Tăng cường công tác kiểm tra giám sát đối với người đứng đầu cấp ủy gắn với thực hiện chủ trương nhất thể hóa chức danh lãnh đạo

Đảng bộ Viện Hóa học Công nghiệp Việt Nam
04:19 CH @ Thứ Hai - 11 Tháng Mười Một, 2024

Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đối với người đứng đầu cấp ủy gắn liền với thực hiện chủ trương nhất thể hóa chức danh lãnh đạo trong công tác cán bộ, trong mọi thời kỳ là công việc rất quan trọng.

Người đứng đầu cấp ủy là người định ra đường hướng, chiến lược phát triển của tổ chức; là người chỉ đạo, tổ chức triển khai mọi hoạt động của đảng bộ, chi bộ theo nghị quyết của đảng bộ, chi bộ; xây dựng môi trường dân chủ là nền tảng để tổ chức hoàn thành nhiệm vụ; lãnh đạo công tác giám sát việc thực hiện các nhiệm vụ của tổ chức.

Trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy là người chịu trách nhiệm cá nhân và trách nhiệm đứng đầu tập thể cấp ủy đối với toàn bộ hoạt động của tổ chức. Vai trò trách nhiệm của cá nhân rất lớn và vô cùng quan trọng, nó mang tính quyết định sự thành, bại đối với sự phát triển của, cơ quan, đơn vị. Hiện nay, trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy gắn liến với những hậu quả, những thiệt hại của tổ chức mà người đó đứng đầu ngay cả khi người đó không trực tiếp gây ra.

Tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách là nguyên tắc tổ chức, hoạt động của Đảng, do vậy, người đứng đầu cấp ủy luôn có vai trò, trách nhiệm hàng đầu trong công tác cán bộ, nhất là trong giai đoạn nhất thể hóa chức danh hiện nay. Trong thời gian vừa qua, một số người đứng đầu cấp ủy đã mắc những sai lầm nghiêm trọng trong công tác cán bộ. Đây cũng là vấn đề được Đảng và các cấp chính quyền đang đưa ra các giải pháp khắc phục đồng thời xây dựng các khung tiêu chuẩn trong công tác cán bộ.

Thực tế, việc tăng cường trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy khi nhất thể hóa chức danh trong công tác cán bộ đã được thực hiện ở các doanh nghiệp nhà nước, đơn vị sự  nghiệp, … Đây chính là thời điểm chủ trương này cần tích cực triển khai và cần được tổng kết và nghiên cứu một cách khoa học, kỹ lưỡng để rút kinh nghiệm. Trên cơ sở đó kịp thời bổ sung các chủ trương, chính sách, tạo môi trường thuận lợi cho việc phát triển của các đơn vị.

Góp bàn về tăng cường tác kiểm tra, giám sát người đứng đầu cấp ủy khi nhất thể hóa chức danh trong công tác cán bộ 

Việc nhất thể hóa chức danh người đứng đầu cấp ủy đã được triển khai rộng rãi như Bí thư đảng ủy là Giám đốc, Tổng giám đốc, Hiệu trưởng, Chủ tịch hội đồng thành viên, … Đây là chủ trương hoàn toàn đúng đắn, cấp thiết trong tình hình mới. Việc nhất thể hóa sẽ tạo nên sự nhất quán từ việc đưa ra chủ trương đường lối chính sách của cấp ủy đến việc tổ chức triển khai thực hiện của chính quyền. Để thực hiện được việc này đòi hỏi người đứng đầu cấp ủy, chính quyền không những có bản lĩnh chính trị, tư tưởng vững vàng mà còn phải có chuyên môn nghiệp vụ sâu, rộng.

Tuy nhiên việc thực hiện nhất thể hóa chức danh cần có những cơ chế, chính sách phù hợp và đủ mạnh, công tác kiểm tra, giám sát đa chiều để không tạo ra sự chuyên quyền, độc đoán, mất dân chủ, mất đoàn kết.

Một số giải pháp tăng cường công tác kiểm tra, giám sát người đứng đầu cấp ủy gắn liền với thực hiện chủ trương nhất thể hóa chức danh lãnh đạo trong công tác cán bộ

1- Nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ của cán bộ, đảng viên, người lao động.

Người lao động chính là nguồn để nuôi dưỡng và đào tạo cán bộ, người lao động có trình độ chuyên môn nghiệp vụ cao sẽ tạo ra nguồn dồi dào để phát triển. Gốc có bền thì cành lá mới sum suê, do đó nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho người lao động như là xây dựng bộ rễ của cái gốc. Từ những cán bộ có trình độ chuyên môn cao sẽ tuyển chọn, giáo dục và bồi dưỡng được những người ưu tú để đứng trong hàng ngũ của Đảng, từ đó sẽ lựa chọn được những con người có năng lực về chuyên môn nghiệp vụ và phẩm chất chính trị, đạo đức đảm nhiện vai trò lãnh đạo cấp ủy và chính quyền. Có trình độ chuyên môn mới xây dựng và tổ chức thực hiện được theo chủ trương đường lối chính sách của Đảng, từ đó mới kiểm tra giám sát được người đứng đầu cấp ủy, chính quyền.

Việc nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ được thực hiện bằng nhiều cách khác nhau như tuyển dụng cán bộ có trình độ chuyên môn nghiệp vụ cao; cử cán bộ đi học tập tại những cơ sở đào tạo, hoặc thuê chuyên gia, giảng viên có trình độ chuyên môn cao về hướng dẫn, bồi dưỡng, tập huấn ngay tại cơ sở, đưa cán bộ về cơ sở…

2- Nâng cao bản lĩnh chính trị của cán bộ đảng viên trong đơn vị, tổ chức

Bản lĩnh chính trị của người đảng viên trong chi bộ, đảng bộ cực kỳ quan trọng, có bản lĩnh chính trị vững vàng mới thực hiện được những công việc giám sát, kiểm tra, đề ra những chủ trương đúng mới đương đầu được trước những khó khăn, thử thách. Bản lĩnh chính trị có được từ thường xuyên giáo dục, bồi dưỡng kiến thức mọi mặt cho đội ngũ đảng viên. Xây dựng nền tảng vững chắc để đảng viên có nhận thức rõ ràng, đúng đắn về tình hình thực tế, về những khó khăn, thách thức đang đặt ra hiện nay đối với Đảng, đối với vai trò lãnh đạo của Đảng, đối với sứ mệnh của đảng viên. Đảng viên phải có đủ năng lực, trình độ, nắm bắt được tình hình, diễn biến tư tưởng của cán bộ, người lao động trong tổ chức đó, phải hiểu được những diễn biến, tác động những quan hệ ngầm hoặc công khai đã, đang và sẽ tác động đến nội dung công việc đang thực hiện, nắm bắt được dư luận cả trong và ngoài tổ chức về công việc để có biện pháp đối phó.

Đảng ta đang đẩy mạnh việc thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ và Kết luận 21-KL/TW ngày 25/10/2021gắn với việc thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Do đó toàn đảng viên cần thực hiện sự gương mẫu; tự tu dưỡng, tự bồi dưỡng, tự nâng cao trình độ bản lĩnh.

3- Thực hiện dân chủ, công khai, minh bạch trong việc thực hiện nhất thể hóa chức danh lãnh đạo

Vai trò giám sát cực kỳ quan trọng, để giám sát được người đứng đầu thì cần phải hiểu rõ những nội dung công việc người đứng đầu đang thực hiện và kết quả việc thực hiện đó. Để làm được điều này cần phải dân chủ, công khai, minh bạch từ công tác xây dựng chủ trương đường lối, chính sách đến công tác triển khai thực hiện. Từ công tác kiểm tra, giám sát để phát hiện, những khuyết điểm, những nội dung còn thiếu còn yếu từ đó kịp thời đưa ra hoặc đề xuất những cách xử lý, chấn chỉnh. Từ công tác kiểm tra, giám sát góp phần chủ động phòng ngừa, ngăn chặn việc thực hiện không theo chủ trương đường lối của người đứng đầu cấp ủy chính quyền đồng thời phát hiện và nêu gương những việc tốt.