Quản lý phân bón giả còn nhiều bất cập

09:43 SA @ Thứ Ba - 01 Tháng Tám, 2017

Phân bón giả gây thiệt hại cho cả doanh nghiệp sản xuất đúng tiêu chuẩn chất lượng, nông dân sử dụng phân bón và cả nguồn ngân sách nhà nước.

Hiện nay, cả nước có 570 nhà máy, cơ sở sản xuất phân bón được cấp phép hoạt động, trong đó có 451 cơ sở do Cục Hóa chất, Bộ Công thương cấp phép và 119 cơ sở do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp phép. Tuy nhiên, chất lượng phân bón cung cấp ra thị trường vẫn còn “thật, giả lẫn lộn”, gây thiệt hại không ít cho cả doanh nghiệp sản xuất đúng tiêu chuẩn chất lượng, nông dân sử dụng phân bón và cả nguồn ngân sách nhà nước.

Cũng vì vấn đề bức xúc này, ngày 21/7/2017, Thủ tường Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng đã yêu cầu Bộ Công an chỉ đạo các đơn vị chức năng của Bộ khẩn trương điều tra, xác minh việc sản xuất kinh doanh phân bón giả, trước hết là khu vực Tây Nguyên và báo cáo kết quả thực hiện trước ngày 1/10/2017.

Thật, giả lẫn lộn

Theo khảo sát của phóng viên TTXVN, tại các hộ nông dân sử dụng phân bón để sản xuất, có nhiều lần nông dân mua nhầm phân bón giả tại các đại lý bán phân bón. Được biết, các đại lý thường sử dụng hình thức bán trước, thu tiền sau khi nông dân bán sản phẩm nên hầu như các hộ nông dân mua phải phân bón giả cũng chỉ biết im lặng, không dám phản hồi với đại lý vì còn nợ tiền các đại lý này.

Ông Võ Hoàng Minh, xã Mỹ Hạnh Bắc, huyện Đức Hòa, Long An cho biết, khi gia đình sản xuất 2 ha bắp (ngô) đã mua 100 bao phân NPK loại 50 kg/bao ở đại lý gần nhà, nhưng khi bón cho bắp, ông phát hiện thành phần đất sét chứa trong bao chiếm 50%, tỷ lệ phân rất ít. Vụ bắp của ông cho năng suất không cao.

Việc làm giả phân bón có hai trường hợp xảy ra, đó là làm giả chất lượng và làm giả thương hiệu của các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh phân bón lớn hiện nay như Đạm Phú Mỹ, Bình Điền, Việt Nhật… Trong đó, đối với việc làm giả chất lượng là tỷ lệ thành phần dinh dưỡng có trong phân bón thấp hơn 70%, theo tỷ lệ cho phép của Nghị định 202/2013/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 27 tháng 11/2013.

Đối với việc làm giả chất lượng phân bón, người chịu thiệt hại chính là người trực tiếp sản xuất, vì đất không được cung cấp dinh dưỡng đúng tỷ lệ, làm cho năng suất cây trồng thấp, người sản xuất phải trả chi phí cao hơn so với giá trị phân bón thực tế.

Việc làm giả khác là làm giả thương hiệu mới là điều gây thiệt hại lớn cho các doanh nghiệp sản xuất phân bón đúng tỷ lệ, đúng chất lượng. Bởi vì, khi thương hiệu bị làm giả, với chất lượng phân bón kém, người sử dụng sẽ mất lòng tin vào thương hiệu đó, chuyển sang sử dụng các loại sản phẩm khác, gây thiệt hại lớn cho doanh nghiệp sản xuất chân chính.

Theo ông Lý Văn Sơn, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Nông trại sinh thái Ecofarm (Kiên Giang), việc sản xuất phân bón vô cơ kém chất lượng gây thiệt hại lớn cho đất và chính nông dân, doanh nghiệp sản xuất phân bón. Đối với phân bón hữu cơ và phân vi sinh, việc làm giả này cũng thường xảy ra vì thành phần hữu cơ chuyển đổi không đủ, thành phần vi sinh nhập về lại càng thiếu, gây ra tỷ lệ, số lượng không đúng với yêu cầu của đất. Trong thời gian ngắn thì khó phát hiện, cũng không gây thiệt hại lớn cho nông dân, nhưng lại ảnh hưởng lớn đối với các doanh nghiệp sản xuất chân chính, đúng thành phần, đủ tỷ lệ. Bởi vì, khi sản xuất phân hữu cơ, phân vi sinh đúng chất lượng, chi phí đầu tư cao hơn nhiều so với sản xuất phân vô cơ, mà lợi nhuận lại thấp hơn. Đây là một sự cạnh tranh không lành mạnh.

Quản lý chặt từ địa phương

Tình trạng có doanh nghiệp sản xuất phân bón không đúng chất lượng, làm giả thương hiệu đã gây nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh phân bón chân chính. Trong khi đó, hình thức xử phạt vi phạm các cơ sở sản xuất, kinh doanh phân bón giả vẫn còn nhẹ so với lợi nhuận và chiết khấu đạt được của các cơ sở, sản xuất kinh doanh phân bón giả này.

Theo ông Nguyễn Phú Cường, Chủ tịch HĐQT Công ty Phát triển công nghệ sinh học Dona Techno (Đồng Nai), để sản phẩm phân bón giả không còn thị trường tiêu thụ, người nông dân phải tìm hiểu thông tin thật kỹ, không sử dụng sản phẩm giả; đồng thời, các cơ quan chức năng cần quản lý, kiểm tra thường xuyên, chặt chẽ chất lượng đầu ra của từng lô hàng, từng nhà máy và cơ sở sản xuất.

Cụ thể, với các loại phân bón dễ làm giả như NPK, kali, phải làm giấy kiểm định chất lượng từng lô hàng trước, sau đó mới cấp giấy phép lưu thông trên thị trường. Khi phát hiện đại lý bán phân bón giả, thì thực hiện xử lý, xử phạt nặng hơn so với lợi nhuận thu được trên mỗi lô hàng thì mới có hiệu quả. Bên cạnh đó, thông báo rộng rãi cho người tiêu dùng biết để không lựa chọn sản phẩm đó hoặc lựa chọn mua hàng tại đại lý đó.

Đối với xử lý những trường hợp doanh nghiệp khác làm giả thương hiệu của doanh nghiệp mình, cũng như giả về chất lượng sản phẩm, hầu hết các doanh nghiệp đều có cách riêng để bảo vệ thương hiệu, giúp người tiêu dùng được sử dụng sản phẩm tốt nhất. Theo đó, có doanh nghiệp quản lý chặt chẽ từng khâu trong sản xuất đến phân phối ra hệ thống, thông báo người tiêu dùng cách nhận diện sản phẩm thật.

Cũng có doanh nghiệp chọn cách xử lý mềm dẻo như thông báo với cơ sở sản xuất hàng giả, hàng nhái phải thay đổi, không được giả thương hiệu. "Trong trường hợp cơ sở làm phân bón giả vẫn còn ngoan cố vi phạm thì mới báo cho cơ quan chức năng xử lý", bà Nguyễn Thụ Xuân Thu, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất – Thương Mại Tô Ba (Tp. Hồ Chí Minh) chia sẻ.

Ông Trần Hùng, Phó Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả cho hay, mỗi cơ sở sản xuất kinh doanh phân bón muốn hoạt động phải được kiểm tra, đánh giá tác động môi trường và cấp phép của địa phương đặt nhà máy. Vì vậy, nơi có khả năng và thẩm quyền kiểm tra gần nhất chính là chính quyền địa phương của cơ sở đó. Để tình trạng làm giả chất lượng phân bón, giả thương hiệu bị xử lý triệt để thì chính quyền địa phương nơi đó phải nghiêm minh xử lý, thường xuyên kiểm tra, thanh tra cơ sở sản xuất, kiểm tra đột xuất không báo trước và rút giấy phép hoạt động khi phát hiện sai phạm. Có như vậy, từng cơ sở mới nghiêm túc trong việc sản xuất, không gây thiệt hại cho người dân, các doanh nghiệp sản xuất chân chính, có đóng góp lớn vào ngân sách nhà nước và cả nền kinh tế Việt Nam.

Nguồn: baotintuc.vn