Tập trung thực hiện tốt một số giải pháp trọng tâm

11:28 SA @ Thứ Năm - 08 Tháng Bảy, 2010
Tại Nghị quyết phiên họp thường kỳ tháng 6/2010, Chính phủ đặt trọng tâm thực hiện tốt một số giải pháp quan trọng như: kiểm soát chi phí kinh doanh, giá thành; bảo đảm tốc độ tăng trưởng tổng phương tiện thanh toán, tổng dư nợ tín dụng; không để nhập siêu vượt quá 20%; đáp ứng nhu cầu điện cho sản xuất và sinh hoạt; triển khai xây dựng nông thôn mới...
Kiểm tra, giám sát việc sản xuất, nhập khẩu, đăng ký và niêm yết giá sữa, giá thuốc chữa bệnh
Tăng cường quản lý giá, điều tiết cung- cầu phù hợp
Nghị quyết nêu rõ, Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương tăng cường kiểm soát các chi phí kinh doanh, giá thành và giám sát việc thực hiện các quy định về quản lý giá các loại sản phẩm thuộc diện bình ổn giá, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm các quy định về quản lý giá. Các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục theo dõi sát diễn biến thị trường hàng hoá, dịch vụ trong và ngoài nước để chủ động các giải pháp điều tiết cung - cầu phù hợp, tăng cường kiểm soát việc thực hiện quy định về quản lý giá trên địa bàn nhằm bình ổn thị trường, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, sốt giá, tăng giá không hợp lý.
Bộ Công Thương, Bộ Y tế, căn cứ chức năng nhiệm vụ được giao, chủ trì, phối hợp với các địa phương kiểm tra, giám sát việc sản xuất, nhập khẩu, đăng ký và niêm yết giá sữa, giá thuốc chữa bệnh trên địa bàn và tại nhà thuốc trong các bệnh viện; đề xuất các giải pháp có hiệu quả để quản lý giá các sản phẩm này.
Không để nhập siêu vượt quá 20% tổng kim ngạch xuất khẩu
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục thực hiện các biện pháp điều hành lượng tiền cung ứng hợp lý, bảo đảm tốc độ tăng tổng phương tiện thanh toán cả năm 2010 khoảng 20%, tổng dư nợ tín dụng khoảng 25%, đáp ứng nhu cầu và khả năng tiếp cận vốn cho doanh nghiệp; tiếp tục sử dụng các công cụ chính sách tiền tệ điều tiết mặt bằng lãi suất thị trường theo hướng giảm dần...
Bộ Công Thương chịu trách nhiệm điều hành nhập khẩu theo hướng kiểm soát chặt chẽ nhập khẩu, xây dựng và thực hiện các hàng rào kỹ thuật đối với hàng nhập khẩu chuyên ngành, giám sát, hạn chế nhập các sản phẩm, hàng hoá không thiết yếu, không để nhập siêu vượt quá 20% tổng kim ngạch xuất khẩu. Đồng thời, chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện các giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu, tổ chức phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ để tăng xuất khẩu, giảm nhập siêu.

Đồng thời, Bộ cũng tiếp tục chỉ đạo quyết liệt bằng các giải pháp đáp ứng nhu cầu điện cho sản xuất, kinh doanh và đời sống nhân dân, đồng thời chủ động cân đối các nguồn điện cho nhu cầu điện năng năm 2011 và các năm sau; đề xuất và tổ chức thực hiện các biện pháp tiết kiệm điện trong sản xuất và tiêu dùng.
Đẩy nhanh tiến độ giải ngân, kiểm soát chặt chẽ chất lượng các dự án
Triển khai đúng tiến độ các dự án xây dựng đường bộ cao tốc Hà Nội - Lào Cai, Hà Nội - Thái Nguyên, Hà Nội - Hải Phòng...
Nghị quyết cũng nêu rõ trọng tâm trong thời gian tới là tích cực đẩy nhanh tiến độ giải ngân đồng thời với việc kiểm soát chặt chẽ chất lượng các công trình, dự án, nhất là đối với các công trình xây dựng bệnh viện, trường học, nhà ở sinh viên, giao thông, thuỷ lợi...; chủ động điều chuyển vốn cho các công trình quan trọng, cấp bách có khả năng hoàn thành trong năm 2010 và năm 2011; trình Thủ tướng Chính phủ xem xét việc ứng vốn cho các công trình, dự án đã có trong danh mục đầu tư bằng nguồn ngân sách nhà nước, trái phiếu Chính phủ đang được triển khai có thể hoàn thành trong năm 2010 - 2011 nhưng thiếu vốn.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các dự án đầu tư từ nguồn ngân sách, trái phiếu Chính phủ, kiên quyết đình hoãn, cắt giảm đầu tư các công trình chưa cần thiết, kém hiệu quả; kiểm tra chặt chẽ việc thực hiện đấu thầu, chỉ định thầu đối với các công trình quan trọng, cấp bách.

Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo quyết liệt công tác đền bù, giải phóng và bàn giao mặt bằng để các công trình, dự án đầu tư triển khai đúng tiến độ, đặc biệt là các dự án xây dựng đường bộ cao tốc Hà Nội - Lào Cai, Hà Nội - Thái Nguyên, Hà Nội - Hải Phòng...

Sớm ban hành chuẩn nghèo mới

Nghị quyết cũng nêu rõ, cần sớm ban hành chuẩn nghèo mới phù hợp với tình hình thực tế và tổ chức điều tra lập sổ hộ nghèo giai đoạn 2011 - 2015; khẩn trương ban hành và triển khai Chiến lược an sinh xã hội đến năm 2020 và Đề án hệ thống an sinh xã hội đối với dân cư nông thôn thời kỳ 2011 – 2020; khẩn trương triển khai Nghị định của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn và Nghị định về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp nông thôn.

Bên cạnh đó, khẩn trương hoàn thành quy hoạch tổng thể phát triển nông nghiệp, nông thôn phù hợp với quy hoạch chung để lập kế hoạch triển khai xây dựng nông thôn mới trong dài hạn; tuỳ theo điều kiện của từng địa phương, lựa chọn những tiêu chí nông thôn mới có đủ điều kiện và khả năng để thực hiện trước, trước mắt tập trung đầu tư phát triển giáo dục, y tế đạt chuẩn nông thôn mới trên phạm vi cả nước.

Chính phủ nhận định, nền kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2010 tiếp tục chuyển biến tích cực và đạt được kết quả khá toàn diện. Các cân đối kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định: lạm phát được kiểm soát (chỉ số giá tiêu dùng 6 tháng tăng 4,78% so với tháng 12 năm 2009); thu ngân sách đạt khá; huy động và giải ngân vốn đầu tư phát triển có chuyển biến tích cực; xuất khẩu tăng khá, nhập siêu có xu hướng giảm; tốc độ tăng trưởng huy động vốn, dư nợ tín dụng và tổng phương tiện thanh toán tăng dần, phù hợp với mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát và tăng trưởng kinh tế; lãi suất huy động và cho vay có xu hướng giảm; hệ thống ngân hàng hoạt động an toàn; thị trường chứng khoán, thị trường ngoại hối, tỷ giá tương đối ổn định…

Tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt khoảng 6,16%, cao hơn so với cùng kỳ năm 2009, trong đó, giá trị sản xuất công nghiệp và xây dựng tăng 6,5%, nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,31%, dịch vụ tăng 7,05%, riêng du lịch tăng cao đạt 32,6%. An sinh xã hội tiếp tục được bảo đảm. Các lĩnh vực giáo dục đào tạo, lao động, việc làm, y tế, văn hóa, xã hội…có nhiều tiến bộ. Công tác cải cách hành chính, giải quyết khiếu nại tố cáo và phòng, chống tham nhũng tiếp tục được đẩy mạnh. Công tác đối ngoại và hợp tác kinh tế quốc tế được tăng cường. Chính trị, xã hội ổn định; quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội được bảo đảm.
Nguồn: