Thị trường nội địa tăng trưởng đều và cao

12:23 CH @ Thứ Sáu - 13 Tháng Tám, 2010
Sản xuất công nghiệp, thị trường trong nước và dịch vụ có sức tăng trưởng khá, nhập siêu ở tháng thứ 2 liên tiếp giữ được mức ổn định và thấp hơn 20% so với xuất khẩu…, đây là một trong những kết quả chính mà ngành Công Thương đã đạt được trong tháng 7/2010.
Sức bật của thị trường nội địa.
Vụ trưởng Vụ kế hoạch- Bộ Công Thương Lê Văn Được cho biết: Giá trị sản xuất công nghiệp tháng 7 ước đạt 68,5 nghìn tỷ đồng, tăng 3,6% so với tháng 6 và tăng 12,3% so với tháng 7/2009. Tính chung 7 tháng ước đạt 434,8 nghìn tỷ đồng, tăng 13,5% so với cùng kỳ, trong đó: khu vực kinh tế nhà nước tăng 8,9%; khu vực kinh tế ngoài nhà nước có tốc độ tăng 12,5%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng cao nhất 17,0%.
Giá trị sản xuất công nghiệp 7 tháng của các doanh nghiệp thuộc Bộ Công Thương tăng 12,8% so với cùng kỳ, trong đó, một số doanh nghiệp có mức tăng trưởng cao trên mức tăng trưởng chung của toàn ngành (13,5%). Cũng trong tháng 7, kim ngạch xuất khẩu hàng hoá ước đạt 5,8 tỷ USD, giảm 8,2% so với tháng 6, chủ yếu do mặt hàng đá quý và kim loại quý giảm 97,3%; dầu thô giảm 34,7%... Tính chung 7 tháng, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 38,27 tỷ USD, tăng 17,5% so với cùng kỳ; loại trừ yếu tố xuất khẩu vàng, kim ngạch xuất khẩu 7 tháng tăng 22,6% so với cùng kỳ. Kim ngạch nhập khẩu tháng 7 ước đạt 6,95 tỷ USD, giảm 1,5% so với tháng 6, trong đó; tính chung 7 tháng, kim ngạch nhập khẩu ước đạt 45,7 tỷ USD, tăng 25,5% so với cùng kỳ.
Điểm sáng trong tháng 7 và 7 tháng đầu năm chính là sự tăng trưởng đều và cao của thị trường nội địa. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tháng 7 ước đạt 129,5 nghìn tỷ đồng, tăng 1,0% so với tháng 6, 7 tháng qua tổng mức ước đạt 877,5 nghìn tỷ đồng, tăng 26,4% so với cùng kỳ, trong đó, tốc độ tăng trưởng của ngành thương mại là 27,5%, ngành khách sạn, nhà hàng tăng 21,9%, ngành du lịch tăng 32,5%, dịch vụ tăng 22,1% so với cùng kỳ.
Giá cả tháng 7 có mức tăng thấp nhất kể từ đầu năm đến nay và cũng là thấp nhất cùng kỳ của 6 năm trở lại đây. Không chỉ đáp ứng được nhu cầu thị trường, tiêu thụ tốt hàng hóa, nông sản, không để xảy ra sốt giá mà thị trường trong nước còn ghi nhận sự phát triển mạnh mẽ của việc tiêu thụ hàng nội địa với chương trình "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" được triển khai rộng khắp trong cả nước.
Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng nhấn mạnh: thị trường trong nước đảm bảo cân đối cung cầu, không để sốt giá, nhất là tại TP. Hồ Chí Minh đã làm rất tốt chương trình bình ổn giá với việc dành hơn 500 tỷ đồng và lập 11.000 điểm bán hàng bình ổn giá có đăng ký. Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu bộ Công Thương nghiên cứu nhân rộng mô hình này trên cả nước nhằm thúc đẩy sản xuất, lưu thông hàng hóa trong nước.
Bà Quách Tố Dung, Phó giám đốc Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh chia sẻ: Từ tháng 4/2010, nhiều mặt hàng trong rổ hàng bình ổn giá có xu hướng tăng nên thành phố đã chỉ đạo bình ổn giá không chỉ vào dịp tết mà cần làm kéo dài, thường xuyên. Sở Công Thương đã xây dựng kế hoạch bình ổn giá đến hết 31/12/2011 và qua Tết âm lịch của năm 2011 để tạo tâm lý bình ổn giá cả 8 mặt hàng thiết yếu trên địa bàn. Điều này đã làm lan tỏa đến các mặt hàng khác, giúp cho chỉ số CPI của TP. Hồ Chí Minh giảm thấp nhất trong nhiều năm qua, các doanh nghiệp cũng yên tâm trong kinh doanh, chủ động tìm và liên kết với các tỉnh để tạo nguồn hàng ổn định cho thị trường. Chúng tôi đang triển khai một số công việc, tập trung có bài bản hơn cho chương trình "người Việt ưu tiên dùng hàng Việt", tạo động lực cho cả ba đối tượng là nhà sản xuất, người tiêu dùng và nhà phân phối.
Đặc biệt, phục vụ cho năm học mới, sở Công Thương đã tham mưu cho thành phố ban hành cơ chế hỗ trợ bình ổn giá khoảng 30 tỷ đồng với 3 mặt hàng là quần áo, cặp và vở để đảm bảo hàng giá tốt cho người tiêu dùng; tổ chức tháng khuyến mãi từ ngày 31/8 và khai mạc hội chợ hàng Việt Nam trong tháng 8 này.
Những nút thắt cần tháo gỡ
Mặc dù đạt được những kết quả khả quan nhưng thực tế, một số địa phương và ngành nghề cũng đang vướng phải nhiều khó khăn do khách quan và chủ quan mang lại. Nếu được tháo gỡ kịp thời thì khả năng hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế được Chính phủ giao cũng như tạo tiền đề cho những năm tiếp theo của ngành Công Thương là sẽ đạt được. Điểm nóng đang được quan tâm hiện nay là tình hình xuất khẩu gạo. Nếu như đầu tháng 7/2010 các doanh nghiệp (DN) còn đang dốc toàn lực để mua gạo dự trữ nhằm đảm bảo giá bán có lãi cho nông dân thì 20 ngày còn lại của tháng 7 và đến nay giá gạo đã tăng đáng kể, thị trường lúa gạo trong nước có nhiều diễn biến khó lường.
Ông Huỳnh Minh Huệ, Tổng thư ký Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho biết: lượng gạo đã ký hợp đồng đến nay được 6 triệu tấn nhưng chúng ta mới chỉ giao được 4 triệu tấn tính đến hết tháng 7, giá lúa gạo đã tăng và còn tiếp tục tăng nữa. Dự kiến, các DN sẽ tiếp tục mua vào để hoàn thành kế hoạch tạm trữ 1 triệu tấn trong tháng 8 thay vì tháng 9 theo kế hoạch. Hiện cần cân đối xuất khẩu (XK) gạo trong những tháng cuối năm. Lượng hợp đồng ký kết còn rất lớn mà vụ hè thu kết thúc sớm, lượng hàng hóa còn lại cho XK hạn chế, đặc biệt là XK gạo theo đường tiểu ngạch đang tăng cao. Bởi thế, mặc dù VFA đã đề xuất với chính phủ sẽ tăng vượt 6 triệu tấn gạo xuất khẩu nhưng với tình hình này thì không còn khả năng. Chúng tôi đã họp với 48 DN thu mua lúa gạo và thống nhất tiếp tục mua theo chỉ đạo của Chính phủ nhưng cũng tăng cường mua dự trữ để đảm bảo can thiệp thị trường đề phòng giá có biến động sốt, đặc biệt tại thị trường TP.HCM. Hiện XK gạo theo đường tiểu ngạch có khả năng ảnh hưởng đến an ninh lương thực, VFA đề nghị Bộ Công Thương cần có kiểm tra và định hướng để hiệp hội có kế hoạch XK những tháng cuối năm.
Trong một diễn biến khác, bà Trần Thị Thúy Hoa, Tổng thư ký Hiệp hội Cao su, bày tỏ: XK cao su nguyên liệu và cao su thành phẩm 7 tháng đầu năm có mức tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm trước, dự đoán XK của toàn ngành cao su sẽ đạt kế hoạch cả năm 2010. Tuy nhiên, các DN xuất khẩu cao su chủ yếu sang thị trường Trung Quốc nên khi có biến động thì DN sẽ gặp khó khăn, việc XK biên mậu sang Trung Quốc có nhiều trở ngại, ít thông tin khiến DN không có giải pháp ứng phó.
Ông Võ Sỹ Dởng, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Giấy Việt Nam, lại lo lắng về vấn đề vốn cho việc tái trồng rừng nguyên liệu và thực hiện các dự án đã và đang triển khai trong ngành giấy.
Cũng liên quan đến vấn đề vốn, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Xăng dầu Việt Nam Bùi Ngọc Bảo chia sẻ: Tỷ giá và ngoại tệ đang là vấn đề nóng mà chúng tôi quan tâm và thực sự rất căng thẳng. Tổng công ty đã giảm nhập siêu, giãn nhập hàng về để đảm bảo cán cân thanh toán, tuy nhiên cũng cần bảo đảm đủ hàng để dự trữ và bình ổn thị trường. Tại thời điểm này nguồn vốn không khó khăn nhưng chúng tôi lại không mua được ngoại tệ và tỷ giá cao. Nhiều đầu mối của tổng công ty chuyển sang vay nợ và hiện số nợ xấp xỉ 500 triệu USD, trong quý 3 còn cần thanh toán 500 triệu USD nữa. Nếu không có thay đổi tỷ giá và cơ chế đáp ứng ngoại tệ cho nhập khẩu xăng dầu thì tình hình đảm bảo nguồn một, hai tháng tới là khó khăn.
Bà Quách Tố Dung đưa ra kiến nghị, nhằm đảm bảo giữ ổn định thị trường trong nước bằng tăng cường kiểm soát tại biên giới nhiều hơn để đỡ gây khó khăn kiểm soát ở thị trường nội địa. Bộ Công Thương cũng cần có ban hành hàng rào kỹ thuật cho hàng nhập khẩu.
Nhiệm vụ trọng tâm tháng 8 và những tháng cuối năm
Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết, tại phiên họp thường kỳ tháng 7, Chính phủ đã lưu ý các bộ, ngành không được chủ quan cho những tháng cuối năm về sản xuất, xuất khẩu và nhất là nhập siêu. Tiếp tục thực hiện các biện pháp quyết liệt để hoàn thành nhiệm vụ.
Bởi thế, Bộ trưởng đánh giá và chỉ đạo, nhiệm vụ những tháng cuối năm sẽ gặp nhiều khó khăn. Về sản xuất: 5 tháng cuối năm có nhiều biến động: nhất là giá cả những nguyên liệu và chi phí đầu vào của thế giới có nhiều biến động theo hướng tăng. Nhiều mặt hàng XK giá tăng nhưng thấp hơn giá nguyên liệu đầu vào. Quý 3 và 4 tập trung sản xuất để hoàn thành kế hoạch năm nên nguyên vật liệu thường tăng giá. Tiếp đó là nhu cầu gối đầu dự trữ sản xuất cho kế hoạch năm 2011… góp phần tăng chi phí và liên quan đến nhập khẩu. Một số mặt hàng thủy sản, nông sản… đang có dấu hiệu cảnh báo do gian lận về chất lượng làm ảnh hưởng đến uy tín của hàng XK Việt Nam. Nếu để tái diễn thì XK thủy sản, nhất là tôm sẽ bị ảnh hưởng. Nhiều mặt hàng đã tới hạn không còn để xuất nên đây là vấn đề lưu ý cho XK cuối năm. Hoạt động xuất khẩu nếu vẫn theo xu hướng như đã đạt được thì khả năng đạt được mục tiêu của Quốc hội giao là sẽ hoàn thành.
Vấn đề nhập khẩu và kiểm soát nhập siêu là rất quyết liệt. Hoạt động của Bộ Công Thương trong suốt thời gian qua dành rất nhiều công sức để có biện pháp thực hiện bằng được mục tiêu này. Kiềm chế nhập siêu liên quan đến kinh tế vĩ mô, đảm bảo cán cân thanh toán ngoại hối, về tỷ giá… nên Chính phủ liên tục nhắc nhở Bộ Công Thương về vấn đề này. Dù hai tháng liên tiếp duy trì mức nhập siêu dưới 20% kim ngạch XK nhưng xét ở góc độ nào đó, đây là nhân tố chưa thực sự ổn định, có thể biến động nhất là trong tình hình cuối năm do khả năng nhập khẩu nhiều hơn, giá có có nhiều biến động.
Thời gian hoàn thành kế hoạch của cả năm không còn nhiều nên nhiệm vụ trong tháng 8 cần thực hiện là: sản xuất kinh doanh cần được đẩy mạnh, tìm mọi cách vượt qua khó khăn về vốn, vật tư…
Về đầu tư: Những tháng đầu năm đã đưa vào hoạt động một số dự án tuy nhiên giải ngân về đầu tư xây dựng cơ bản của ngành vẫn thấp hơn cả nước. Nhiều công trình đã đi vào sản xuất nhưng chưa ổn định, chưa bàn giao được nên cần khắc phục những khiếm khuyết này. Đối với những công trình đang dở dang cần tăng cường năng lực đẩy mạnh phát triển. Với những công trình mới cần làm tốt khâu thiết kế, mời thầu, tìm nguồn tài chính để không bị chậm tiến độ ... đây là những công trình giúp tăng năng lực sản xuất của ngành giai đoạn 5 năm tới.
Về nhập khẩu, tiếp tục quán triệt chủ trương của Chính phủ, chỉ nhập những thứ cần thiết mà trong nước chưa sản xuất được hoặc không đủ. Các tập đoàn, tổng công ty và sở công thương cần kiểm soát những mặt hàng không cần nhập khẩu; tăng cường sử dụng hàng trong nước sản xuất. Kể cả việc đấu thầu, yêu cầu các nhà thầu dùng thiết bị trong nước. Doanh nghiệp nhà nước phải đi đầu trong việc dùng hàng Việt Nam.
Với thị trường trong nước, cần bình ổn giá và đảm bảo cân đối cung cầu. Đây là trách nhiệm của các địa phương, vụ thị trường trong nước và các tập đoàn, tổng công ty nhà nước. Tiếp tục thực hiện tốt cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việ Nam". Vụ Thị trường trong nước phối hợp với các Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải Phòng, Đồng Nai, Đà Nẵng, Cần Thơ… xây dựng đề án tổ chức buổi trao đổi những kết quả đã thực hiện được trong việc bình ổn giá của TP. Hồ Chí Minh để nhân rộng ra cả nước.
Bên cạnh đó, với những sự việc mà các ngành, hiệp hội đưa ra các vụ chức năng cũng cần lưu tâm giải quyết ngay.
Về vấn đề XK gạo, Vụ Xuất nhập khẩu khẩn trương làm việc với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để đảm bảo tiêu thụ hàng hóa cho nông dân về giá, không để tồn, đảm bảo an ninh lương thực. Hiệp hội và các tổng công ty tăng cường dự trữ lượng gạo cần thiết, không để xảy ra biến động.
Với ngành điện, EVN và các tập đoàn khác tập trung khắc phục sự cố, nhất là những nhà máy nhiệt điện mới để vận hành ổn định.
Nguồn: