Phát huy thế mạnh về nguồn lực khoa học và công nghệ của Viện nghiên cứu góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế

Đảng bộ Viện Hoá học Công nghiệp Việt Nam
02:19 CH @ Thứ Ba - 12 Tháng Mười Một, 2024

Quan điểm định hướng của Đảng về Khoa học và công nghệ

Trong thời đại ngày nay, khoa học, công nghệ và nguồn nhân lực chất lượng cao là những yếu tố sống còn của tăng trưởng và phát triển kinh tế của một quốc gia. Khoa học, công nghệ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thông qua tác động đến tổng cung và tổng cầu. Các sản phẩm khoa học và công nghệ đóng góp trực tiếp vào GDP. Khoa học và công nghệ quyết định tăng trưởng trong dài hạn và chất lượng tăng trưởng kinh tế. 

Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 1-11-2012, Hội nghị lần thứ 6 của BCH Trung ương Đảng khóa XI đã chỉ rõ “Phát triển và ứng dụng khoa học – công nghệ là quốc sách hàng đầu, là một trong những động lực quan trọng nhất để phát triển kinh tế- xã hội và bảo vệ Tổ quốc”. “Đến năm 2020, khoa học, công nghệ Việt Nam đạt trình độ phát triển của nhóm các nước dẫn đầu ASEAN; đến năm 2030, có một số lĩnh vực đạt trình độ tiến tiến thế giới; tiềm lực khoa học, công nghệ đáp ứng yêu cầu cơ bản của một nước công nghiệp theo hướng hiện đại”. Nghị quyết đại hội XII nhấn mạnh: “nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về khoa học, công nghệ… Thực hành dân chủ, tôn trọng và phát huy tự do sáng tạo trong hoạt động nghiên cứu, tư vấn, phản biện của các nhà khoa học. Khuyến khích và tạo thuận lợi cho doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế nghiên cứu phát triển và ứng dụng khoa học, công nghệ… Đổi mới cơ chế quản lý, nhất là cơ chế tự chủ về tài chính, tổ chức và hoạt động của tổ chức khoa học, công nghệ công lập”. Đại hội XIII tiếp tục khẳng định: “Thúc đẩy nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng mạnh mẽ thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư vào mọi lĩnh vực đời sống xã hội, chú trọng một số ngành, lĩnh vực trọng điểm, có tiềm năng, lợi thế để làm động lực cho tăng trưởng theo tinh thần bắt kịp, tiến cùng và vượt lên ở một số lĩnh vực so với khu vực và thế giới… Tiếp tục thực hiện nhất quán chủ trương khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu, là động lực then chốt để phát triển lực lượng sản xuất hiện đại, đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế… Chú trọng phát triển đồng bộ khoa học tự nhiên, khoa học kỹ thuật và công nghệ, khoa học xã hội và nhân văn, khoa học lý luận chính trị… Tiếp tục phát triển thị trường khoa học và công nghệ, hỗ trợ thương mại hoá các kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ”.

Phát huy thế mạnh về nguồn lực khoa học và công nghệ của Viện 

Viện Hóa học Công nghiệp Việt Nam là đơn vị nghiên cứu về lĩnh vực hóa chất Công nghiệp thuộc Tập đoàn Hóa chất Việt Nam. Chức năng, nhiệm vụ được giao là: nghiên cứu xây dựng chiến lược, chính sách quy hoạch phát triển, định mức kinh tế - kỹ thuật, quy phạm tiêu chuẩn ngành hóa chất; nghiên cứu khoa học công nghệ hóa học, triển khai ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật bao gồm: nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu ứng dụng, sản xuất thử nghiệm để tạo ra công nghệ, sản phẩm, vật liệu và thiết kế, chế tạo thiết bị cho ngành công nghiệp hóa chất và các ngành kinh tế khác; thực hiện các nhiệm vụ khoa học công nghệ, dịch vụ khoa học công nghệ với các tổ chức, cá nhân ở trong và ngoài nước; tư vấn cho các đơn vị kinh tế trong ngoài ngành về khoa học kỹ thuật và đầu tư cho khoa học kỹ thuật; tham gia lập và thẩm định các dự án, phương án khoa học kĩ thuật; soạn thảo và chuyển giao công nghệ; phân tích giám định các loại tài nguyên, khoáng sản, hóa chất, nguyên liệu, thành phẩm; cung cấp các dịch vụ, tư vấn, giám sát, đánh giá tác động môi trường và công nghệ xử lý môi trường; thực hiện liên kết, hợp tác lĩnh vực nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, đầu tư trực tiếp và dịch vụ khoa học công nghệ với các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước; bồi dưỡng nâng cao trình độ, quản lý, điều hành sản xuất, kinh doanh và chuyên môn cho đội ngũ cán bộ khoa học công nghệ của ngành hóa chất; tổ chức đào tạo đại học, trên đại học, công nhân kỹ thuật phục vụ sản xuất kinh doanh chuyên ngành; tổ chức các hoạt động thông tin khoa học, công nghệ và kinh tế ngành hóa chất; trực tiếp kinh doanh xuất khẩu và nhập khẩu công nghệ, kỹ thuật mới, sản phẩm mới, vật tư, thiết bị, dây chuyền công nghệ hóa chất và các ngành công nghiệp khác.

Bám sát chức năng, nhiệm vụ của đơn vị và định hướng về phát triển nguồn lực khoa học Công nghệ của Đảng, Nhà nước, Viện hóa học Công nghiệp Việt Nam (Viện) nhận thức rõ vai trò của một đơn vị chuyên sâu về nghiên cứu khoa học và triển khai công nghệ. Trong nhiều năm qua Viện đã đưa ra các chiến lược định hướng và kiên trì quyết tâm thực hiện:

- Phát triển mạnh mẽ nghiên cứu và ứng dụng các thành tựu khoa học, công nghệ nhằm tạo đột phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả trong lĩnh vực ngành hóa chất.

- Đẩy mạnh chuyển giao công nghệ; khuyến khích cá nhân, tổ chức nước ngoài đầu tư cho khoa học, công nghệ, thu hút chuyên gia tham gia vào phát triển khoa học, công nghệ tại Viện.

- Chuyển các tổ chức nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ được hoạt động gần với cơ chế doanh nghiệp – tự chủ, tự chịu trách nhiệm dưới sự định hướng và quản lý chung của Viện.

- Phát triển mạnh thị trường khoa học và công nghệ như: chuyển giao công nghệ, nghiên cứu giải mã, làm chủ công nghệ được chuyển giao ở trong nước và ở ngoài nước. Tăng cường công tác bảo hộ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ đối với các sản phẩm khoa học công nghệ mới của đơn vị.

- Tăng cường đào tạo, thu hút, trọng dụng cán bộ khoa học và công nghệ, khơi dậy sức sáng tạo, nâng cao trách nhiệm và tôn trọng sự khác biệt trong nghiên cứu khoa học xã hội. Xây dựng chiến lược phát triển đội ngũ cán bộ khoa học, công nghệ, đào tạo và bồi dưỡng nhân tài.

- Phát triển một số sản phẩm khoa học và công nghệ nền tảng là thế mạnh trực tiếp góp phần giải quyết các vấn đề cấp bách, phù hợp với điều kiện, nguồn lực của đất nước. 

- Mở rộng hợp tác quốc tế về khoa học, công nghệ, tiếp nhận được khoa học công nghệ tiên tiến của thế giới, tận dụng “lợi thế của những nước đi sau” để tranh thủ tiếp cận những thành tựu từ bên ngoài, nhất là các quốc gia phát triển để thúc đẩy hoàn thiện và phát triển công nghệ mà mình đang triển khai.

- Các kết quả nghiên cứu khoa học công nghệ vẫn được triển khai áp dụng vào thực tiễn sản xuất, đem lại nguồn doanh thu chính cho Viện.

Trong tình hình khó khăn hiện nay, nhiều đối tác tiêu thụ sản phẩm truyền thống dần đi vào thoái trào, Viện đã kịp thời nghiên cứu đưa ra thị trường dòng sản phẩm mới có chất lượng tốt hơn, giá trị cao đáp ứng tiêu chí mới về chất lượng cũng như những quy định nghiêm ngặt về môi trường. Tạo hiệu quả sản xuất kinh doanh ổn định.

Các tập thể, cá nhân của Viện không ngừng có nhiều đóng góp sáng kiến, sáng tạo có ý nghĩa thiết thực trong thực tiễn, có thể áp dụng trực tiếp, áp dụng ngay mang lại hiệu quả đáng kể. 

Nhờ hoạt động nghiên cứu cải tiến công nghệ sản xuất, Viện đã quyết  tâm hoàn thiện môi trường sản xuất ngày càng xanh hơn và sạch hơn, không có chất thải gây ô nhiễm môi trường. Các quá trình sản xuất hầu như được tuần hoàn khép kín không có chất thải (rắn, lỏng, khí) ra môi trường.

Với những nỗ lực và quyết tâm cao của toàn thể đội ngũ lãnh đạo, cán bộ công nhân viên của Viện, nhiều năm qua Viện luôn là ngọn cờ đầu của Tập đoàn Hoá chất Việt Nam trong công tác khoa học và công nghệ. Đưa khoa học, công nghệ vào thực tiễn sản xuất, nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm, cải tạo quy trình sản xuất sạch, an toàn, môi trường sản xuất xanh, sạch. Luôn đáp ứng và giải quyết được những yêu cầu cấp bách đặt ra trong quá trình sản xuất và thị trường. 

Là một Viện nghiên cứu hoạt động theo cơ chế tự chủ, nguồn thu từ sản xuất kinh doanh, dịch vụ luôn ổn định và phát triển đã mang lại đời sống mới cho đội ngũ lao động trí thức, các nhà nghiên cứu, các nhà khoa học. Tạo động lực lớn để đội ngũ các nhà khoa học tích cực đóng góp, sáng tạo cho khoa học công nghệ.

Đội ngũ trí thức, khoa học và công nghệ Viện Hóa học Công nghiệp Việt Nam đã, đang và sẽ không ngừng hoàn thiện, phấn đấu vươn lên, đóng góp tích cực vào thành tựu chung của nền khoa học công nghệ và sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước./.