Thuế GTGT phân bón: kỳ vọng của nông dân và doanh nghiệp sản xuất phân bón sắp trở thành hiện thực

07:49 SA @ Thứ Hai - 21 Tháng Chín, 2020

Với sự ra đời của Luật 71/2014/QH13, mặt hàng phân bón đã chuyển từ diện áp dụng thuế suất thuế Giá trị gia tăng (GTGT) 5% sang đối tượng không chịu thuế GTGT. Việc này nghe qua tưởng như sẽ có lợi cho doanh nghiệp (DN) và nông dân, nhưng thực tế thì không những không giúp nông dân hưởng lợi từ giá phân bón như mục tiêu đề ra ban đầu của chính sách này, mà còn gây ra hiệu ứng ngược hoàn toàn.

Luật thuế 71: gia tăng phân bón nhập khẩu, thu hẹp sản xuất phân bón trong nước

Theo tính toán, riêng các đơn vị sản xuất phân bón trong Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) thì đã bị mất khoảng từ 600 đến 800 tỷ đồng mỗi năm, các doanh nghiệp phân bón của PVN mất khoảng 800 tỷ vì không được khấu trừ thuế GTGT. Và con số này sẽ tăng lên nếu tính trong toàn ngành phân bón của Việt Nam, khoảng 4.000 tỷ đồng/năm.

Không chỉ thế, Luật 71/2014/QH13 còn tạo điều kiện cho phân bón nhập khẩu tràn vào Việt Nam tăng đột biến. Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, lượng phân bón nhập khẩu các loại năm 2014 (thời điểm trước khi Luật 71/2014/QH13 được áp dụng) chỉ là 3,7 triệu tấn, đến năm 2017 con số này đã là hơn 5,6 triệu tấn, tăng gần 2 triệu tấn, riêng đạm urê tăng gần 2,5 lần.

Ở các nước khác, do thuế GTGT đối với mặt hàng xuất khẩu là 0% nên nhà sản xuất được hoàn thuế GTGT đối với toàn bộ chi phí đầu vào chịu thuế GTGT, và giá thành sản phẩm xuất khẩu của họ không bao gồm thuế GTGT của chi phí đầu vào. Ngược lại, do mặt hàng phân bón ở Việt Nam không thuộc diện chịu thuế GTGT, do đó không được khấu trừ thuế GTGT đầu vào, nên giá thành đã bao gồm phần thuế GTGT đầu vào (trong đó có chi phí đầu tư công nghệ mới, hiện đại). Vì thế giá thành phân bón nhập khẩu tự dưng trở nên cạnh tranh hơn so với sản phẩm trong nước, và điều này có thể giải thích lý do của sự gia tăng đột biến phân bón nhập khẩu thời gian qua.

Với việc hưởng lợi từ việc cắt giảm thuế suất thuế nhập khẩu ở Việt Nam theo cam kết của các Hiệp định Thương mại tự do (FTA), doanh nghiệp nước ngoài càng có điều kiện hạ giá bán phân bón mạnh để cạnh tranh với phân bón nội địa. Thực tế là các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong khu vực, kể cả các doanh nghiệp sử dụng công nghệ lạc hậu, đều được hậu thuẫn để chen chân vào thị trường Việt Nam, trong khi doanh nghiệp trong nước lại chịu bất công như trên. Ngành sản xuất phân bón trong nước sẽ dần bị phân bón nhập khẩu chèn ép nếu như Luật 71 không sớm được sửa đổi.

Các chuyên gia kinh tế và nông nghiệp đã nhiều lần đưa ra cảnh báo rằng chính sách thuế có nguy cơ đẩy ngành sản xuất phân bón Việt Nam đi thụt lùi, từ những doanh nghiệp sản xuất phân bón có công nghệ hiện đại dần dần thành các doanh nghiệp có công nghệ sản xuất lạc hậu.

Ngoài ra, sản phẩm nông nghiệp và môi trường có khả năng sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng, bởi lẽ các loại sản phẩm được sản xuất bằng công nghệ lạc hậu giá rẻ chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới môi trường và nông sản đầu ra, và đây chính là nguy cơ rất lớn cho ngành nông nghiệp nước nhà. Đó là chưa nói đến việc phụ thuộc vào nguồn cung phân bón từ nước ngoài sẽ khiến nền nông nghiệp và an ninh lương thực của nước nhà bị lệ thuộc.

Sửa thuế 71:đem lại lợi ích cho nhà nước, doanh nghiệp và nông dân

Nhiều năm nay người nông dân và doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước chịu thiệt do luật thuế 71 đem lại, đồng thời gặp nhiều khó khăn trong sản xuất và tiêu thụ. Trước những khó khăn của người nông dân và doanh nghiệp, các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước đã có nhiều văn bản kiến nghị Hiệp hội Phân bón, Bộ Công thương, Bộ Tài chính,Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại Doanh nghiệp khẩn trương xem xét, tháo gỡ khó khăn cho ngành sản xuất phân bón trong nước sửa đổi Luật thuế số 71/2014/QH 13 theo hướng đưa phân bón vào diện chịu thuế GTGT với mức thuế xuất là 0-5%. Việc giải quyết kiến nghị trên không đòi hỏi Nhà nước, doanh nghiệp phải bỏ tiền hỗ trợ doanh nghiệp trong thời điểm dịch Covid hoành hành, mà chỉ là điều chỉnh chính sách đề hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước bình đẳng với doanh nghiệp nhập khẩu. Bởi:

Khi đưa phân bón vào đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng với mức thuế xuất 0%, các sản phẩm phân bón được bán với giá trước thuế cộng với thuế GTGT bằng (0), nghĩa là số tiền thuế GTGT đầu ra doanh nghiệp nộp cho nhà nước bằng (0) đồng và doanh nghiệp vẫn được hoàn thuế GTGT đầu vào, sẽ làm giảm giá thành sản xuất phân bón và có cơ hội giảm giá bán phân bón cho người nông dân.

Trong trường hợp đưa phân bón vào đối tượng chịu thuế GTGT với mức thuế suất 5% là tiền thuế GTGT doanh nghiệp nộp cho nhà nước và doanh nghiệp vẫn được hoàn thuế GTGT đầu vào, điều này không làm tăng chi phí sản xuất của doanh nghiệp và không tăng giá bán phân bón cho nông dân.

Cả hai trường hợp trên thì phân bón sản xuất trong nước không phải tăng chi phí sản xuất bất hợp lý và bình đẳng trong môi trường kinh doanh với phân bón nhập khẩu. Doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước có môi trường phát triển lành mạnh, bình đẳng; tăng đóng góp cho ngân sách nhà nước, tăng lợi nhuận của doanh nghiệp và đảm bảo lợi ích lâu dài của nông dân.

Trước những thực tế bất cập của Luật thuế 71, các bộ ngành liên quan như Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp đều đồng tình ủng hộ việc việc sửa đổi Luật 71. Gần đây, Bộ Tài chính đã có văn bản báo cáo Thủ tướng về vấn đề thuế GTGT phân bón và Thủ tướng Chính phủ đồng ý sửa đổi nhưng chỉ đạo nghiên cứu, đánh giá sửa đổi với nhiều vấn đề không chỉ riêng về thuế GTGT phân bón. Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã giao Bộ Tài chính ngay trong tháng 8 năm 2020 trình Chính phủ xem xét để tháo gỡ vướng mắc về thuế suất thuế giá trị gia tăng theo chỉ đạo tại Thông báo 80/TB- VPCP ngày 18 tháng 6 năm 2020, trong đó cần nêu rõ sự cần thiết, hiệu quả kinh tế, bảo đảm sự bình đẳng giữa các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước và doanh nghiệp nhập khẩu.

Sự đồng lòng, đồng thuận của các Bộ Ngành để sớm đưa Luật thuế 71 vào sửa đổi, bổ sung là một tín hiệu vui, niềm hy vọng của bà con nông dân và các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước. Điều này cũng có nghĩa giúp người nông dân và các doanh nghiệp sản xuất phân bón vượt qua những khó khăn, tự chủ trong sản xuất kinh doanh và tiêu thụ, góp phần xây dựng nền nông nghiệp Việt Nam phát triển ổn định, bền vững.

HỒNG LIÊN