẩm nên kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của các nhà máy đạm tiếp tục được cải thiện. Hiện 4 nhà máy sản xuất phân bón thuộc Tập đoàn Hoá chất hoạt động ổn định, thời gian chạy máy đạt từ 19-24 ngày, phụ tải trung bình đạt khoảng 75-90%.

Tuy nhiên, Bộ Công thương cho rằng hoạt động của các nhà máy chưa hiệu quả (trừ DAP 1 Hải Phòng xuất hiện lãi) do chưa sửa Luật số 71 về thuế VAT cho nguyên liệu đầu vào của sản xuất phân bón và giá nguyên liệu vẫn cao hơn kỳ vọng của doanh nghiệp.

Chỉ đạo tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đã giao Ngân hàng Nhà nước tiếp tục chỉ đạo theo thẩm quyền tới các ngân hàng thương mại cơ cấu lại các khoản nợ, rà soát phân loại nợ, làm căn cứ để Bộ Tài chính giãn khấu hao cho các nhà máy, dự án. Phó Thủ tướng cũng chỉ đạo Bộ Tài chính nghiên cứu, đề xuất sửa đổi Luật số 71 và thuế xuất khẩu thạch cao nhân tạo, để tháo gỡ khó khăn cho các DN.

Nguồn: Thoibaotaichinhvietnam.vn