Mạng xã hội – Cuộc cách mạng công nghệ 4.0 trong giai đoạn hiện nay

Công ty CP Hóa chất Cơ bản miền Nam
02:25 CH @ Thứ Ba - 05 Tháng Mười Một, 2024

Trong những năm qua, công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng ở nước ta đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, góp phần ngăn chặn và đẩy lùi âm mưu, thủ đoạn phá hoại của các thế lực thù địch, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, củng cố và tăng cường niềm tin của Nhân dân đối với Đảng và Nhà nước. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều hạn chế như: chưa đa dạng hóa các hình thức thông tin, chất lượng thông tin chưa hoàn toàn đáp ứng nhu cầu của người dân; chưa tích cực, chủ động đấu tranh phản bác các thông tin, quan điểm sai trái, thù địch; chưa phát huy vai trò giám sát, phản biện của các cơ quan báo chí, các tổ chức chính trị - xã hội, đấu tranh chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí và các tệ nạn xã hội... 

Trong mọi thời điểm của lịch sử, lúc thuận lợi cũng như khó khăn, để ngăn chặn sự tha hóa quyền lực trong Đảng, sự biến chất của đội ngũ cán bộ, đảng viên, Đảng ta đã có những chủ trương quyết liệt, kiểm soát chặt chẽ quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ, chống chạy chức, chạy quyền; Đảng đã, đang và sẽ tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, triển khai đồng bộ; thường xuyên hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc thực hiện; ngăn chặn và đẩy lùi hiệu quả những tiêu cực, tham nhũng trong công tác cán bộ. 

Cùng với sự phát triển tích cực về nhiều mặt của xã hội, những thành tựu mà đất nước ta đã đạt được nhiều năm qua thì đâu đó cũng còn mặt trái và hệ lụy, những vấn đề bất cập từ nảy sinh trong xã hội mà nguyên nhân đến từ “Mạng xã hội”. 

Mạng xã hội hiện nay góp phần tích cực vào sự phát triển của văn hóa cộng đồng. Văn hóa mạng xã hội là một bộ phận của văn hóa cộng đồng và có ảnh hưởng ngày càng lớn đến văn hóa cộng đồng. Sự tham gia của cá nhân vào các công việc chung của cộng đồng cũng được thúc đẩy. Thực tế từ khi mạng xã hội phát triển, việc “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” được thực hiện sinh động, công khai hơn như công tác an sinh xã hội như cứu trợ thiên tai, lũ lụt, xóa đói giảm nghèo, giúp đỡ người gặp hoàn cảnh khó khăn, tai nạn,… có nhiều khởi sắc. Qua hình ảnh, clip đăng tải trên các trang mạng xã hội, báo điện tử chính thống về cơn bão số 3 (Yagi) vừa qua, đã gây ảnh hưởng lớn tàn phá nặng nề và thiệt hại về người và tài sản cũng như tình hình sản xuất kinh doanh tại các khu vực bão đi qua, với truyền thống đoàn kết, tinh thần tương thân tương ái, “lá lành đùm lá rách” đồng cảm, chia sẻ.  Công ty Cổ phần Hóa chất Cơ bản Miền Nam nhanh chóng hỗ trợ 05 tấn bột Cloramine B gửi Tập đoàn Hóa chất Việt Nam để trao tặng cho Bộ Y tế phục vụ công tác phòng, chống dịch sau bão lụt, khuyến kích mỗi người đóng góp 01 ngày lương thực tế để phần nào chia sẻ với người dân bị thiệt hại. Qua đó, công tác vận động, tuyên truyền trên mạng xã hội cũng thấy được sức lan tỏa, tấm lòng tương trợ của dân tộc cứu trợ cho đồng bào bị thiệt hại. 

Cùng với sự phát triển của công nghệ hóa, nội lực của cộng đồng được phát huy hiệu quả hơn trong công cuộc phát triển kinh tế - xã hội. Các hình thức kinh doanh online trên mạng xã hội của cá nhân và doanh nghiệp ngày càng phát triển, mang tính chuyên nghiệp. Qua đó giúp họ có thể nắm bắt được các xu thế của đời sống phục vụ cho công việc và nhu cầu cuộc sống của mình. Bên cạnh đó, trên mạng xã hội có nhiều trang dạy kỹ năng sống như: ngoại ngữ, nấu ăn, sửa chữa, giao tiếp, tâm lý, thể thao, chống xâm hại phụ nữ và trẻ em… giúp người dùng có những kỹ năng cơ bản cần thiết trong cuộc sống hiện đại mà không cần đến lớp hay đóng học phí. Bên cạnh đó mạng xã hội còn góp phần thúc đẩy quá trình hội nhập quốc tế trên lĩnh vực văn hóa của Việt Nam. Các mạng xã hội, nhất là mạng xã hội được nhiều người tham gia như Facebook, Youtube, TikTok… đã tạo ra những cơ hội, khả năng tiếp xúc, giao lưu văn hóa, thúc đẩy xích lại gần nhau, hiểu biết lẫn nhau giữa dân tộc ta với các dân tộc khác trên thế giới. Thông qua mạng xã hội, thế giới biết đến Việt Nam hơn như một dân tộc yêu chuộng hòa bình, tôn trọng công lý, năng động với một kho tàng các giá trị văn hóa phong phú, đầy bản sắc.

Bên cạnh mặt tích cực, mạng xã hội cũng tồn tại không ít những yếu tố tiêu cực, ảnh hưởng trực tiếp cộng đồng và an ninh trật tự

Thực tế, bên cạnh các thông tin bổ ích, có giá trị đối với xã hội thì mạng xã hội còn vô số thông tin, hình ảnh có nội dung xấu, độc có thông tin sai trái như: xuyên tạc nền tảng tư tưởng của Đảng, chống phá đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, phủ nhận thành tựu của công cuộc đổi mới, bịa đặt, vu cáo, gây chia rẽ đoàn kết nội bộ, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ ta trên mọi lĩnh vực. Tác hại của những thông tin xấu độc trên không gian mạng do các thế lực thù địch tung ra bằng nhiều hình thức, tác động tiêu cực đến tình hình tư tưởng, dư luận xã hội, gây nghi ngờ, gieo rắc sự hoang mang, dao động, làm giảm sút lòng tin của người dân. Điển hình như: Lợi dụng việc một số cán bộ cấp cao bị kỷ luật do vi phạm các nguyên tắc của Ðảng để coi đó là mất đoàn kết, thống nhất trong Ðảng; thổi phồng một số hạn chế, bất cập về mô hình tổng thể tổ chức bộ máy thuộc hệ thống chính trị chưa được hoàn thiện để phủ nhận vai trò lãnh đạo của Ðảng. Ðây là thủ đoạn tinh vi của chiến lược “diễn biến hòa bình”, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” để tập trung chống phá, từng bước làm mất uy tín, niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước ta.

Mạng xã hội đã và đang trở thành công cụ hàng đầu để các thế lực thù địch lợi dụng tiến hành phá hoại tư tưởng. Trong những năm qua, các thế lực thù địch, phản động đã lập ra và sử dụng hàng ngàn trang mạng xã hội vào các hoạt động tuyên truyền phá hoại tư tưởng. Lợi dụng những sơ hở, thiếu sót trong triển khai các chính sách phát triển kinh tế - xã hội của chính quyền các cấp, các vụ phức tạp như: ô nhiễm môi trường biển do Formosa gây ra ở các tỉnh miền Trung, việc thảo luận dự luật đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt… để kích động dư luận, hình thành tâm lý phản kháng, tư tưởng bất mãn, chống đối, tiến tới kêu gọi biểu tình, bạo loạn lật đổ chế độ.

Mạng xã hội làm gia tăng nguy cơ lộ bí mật nhà nước. Trong số hàng triệu triệu người dân Việt Nam sử dụng mạng xã hội, có không ít người là cán bộ, đảng viên, làm việc trong các cơ quan, đơn vị có liên quan đến bí mật nhà nước. Nhiều người có thói quen thích chia sẻ thông tin về cuộc sống, công việc, hoạt động của cơ quan, đơn vị lên mạng xã hội hoặc sử dụng mạng xã hội làm công cụ liên lạc, trao đổi. Trong khi đó, hiểu biết về công tác bảo vệ bí mật nhà nước của một số cán bộ, đảng viên chưa cao, trách nhiệm ý thức bảo mật chưa tốt, làm gia tăng nguy cơ lộ thông tin. Lợi dụng các vụ rò rỉ bí mật nhà nước trên internet, nhiều đối tượng đã đăng tải lại các tài liệu mật trên mạng xã hội, tạo diễn đàn xuyên tạc.

Mạng xã hội đang trở thành công cụ, môi trường “màu mỡ” để tội phạm lợi dụng hoạt động để chiếm đoạt tài sản, đánh vào lòng tin nhẹ dạ nhất là người lớn tuổi. Với đặc tính ảo, mạng xã hội thường xuyên được các đối tượng phạm tội về hình sự, kinh tế, lợi dụng để hoạt động với các thủ đoạn như tạo tài khoản ảo để kết bạn, làm quen sau đó lừa đảo chiếm đoạt tiền, tài sản; 

Để tỉnh táo, sáng suốt làm tốt nhiệm vụ đấu tranh chống lại các luận điệu sai trái, các quan điểm xuyên tạc, chống phá Đảng, Nhà nước, của các thế lực phản động, thù địch trong và ngoài nước trên mạng xã hội, thiết nghĩ, mỗi đảng viên, cán bộ, người lao động trước hết cần làm tốt một số nội dung cơ bản như sau:

- Mỗi cấp ủy, đơn vị, đoàn thể trong sinh hoạt, công tác cần thường xuyên tổ chức sinh hoạt nhằm kịp thời trao đổi, làm rõ, vạch trần bản chất, âm mưu, thủ đoạn từ những thông tin xấu, độc hại, ác ý của các thế lực thù địch, phản động. Cần tìm hiểu các thông tin chính thống, hướng dẫn của cơ quan Đảng, Nhà nước, đoàn thể cấp trên để tổ chức cung cấp nhanh cho cán bộ, đảng viên, người lao động những luận cứ, thông tin xác đáng và dựa vào đó, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, thông tin xấu độc trên mạng internet, mạng xã hội.

- Khi tham gia mạng xã hội phải chú trọng thường xuyên nắm bắt tình hình tư tưởng, dư luận xã hội của cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân tại địa phương, cơ quan, đơn vị nơi mình sinh sống, công tác, nhất là nắm bắt trên không gian mạng xã hội. Qua đó, kịp thời phát hiện, góp ý, phê bình,… không để đồng chí, đồng nghiệp của mình bị lôi kéo, dụ dỗ mà cố ý hoặc vô tình ủng hộ, chia sẻ, loan truyền những thông tin phản động, độc hại trên mạng xã hội.

- Giữ vững bản lĩnh chính trị, tính tiên phong, gương mẫu của người đảng viên; nêu cao ý thức tự lực, tự cường vượt qua mọi cám dỗ vật chất, danh lợi; kiên định lập trường tư tưởng trước mọi thủ đoạn, âm mưu của thế lực thù địch.

Mỗi đảng viên, cán bộ, người lao động cần nhận thức đúng đắn về trách nhiệm của mình khi tham gia mạng xã hội, nhằm tạo ra một hợp lực đủ mạnh để ngăn chặn, đẩy lùi những thông tin sai lệch, xấu xa của thế lực phản động, sáng suốt chọn lọc thông tin để tiếp nhận cũng như để chia sẻ với đồng nghiệp, với bạn bè những thông tin chính xác, đúng sự thật, tránh chia sẻ thông tin sai sự thật, chưa được kiểm chứng gây tổn hại đến cá nhân, tổ chức, không những vậy, việc chia sẻ thông tin sai thực thật cá nhân còn phải chịu trách nhiệm trước pháp luật với những hình thức và mức độ khác nhau./.