Quản lý thuốc BVTV: 'Đến Tề Thiên Đại Thánh' cũng bó tay!

08:48 SA @ Thứ Sáu - 10 Tháng Mười Một, 2017

Hiện nay, hầu hết phòng thanh tra của Chi cục Trồng trọt - BVTV ở các tỉnh chỉ có 2 cán bộ, quản lý, kiểm tra hàng trăm đại lý lớn nhỏ nằm khắp địa bàn huyện thị, trong khi trên thị trường lại có hàng vạn sản phẩm thuốc lưu hành.

Thế nên, đến như "Tề thiên" cũng chịu (!).

Người 'mỏng', phí 'hẻo'

Tại tỉnh Bình Thuận, nơi có đến 780 cửa hàng, đại lý bán thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) nằm rải đều trên 9 huyện, thị, TP nhưng theo qui định của Sở Nội vụ, tổ chức phòng thanh tra của Chi cục Trồng trọt và BVTV chỉ được bố trí 2 người, trong đó một trưởng phòng, một là nhân viên. Hàng năm, ở trên cấp kinh phí khoảng 100 triệu sử dụng vào việc thanh kiểm tra hoạt động sản xuất kinh doanh thuốc và phân bón tại các cơ sở đại lý. Do người "mỏng" và kinh phí "hẻo", nên mỗi năm Chi cục tổ chức thanh tra khoảng 2 đợt, mỗi đợt chừng 100 - 150 đại lý bán thuốc với kinh phí trọn gói 50 triệu đồng (xăng xe, chi phí công tác, phân tích mẫu...) là đã "đuối như trái chuối". Tuy vậy, vẫn có ít nhất trên 500 đại lý lọt sổ, ngoài tầm kiểm soát của cơ quan chuyên môn.

Hoa mắt với các sản phẩm thuốc BVTV

Theo ông Đỗ Văn Bảo, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV, chi phí phân tích một hoạt chất hiện nay là 550 ngàn đồng, không hề nhỏ. Cứ mỗi đợt kiểm tra, tùy vào kinh phí mà "liệu cơm gắp mắm", bình quân "bốc" khoảng 12 - 15 mẫu thuốc/năm, nếu so với con số hàng vạn sản phẩm thuốc BVTV với con số trên 1.700 hoạt chất được phép sử dụng trên thị trường thì số mẫu đưa đi phân tích để xác định "thuốc giả, thuốc kém chất lượng" chẳng khác gì muối bỏ bể.

"Do ngân sách duyệt hạn chế, nên chúng tôi chỉ lấy được một số mẫu phù hợp kinh phí. Việc lấy mẫu cũng phải hết sức chọn lọc, thông thường là có dấu hiệu nghi vấn về chất lượng như thuốc bột vón cục, thuốc nước lắng cặn, kết tủa, chai nhựa trương phì không bình thường", ông Bảo nói.

Tại Đồng Nai, nơi có diện tích nông nghiệp lớn, cơ cấu cây trồng đa dạng, do dó nhu cầu về các sản phẩm thuốc BVTV là rất lớn. Theo thống kê của Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh, trên địa bàn hiện có 12 nhà máy, xưởng sản xuất, gia công, sang chai, đóng gói thuốc, trên 400 cửa hàng đại lý và 15 Cty, chi nhánh Cty kinh doanh thuốc nằm trên 12 huyện, thị, TP.

Thế nhưng, phòng thanh tra của Chi cục, tuy được mệnh danh là lực lượng chuyên ngành, nhưng cũng chỉ có 2 cán bộ nên việc kiểm tra hàng năm gặp rất nhiều khó khăn. Mỗi năm chỉ tổ chức kiểm tra được 2 đợt, mỗi đợt được 5 - 10 cơ sở đại lý/huyện, trong khi việc kiểm tra, phân tích chất lượng thuốc lại mất rất nhiều thời gian và chi phí cao nên tình hình vi phạm trong hoạt động sản xuất, kinh doanh thuốc BVTV tại đây vẫn còn xảy ra khá phức tạp.

Trong 10 tháng đầu năm nay, theo báo cáo Chi cục đã thanh tra 95 cơ sở kinh doanh, phát hiện 27 cơ sở vi phạm; xử lý bằng hình thức phạt tiền với tổng tiền phạt trên 66 triệu đồng. Tuy nhiên, xử lý vi phạm chủ yếu tập trung về sai phạm nhãn mác của các sản phẩm Tifany 15EC, Bonsai 10WP, Bakari 86EW, Shertin 1.8EC, Bamper 450WP, Parosa 325WP, Riazor 215WP, Kasuduc 20SL; ngoài ra, còn có sai phạm về buôn bán thuốc không có giấy chứng nhận đủ điều kiện. Riêng phát hiện và xử lý về sản xuất kinh doanh thuốc giả, thuốc kém chất lượng thì "chưa ghi nhận" trường hợp nào.

'Tề Thiên' cũng bó tay

Theo tìm hiểu chúng tôi, những năm gần đây, hầu hết trong báo cáo thanh tra của Chi cục BVTV các tỉnh phía Nam đều cho thấy, việc phát hiện xử lý sản xuất kinh doanh thuốc giả, thuốc kém chất lượng gần như rất ít, thậm chí không có; trong khi các hành vi vi phạm "râu ria" như kinh doanh sai nhãn mác; quá hạn sử dụng; kinh doanh không có chứng chỉ hành nghề; chứng chỉ hành nghề hết hạn; kinh doanh thuốc BVTV lẫn chung với thực phẩm... lại tỏ ra rất phổ biến.

Tại sao như vậy? "Hiện nay, thuốc BVTV giả thường gặp trên thị trường là giả các sản phẩm thương hiệu của các Cty lớn như Bayer, Syngenta, H.A.I, ADC... mà nhìn bên ngoài bao bì sản phẩm không tài nào biết được, nó chỉ được phát hiện khi chính các doanh nghiệp đó phát hiện. Sau đó, công an mới đủ thẩm quyền điều tra xác minh vì đường dây sản xuất thuốc giả hầu hết rất tinh vi, liên quan đến nhiều địa phương. Vì vậy, không có sự phối hợp của doanh nghiệp cũng như lực lượng công an thì đến "Tề thiên" cũng chịu. Còn muốn biết thuốc kém chất lượng là phải đem đi phân tích, trong khi con người ít, kinh phí hạn chế thì làm sao có được như mong muốn", ông Đỗ Văn Bảo giải thích.

Thực tế cho thấy, từ nhiều năm qua, thuốc BVTV giả nhãn mác với bao bì in ấn chuyên nghiệp của một số sản phẩm thương hiệu nổi tiếng mà bên trong toàn là nước lã, bột màu và một ít thuốc thật giá rẻ đang là tệ nạn thật sự. Mới đây, vào giữa tháng 10, lực lượng chức năng quận Tân Phú, TP.HCM, đã phát hiện một doanh nghiệp bao bì làm giả nhãn hiệu bao bì thuốc của một Cty thuốc BVTV thương hiệu. Điều đáng nói, do được sản xuất bởi một Cty in ấn bao bì chuyên nghiệp, nên chỉ có nhân viên thị trường của chính Cty đó may ra phân biệt được đâu là hàng thật, hàng giả, còn thanh tra chuyên ngành có giỏi đằng trời cũng bó tay.

Đơn cử vừa qua, công an TP.HCM qua theo dõi đã bắt quả tang Lê Văn Liêm (SN 1980, quê An Giang) vận chuyển 100 chai thuốc Amistar Top 325 SC qui cách 250ml (thuốc đặc trị nấm bệnh trên lúa) giả nhãn hiệu của Cty Syngenta đi từ căn nhà số D9/255 QL 50 (ấp 4, xã Phong Phú, huyện Bình Chánh) ra Quốc lộ 50. Liêm cho biết bản thân anh chỉ là vận chuyển thuê với tiền công 80 ngàn đồng/chuyến, còn ông chủ giấu mặt tên Th., hiện cơ quan công an đang xác minh làm rõ.

Trao đổi với PV NNVN, một số Chi cục Trồng trọt và BVTV khu vực ĐBSCL thừa nhận, kết quả phát hiện thuốc BVTV giả, kém chất lượng thời gian qua chỉ là hạt cát trong sa mạc, bởi bình quân mỗi tỉnh có hàng trăm đại lý cửa hàng, trong khi chỉ có 2 cán bộ thanh tra “xẻ thân” ra cáng đáng (do bản thân cán bộ thanh tra của Chi cục cũng còn làm nhiệm vụ khác) thì làm sao mà gánh cho hết, có chăng chỉ "cưỡi ngựa xem hoa".

Mặc dù, còn có đoàn kiểm tra liên ngành 389 của huyện, tỉnh hàng năm đi kiểm tra trên thị trường từ 1 - 2 đợt nhưng cũng không đáng kể, do họ kiểm tra phân bón là chính.

Ông Bùi Văn Kịp, Giám đốc Kỹ thuật Cty Bayer cho biết, lâu nay chúng ta chỉ chú trọng vào việc kiểm tra, phát hiện tại các điểm buôn bán, tức phần ngọn. Trong khi cái gốc của vấn đề nằm ở khâu sản xuất lại ít được quan tâm đúng mức.

"Nên nhớ, dù tinh gọn đến mấy, các điểm sản xuất thuốc BVTV giả cũng cần có các điều kiện cơ bản như điểm chứa chai lọ, khu vực pha chế đóng gói, nơi in bao bì và nhất là khâu vận chuyển hàng. Vì vậy, với "quân số" thanh tra chuyên ngành có 2 người ở mỗi tỉnh thì khó nói đến việc phòng chống thuốc giả, kém chất lượng đạt hiệu quả”.- ông Bùi Văn Kịp.

Nguồn: Nongnghiep.vn