Siết chặt quản lý mặt hàng phân bón

02:19 CH @ Thứ Hai - 16 Tháng Chín, 2013

Đưa phân bón vào danh mục mặt hàng sản xuất, kinh doanh có điều kiện là giải pháp được nhiều Bộ, ngành ủng hộ nhằm chấm dứt nạn hàng giả và tăng hiệu lực quản lý nhà nước với mặt hàng này.

Tràn lan hàng giả

Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), cả nước hiện có 500 đơn vị sản xuất, khoảng 30.000 đơn vị lớn nhỏ kinh doanh mặt hàng phân bón. Từ chỗ phải nhập khẩu tới 60% lượng phân bón, hiện nay ngành phân bón đã đáp ứng tới 80% nhu cầu sử dụng phân vô cơ với sản lượng 8 triệu tấn/năm.

Tuy nhiên, điều khiến các DN chân chính cũng như các nhà quản lý đau đầu là tình trạng phân bón giả, kém chất lượng xuất hiện tràn lan trên thị trường. Ông Đỗ Thanh Lam, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường, Bộ Công Thương cho biết, trong năm 2012 và 6 tháng đầu năm 2013 lực lượng quản lý thị trường đã kiểm tra 5.372 trường hợp, xử lý 1.390 vụ vi phạm về sản xuất, kinh doanh phân bón kém chất lượng với số tiền hơn 17 tỷ đồng và tịch thu trên 900 tấn phân bón giả.

Tình hình vi phạm trong sản xuất, kinh doanh phân bón rất phức tạp và khó kiểm soát. Từ việc buôn lậu phân bón qua đường mòn, lối mở ở các tỉnh biên giới cho đến các hoạt động sản xuất phân bón kém chất lượng, thiếu hàm lượng dinh dưỡng so với tiêu chuẩn công bố. Đặc biệt, quy mô vi phạm trong kinh doanh mặt hàng phân bón thường diễn ra trên diện rộng, có thời điểm lực lượng quản lý thị trường tỉnh Yên Bái đã bắt giữ lô hàng phân đạm kém chất lượng lên tới 200.000 tấn. Thời điểm xảy ra các vụ vi phạm thường tập trung theo thời vụ của các loại cây trồng và theo nhu cầu sử dụng của người dân.

Kết quả kiểm tra, phân loại các đơn vị sản xuất, kinh doanh phân bón theo Thông tư số 14/2011/TT-BNNPTNT của Bộ NN&PTNT cũng cho thấy, trong số 1.466 cơ sở được kiểm tra đánh giá số đơn vị không đủ điều kiện sản xuất, kinh doanh chiếm tới 61,4%.

Đưa vào danh mục sản xuất, kinh doanh có điều kiện

Ông Phạm Văn Dư, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ NN&PTNT lý giải, sở dĩ có tình trạng phân bón giả, kém chất lượng tràn lan trên thị trường là do phân bón chưa được quy định là mặt hàng sản xuất, kinh doanh có điều kiện. Nhiều cơ sở nhỏ lẻ chưa đủ các điều kiện cần thiết, làm ra mặt hàng kém chất lượng vẫn được tham gia sản xuất kinh doanh, gây khó khăn cho công tác quản lý chất lượng phân bón ngay từ đầu nguồn.

Do vậy, cần phải đưa phân bón vào danh mục mặt hàng sản xuất, kinh doanh có điều kiện. Để có thể sản xuất, kinh doanh phân bón DN cần phải đáp ứng đầy đủ điều kiện như: Giấy phép kinh doanh, giấy chứng nhận đầu tư đối với các DN FDI; chứng nhận hệ thống quản lý chất lượng; có máy móc, thiết bị quy mô công nghiệp đạt tiêu chuẩn; có phòng kiểm nghiệm phân tích chất lượng cho từng lô sản phẩm hoặc có hợp đồng phân tích còn hiệu lực với các phòng kiểm nghiệm hoặc tổ chức chứng nhận chất lượng phân bón được công nhận; có trang thiết bị kiểm soát, thu gom và xử lý chất thải nguy hại; có cán bộ kỹ thuật chuyên môn về lĩnh vực nghiên cứu, sản xuất phân bón....

Ông Nguyễn Lộc An, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương cũng đề xuất: Cần tăng cường kiểm soát chất lượng phân bón lưu thông trên thị trường, kiểm soát hoạt động sản xuất phân bón nhất là đối với những loại phân bón có công nghệ sản xuất tương đối đơn giản như NPK; Điều tiết cân đối cung cầu phân bón thông qua cơ chế dự trữ lưu thông phân bón.... Mục tiêu chung là nhằm tăng hiệu lực quản lý nhà nước với thị trường phân bón, đảm bảo bình ổn thị trường./.

Nguồn: