Tác động ngược của chính sách

04:20 CH @ Thứ Tư - 27 Tháng Mười Một, 2019

Khi miễn thuế giá trị gia tăng (GTGT) đối với phân bón, nhiều nhà hoạch định chính sách nghĩ rằng sẽ giúp người nông dân mua được phân bón rẻ hơn, tăng lợi nhuận, nhưng thực tế lại không phải như vậy. Phóng viên Báo Năng lượng Mới đã phỏng vấn Chủ tịch Hiệp hội Phân bón Việt Nam Nguyễn Hạc Thúy về vấn đề này.

PV: Được biết, việc miễn thuế GTGT đối với mặt hàng phân bón dường như đang gây khó cho doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước và người nông dân. Ý kiến của ông thế nào?

Ông Nguyễn Hạc Thúy: Đúng vậy, Luật số 71/2014/QH13 (Luật 71) sửa đổi, bổ sung một số điều của những luật về thuế, có hiệu lực từ ngày 1-1-2015, tưởng chừng sẽ giúp người nông dân mua được phân bón rẻ hơn, nhưng thực tế hơn 4 năm qua lại gây thiệt hại cho doanh nghiệp cũng như nông dân cả nước.

Cụ thể, trước khi có Luật 71, nông dân mua phân bón phải chịu thuế GTGT 5%; doanh nghiệp sản xuất phân bón được hoàn thuế GTGT đối với nguyên vật liệu đầu vào, máy móc thiết bị... Nhưng từ ngày 1-1-2015 khi Luật 71 có hiệu lực, phân bón được miễn thuế GTGT nên doanh nghiệp không được khấu trừ thuế GTGT đầu vào nữa, bắt buộc phải đưa vào chi phí sản xuất, bởi vậy giá thành phân bón tăng lên. Cuối cùng, người nông dân phải mua phân bón với giá cao hơn cả khi chưa có Luật 71.

PV:Cụ thể người nông dân phải chịu thiệt bao nhiêu khi mua phân bón?

Ông Nguyễn Hạc Thúy: Theo số liệu mà chúng tôi thu thập được, sau khi Luật 71 có hiệu lực, giá trung bình các loại phân đạm tăng 6,7-7%, supe lân tăng 5,9-6,2%, DAP tăng 7,0-7,3%, NPK tăng 5,0-5,5%, lân nung chảy tăng 6,0-7,0%.

Ngoài ra, tại nhiều doanh nghiệp đang xây dựng nhà xưởng, đổi mới, nâng cấp dây chuyền thiết bị, công nghệ... phân bón có giá bán bình quân tăng 8-9% bởi không được khấu trừ thuế GTGT với nguyên vật liệu đầu vào, máy móc thiết bị...

Nắm bắt thực tế đó, Hiệp hội Phân bón Việt Nam ngày 9-4-2015 đã mời Bộ Tài chính, Hội Nông dân Việt Nam, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp tổ chức hội thảo về Luật 71. Đến dự còn có Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tư pháp, Ban Kinh tế Trung ương và đại diện gần 200 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh phân bón, trong đó có Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Quế Lâm, Tập đoàn Quốc tế Năm Sao, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, Tổng công ty Sông Gianh, Công ty CP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao, Công ty CP DAP-VINACHEM, Công ty Phân đạm Hà Bắc, Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình...

Suốt cuộc hội thảo, tất cả gần 300 đại biểu nhất trí đề nghị sửa đổi Luật 71. Sở dĩ doanh nghiệp và các bộ, ngành liên quan nhất trí như vậy bởi ước tính trung bình mỗi năm người nông dân Việt Nam tiêu thụ 11 triệu tấn phân bón các loại (giá trị khoảng 300 triệu USD) thì đã phải mua đắt thêm hàng chục triệu USD, chịu thiệt hại rất lớn.

PV: Còn ảnh hưởng đối với doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước như thế nào, thưa ông?

Ông Nguyễn Hạc Thúy: Trong những năm qua, Chính phủ có chủ trương khuyến khích đầu tư phát triển sản xuất phân bón trong nước nhằm mục tiêu chủ động nguồn phân bón phục vụ nông nghiệp, giảm dần phân bón nhập khẩu. Đây là một trong những chủ trương quan trọng giúp Chính phủ điều tiết cung cầu khi thị trường phân bón có biến động.

Nhưng sau hơn 4 năm thực hiện Luật 71, các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh phân bón trong nước không những không thể đầu tư mở rộng sản xuất mà còn phát sinh thiệt hại về tài chính. Cụ thể, giá nguyên liệu sản xuất tăng cao lại không được khấu trừ thuế GTGT đầu vào, đồng thời giá bán phân bón trong nước phải cạnh tranh với giá phân bón nhập khẩu, nên các doanh nghiệp liên tục bị sụt giảm lợi nhuận. Có doanh nghiệp chỉ trong vòng 4 năm đã thiệt hại tới hàng nghìn tỉ đồng.

Cụ thể, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam “mất” gần 3.000 tỉ đồng, trong đó Công ty CP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao thiệt hại 155-160 tỉ đồng/năm; Công ty Phân đạm Hà Bắc thiệt hại 150-153 tỉ đồng/năm; Tổng công ty Sông Gianh thiệt hại khoảng 40-45 tỉ đồng do phải cắt giảm sản lượng sản xuất, đầu tư công nghệ mới; Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí thiệt hại 350-400 tỉ đồng/năm; Công ty CP Phân bón Dầu khí Cà Mau thiệt hại 300-350 tỉ đồng/năm....

Mặt khác Luật 71 trở thành rào cản lớn trong việc thực hiện chủ trương của Chính phủ về chiến lược phát triển phân bón và phân bón hữu cơ công nghệ cao trong nước. Trong khi doanh nghiệp trong nước giảm lợi nhuận để kìm giá phân bón thì lượng phân bón nhập khẩu tăng dần từng năm, nguyên nhân là giá các mặt hàng phân bón trên thế giới đều giảm bởi giá nguyên liệu đang ở mức thấp, giá than, giá khí đều thấp, khiến giá phân bón nhập khẩu giảm trung bình 10-20% (urê giảm 21,25%, DAP giảm 15%, kali giảm 10%...). Thêm nữa, phân bón nhập khẩu được hưởng ưu đãi thuế từ các hiệp định thương mại tự do (thuế nhập khẩu giảm xuống chỉ còn 11%, thuế GTGT cũng chỉ còn 6%).

Trong khi đó nguyên liệu sản xuất phân bón trong nước không thấp, giá than, giá khí không giảm, cộng với phải chịu ảnh hưởng từ Luật 71, nên nhiều nhà máy sản xuất phân bón phải cắt giảm công suất và giảm giá sản phẩm tối đa để cạnh tranh. Chẳng hạn, Công ty Phân bón Bình Điền và nhiều nhà máy như DAP Đình Vũ, DAP Lào Cai... đều giảm sản lượng, giảm doanh thu và thiệt hại tài chính nặng nề.

Tác động của Luật 71, lượng phân bón nhập khẩu tăng mỗi năm hàng nghìn tấn, là một minh chứng cho “tác động ngược” của chính sách thuế, vừa kìm hãm sự phát triển của doanh nghiệp sản xuất kinh doanh phân bón trong nước, vừa gây thiệt hại cho người nông dân, chỉ phục vụ lợi ích của các doanh nghiệp kinh doanh phân bón nhập khẩu.

PV:Được biết Hiệp hội Phân bón Việt Nam và các cơ quan hữu quan đã có nhiều kiến nghị nhưng vì sao việc sửa đổi Luật 71 vẫn chậm, thưa ông?

Ông Nguyễn Hạc Thúy:Trong gần 5 năm qua, Hiệp hội Phân bón Việt Nam, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đã liên tục gửi 8 công văn kiến nghị gửi Chính phủ, Quốc hội và các bộ, ngành liên quan nhưng vẫn chưa có chuyển biến đáng kể nào.

Trung ương Hội Nông dân Việt Nam có Công văn số 1894/CV ngày 3-6-2016 gửi Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội, kiến nghị xem xét, điều chỉnh, bổ sung Luật 71 với mặt hàng phân bón theo hướng có lợi cho nông dân, đồng thời khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước đầu tư công nghệ mới, sản xuất phân bón chất lượng cao, giá thành hạ, chủ động nguồn phân bón phục vụ nông nghiệp, nhưng vẫn chưa có câu trả lời thuyết phục.

Hiệp hội Phân bón Việt Nam sẽ còn tiếp tục kiến nghị Chính phủ và Quốc hội về việc sửa Luật 71.

Mặt khác, Hiệp hội Phân bón Việt Nam đề nghị cần có cuộc điều tra, báo cáo trung thực về thực trạng ngành phân bón Việt Nam để có chính sách phù hợp thực tiễn, tránh tiếp tục gây thiệt hại đối với ngành nông nghiệp nói chung, nông dân và doanh nghiệp sản xuất kinh doanh phân bón trong nước nói riêng.

PV: Xin cảm ơn ông!

Hiệp hội Phân bón Việt Nam có Công văn số 5789/CV ngày 17-12-2014, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam có Công văn số 1894/CV ngày 3-6-2016; Bộ Công Thương có Công văn số 89/BCT-VP ngày 7-1-2015, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam có Công văn số 12/HCVN ngày 6-1-2015, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có Công văn số 123/BKHDT-DTNN ngày 12-1-2015… gửi Bộ Tài chính đề nghị báo cáo Chính phủ trình Quốc hội bổ sung sửa đổi Luật số 71/2014/QH13.

Nguồn: Petrotimes.vn