Việt Nam vượt qua khủng hoảng kinh tế nhanh hơn nhiều nước

04:21 CH @ Thứ Sáu - 02 Tháng Bảy, 2010

CôngThương -Báo cáo cập nhật tình hình kinh tế Việt Nam tháng 6 vừa được Ngân hàng Thế giới (WB) công bố khẳng định: Việt Nam đã vượt qua cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu tốt hơn nhiều nước khác.

Cũng như trong những năm trước, Việt Nam không xảy ra khủng hoảng ngân hàng, cho dù vẫn còn nhiều bất ổn kinh tế vĩ mô.

Tổng cục Thống kê cũng vừa công bố trước báo chí tốc độ tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm đạt 6,16%, cao gấp 1,6 lần so với cùng kỳ năm trước, nền kinh tế Việt Nam đã có sự phục hồi rõ rệt sau khủng hoảng kinh tế toàn cầu.

Đặc biệt, trong bối cảnh lương cơ bản tăng, giá một loạt nguyên, nhiên liệu đầu vào như điện, than, nước tăng gần như đồng thời nhưng lạm phát 6 tháng qua đã được kiềm chế ở mức 4,78% so với tháng 12/2009, đây chính là thành công quan trọng của nền kinh tế. Thêm vào đó, với mức tăng giá bình quân tháng trong quý 2 đã giảm xuống còn 0,21%, thấp hơn nhiều so với mức tăng bình quân tháng là 1,35% trong quý 1 chính là dấu hiệu tốt về sự ổn định kinh tế trong ngắn hạn.

Theo đó, giá trị sản xuất công nghiệp sáu tháng đầu năm tăng 13,6%, trong đó, giá trị sản xuất ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm tới 89,6% và tăng 14,7%.

Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu 6 tháng đạt 32,1 tỷ USD, tăng 15,7%, trong đó các mặt hàng xuất khẩu chủ lực đều có kim ngạch tăng cao.

Bên cạnh đó, cơ cấu kim ngạch hàng hóa xuất khẩu đã có sự thay đổi tích cực với việc tăng tỷ trọng nhóm hàng công nghiệp nặng, nhóm hàng công nghiệp nhẹ và tiểu thủ công nghiệp.

Mặc dù nhập khẩu tăng 29,4% so với cùng kỳ và tỷ trọng nhập khẩu nguyên, nhiên vật liệu phục vụ sản xuất chiếm 81,5% trong tổng kim ngạch, nhưng nhập khẩu hàng tiêu dùng, nhất là hàng xa xỉ như ô tô nguyên chiếc lại giảm rõ rệt cho thấy sản xuất công nghiệp trong nước đã được phục hồi trở lại sau khủng hoảng.

Theo WB, đạt được những kết quả tích cực này chủ yếu là nhờ Chính phủ Việt Nam đã quyết tâm phản ứng kịp thời trước tình hình kinh tế thay đổi.

Trong vòng chưa đầy 3 năm, nền kinh tế Việt Nam đã chuyển từ tình trạng tăng trưởng đều đặn sang phát triển quá nóng, rồi ổn định hóa, đến kích cầu và cuối cùng là tái cân bằng nền kinh tế.

Chính phủ Việt Nam đã không mất nhiều thời gian để điều chỉnh chính sách. Gần đây, gói kích cầu lớn, kết hợp chương trình miễn giảm thuế với tăng chi tiêu chính phủ và tăng trưởng tín dụng nhanh đã thành công trong việc kích thích cầu nội địa và duy trì tăng trưởng kinh tế.

Đặc biệt, xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ vẫn chiếm khoảng 67% GDP ngay khi bị cuộc khủng hoảng tấn công trong năm 2009.
WB nhận định rằng, đạt được những kết quả tích cực này chủ yếu là nhờ Chính phủ Việt Nam đã quyết tâm phản ứng kịp thời trước tình hình kinh tế thay đổi.

Tuy nhiên, bản báo cáo của WB cũng cho rằng, Việt Nam còn có thể làm được tốt hơn thế nếu thông tin được công bố và trao đổi tốt hơn. Vì thị trường không biết chắc có hiểu rõ những gì mà Chính phủ theo đuổi hay không nên thị trường muốn thấy hành động rất mạnh mẽ để được thuyết phục rằng Chính phủ đang tiến hành một chuỗi hành động hợp lý. Do đó, Việt Nam cần một sự chuyển dịch nhanh quan điểm chính sách khi tình hình thay đổi.

Trong khi đó, theo nhận định của Tổng cục Thống kê Việt Nam, mặc dù kết quả đạt được trong 6 tháng qua là đáng ghi nhận nhưng nền kinh tế vẫn chưa đạt được như mong muốn, thể hiện qua các cân đối kinh tế vĩ mô chưa thật vững chắc. Bởi mặc dù kim ngạch xuất khẩu tăng 15,7% so với cùng kỳ 2009 nhưng với một nền kinh tế vẫn phụ thuộc khoảng 80% vào nguyên nhiên liệu nhập khẩu thì thực chất giá trị tăng thêm của xuất khẩu là không đáng kể. Cũng 6 tháng qua, mặc dù khoảng cách giữa tốc độ tăng tổng vốn đầu tư toàn xã hội theo giá thực tế và tốc độ tăng GDP theo giá thực tế đã thu hẹp lại cho thấy dấu hiệu khả quan về sự phục hồi hiệu quả đầu tư nhưng nếu so sánh với các nước trong khu vực và thế giới thì chất lượng tăng trưởng của Việt Nam vẫn thấp.

Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng để giữ ổn định kinh tế vĩ mô trong điều kiện hiện nay cần được coi là ưu tiên hàng đầu, không chỉ là nền tảng bảo đảm tốc độ tăng trưởng hợp lý cho năm 2010 mà sẽ là tiền đề để tăng trưởng cao cho những năm sau và hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.

Chính vì vậy, kiềm chế lạm phát ở mức trên dưới 8%, cải thiện cán cân thanh toán, giảm thâm hụt ngân sách Nhà nước là nhiêm vụ quan trọng cần tiếp tục thực hiện quyết liệt trong 6 tháng cuối năm.

Trong đó, Ngân hàng Nhà nước và các bộ, ngành liên quan cần hoạch định và điều hành chính sách tiền tệ một cách linh hoạt, thực hiện kiểm tra, giám sát chặt chẽ hoạt động của hệ thống ngân hàng và các tổ chức tín dụng để ổn định kinh tế vĩ mô, từ đó tạo tiền đề vững chắc cho tăng trưởng bền vững.

Nếu thực sự như vậy, đối với Việt Nam chiến lược đầu tư lâu dài cần tập trung cho các ngành công nghệ cao, các ngành có khả năng dẫn dắt, chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng hiện đại.