Quản lý hóa chất, luật quy định như thế nào?

10:09 SA @ Thứ Tư - 15 Tháng Sáu, 2016

Chủ trương xây dựng mới trung tâm hóa chất để di dời khu vực chợ hóa chất Kim Biên tại TP.HCM đang được dư luận hết sức quan tâm. Muốn người dân đồng tình với chủ trương này, chính quyền địa phương sẽ phải làm rõ khoảng cách an toàn trong việc kinh doanh hóa chất. Và việc thành lập chợ hóa chất mới có chấm dứt được những yếu kém trong quản lý kinh doanh hóa chất hiện nay?

Mời bạn đọc cùng Thạc sỹ Nguyễn Thế Anh (Trung tâm truyền thông Pháp luật Việt Nam) cùng nhìn nhận sự việc qua quy định của Luật Hóa chất hiện hành.

Làm rõ khoảng cách an toàn

Thưa ông, có những vấn đề nào cần đặt ra khi di dời chợ hóa chất Kim Biên để thành lập một trung tâm kinh doanh tập trung?

- Theo tôi có hai vấn đề cần đặt ra:

+ Thứ nhất, tại sao phải di dời? Để thuyết phục những người dân đồng tình với chủ trương di dời thì chính quyền cần phải làm rõ khoảng cách an toàn trong việc kinh doanh hóa chất.

Điều 22 Luật Hóa chất quy định: Địa điểm sản xuất, kho chứa hóa chất nguy hiểm của cơ sở sản xuất, kinh doanh hóa chất thuộc Danh mục hóa chất có yêu cầu xây dựng kế hoạch ngằn ngừa, khắc phục sự cố hóa chất và duy trì khoảng cách an toàn phải bảo đảm khoảng cách an toàn đối với khu dân cư, công trình công cộng, di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh, khu bảo tồn đa dạng sinh học, nguồn nước sinh hoạt.

Từ đó, người dân có quyền đặt ra câu hỏi: Nếu tôi tuân thủ đúng an toàn phòng chống cháy nổ, có giấy phép kinh doanh và mặt hàng hóa chất không thuộc danh mục phải duy trì khoảng cách an toàn thì sao lại bắt di dời?

+ Thứ hai, nếu di dời rồi thành lập chợ mới thì những yếu kém trong quản lý kinh doanh hóa chất có được khắc phục? Thực tế hiện nay khu vực chợ Kim Biên kinh doanh rất nhiều mặt hàng hóa chất phục vụ cho các ngành công nghiệp, y tế, thực phẩm, bảo vệ thực vật...Những loại hóa chất này đều đã được Nghị định 108/2008/NĐ-CP phân loại rất cụ thể kèm theo điều kiện kinh doanh.

Điều cần thiết mà các lực lượng chức năng cần phải làm là kiểm tra, thống kê đầy đủ các loại hàng hóa chất của từng tiểu thương đang buôn bán, từ đó rà soát mặt hành nào đã đủ điều kiện kinh danh, mặt hàng nào chưa. Nếu biện pháp kiểm soát điều kiện kinh doanh hóa chất không được thực thi tốt thì lập chợ mới chỉ đem lại sự lãng phí.

Pháp luật hiện hành phân loại hóa chất có đặc tính nguy hiểm như thế nào?

- Theo Luật Hóa chất, tùy thuộc vào các đặc tính nguy hiểm mà hóa chất được phân thành hai loại: Hóa chất nguy hiểm và hóa chất độc.

+ Hóa chất nguy hiểm là hóa chất có một hoặc một số đặc tính nguy hiểm sau đây:

Dễ nổ; Ôxy hóa mạnh; Ăn mòn mạnh; Dễ cháy; Độc cấp tính; Độc mãn tính; Gây kích ứng với con người; Gây ung thư hoặc có nguy cơ gây ung thư; Gây biến đổi gen;Độc đối với sinh sản; Tích luỹ sinh học; Ô nhiễm hữu cơ khó phân huỷ; Độc hại đến môi trường.

+ Hóa chất độc là hóa chất nguy hiểm có ít nhất một trong những đặc tính nguy hiểm sau: Độc cấp tính; Độc mãn tính; Gây kích ứng với con người; Gây ung thư hoặc có nguy cơ gây ung thư; Gây biến đổi gen; Độc đối với sinh sản; Tích lũy sinh học; Ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy; Độc hại đến môi trường.

Nguyên tắc quản lý hóa chất

Nguyên tắc quản lý hóa chất được thực hiện ra sao?

- Luật Hóa chất quy định: Kiểm soát chặt chẽ hoạt động hóa chất (bao gồm: Hoạt động đầu tư, sản xuất, sang chai, đóng gói, mua bán, xuất khẩu, nhập khẩu, vận chuyển, cất giữ, bảo quản, sử dụng, nghiên cứu, thử nghiệm hóa chất, xử lý hóa chất thải bỏ, xử lý chất thải hóa chất), đặc biệt đối với hóa chất mới, hóa chất nguy hiểm, hóa chất hạn chế kinh doanh, hóa chất cấm

Người kinh doanh hóa chất cần phải đáp ứng điều kiện gì?

- Theo Luật Hóa chất, thì tổ chức, cá nhân kinh doanh hóa chất phải đáp ứng các điều kiện sau:

+ Trước tiên không được kinh doanh những lại hóa chất thuộc danh mục cấm kinh doanh;

+ Bảo đảm an toàn kinh doanh hóa chất: Thực hiện các quy định về quản lý và an toàn hóa chất để bảo đảm an toàn cho người lao động, sức khoẻ cộng đồng và môi trường;

+ Đáp ứng yêu cầu về cơ sở vật chất - kỹ thuật, gồm: Nhà xưởng, kho tàng và thiết bị công nghệ; Trang thiết bị an toàn, phòng, chống cháy nổ, phòng, chống sét, phòng, chống rò rỉ, phát tán hóa chất và các sự cố hóa chất khác; Trang thiết bị bảo hộ lao động; Trang thiết bị bảo vệ môi trường, hệ thống xử lý chất thải; Phương tiện vận chuyển; Hệ thống báo hiệu phù hợp với mức độ nguy hiểm của hóa chất tại khu vực sản xuất, kinh doanh hóa chất nguy hiểm...

+ Đáp ứng yêu cầu về chuyên môn: Phải có người chuyên trách về an toàn hóa chất có trình độ chuyên môn phù hợp với quy mô và loại hình kinh doanh hóa chất, nắm vững công nghệ, phương án và các biện pháp bảo đảm an toàn hóa chất. Người lao động trực tiếp kinh doanh hóa chất phải có trình độ chuyên môn phù hợp với nhiệm vụ được phân công.

+ Phải có Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh hóa chất nếu kinh doanh hóa chất thuộc Danh mục hóa chất sản xuất, kinh doanh có điều kiện.

+ Phải có Giấy phép kinh doanh hóa chất nếu kinh doanh hóa chất thuộc Danh mục hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh.
Quy định đối với người sử dụng hóa chất?

- Đối với người sử dụng hóa chất, Luật Hóa chất nghiêm cấm các hành vi sau:

+ Sử dụng hóa chất không thuộc danh mục được phép sử dụng, hóa chất không bảo đảm tiêu chuẩn, chất lượng, vượt quá hàm lượng cho phép để sản xuất và bảo quản thực phẩm, thuốc chữa bệnh, thức ăn gia súc, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, sản phẩm hóa chất tiêu dùng.

+ Sử dụng hóa chất độc để săn bắt động vật, thực hiện các hành vi xâm hại đến sức khỏe con người, tài sản và môi trường.

Những vi phạm thường gặp

Những vi phạm thường thấy khi người dân đi mua hóa chất?

- Hiện nay, hóa chất độc như axit người dân có thể dễ dàng mua như mớ rau ngoài chợ. Ở đây, cả người bán lẫn người mua đều đã vi phạm thủ tục kiểm soát mua, bán hóa chất độc.

Theo quy định tại Điều 23 Luật Hóa chất, thì việc mua, bán hóa chất độc phải có phiếu kiểm soát, có xác nhận của bên mua, bên bán để làm cơ sở cho việc kiểm soát hóa chất độc lưu thông trên thị trường.

Phiếu kiểm soát mua, bán hóa chất độc phải được lập theo mẫu do Bộ Công thương quy định tại Thông tư 28/2010/TT-BCT, trong đó bao gồm các thông tin về tên hóa chất, số lượng hóa chất, mục đích sử dụng; tên, chữ ký của người mua, người bán; địa chỉ, số Giấy chứng minh nhân dân của người đại diện bên mua và bên bán; ngày giao hàng.

Phiếu kiểm soát mua, bán hóa chất độc phải được lưu giữ tại bên bán, bên mua ít nhất năm năm và phải xuất trình khi cơ quan có thẩm quyền yêu cầu.

Cảm ơn ông về cuộc trò chuyện.

Nguồn: