Nỗ lực chống dịch COVID-19 của Ấn Độ bị cản trở vì thiếu hóa chất nhập khẩu

09:26 SA @ Thứ Sáu - 04 Tháng Mười Hai, 2020

Kế hoạch của Ấn Độ tăng cường xét nghiệm virut corona đang gặp trở ngại lớn do sự phụ thuộc vào nhập khẩu các bộ kít xét nghiệm cũng như hóa chất thuốc thử cho các bộ kit đó. Tình trạng này đã làm chậm tiến độ sản xuất các bộ kit xét nghiệm nội địa ở quy mô lớn.

Từ khi Ấn Độ ghi nhận ca nhiễm COVID-19 lần đầu tiên cuối tháng 1/2020, đến giữa tháng 5 số ca nhiễm virut đã lên đến trên 74.000, hơn 2400 người đã tử vong. Tuy số ca lây nhiễm như vậy ở đất nước 1,3 tỷ dân khá thấp so với Mỹ và một số nước châu âu, nhưng trên thực tế tỷ lệ xét nghiệm đã thực hiện cũng rất thấp - chỉ 1,3 xét nghiệm trên 1000 người dân, trong khi đó ở Anh là 22, ở Mỹ là 28 và ở Hàn Quốc là 13. Các chuyên gia y tế công cộng lo ngại sự lan truyền của dịch trong cộng đồng đang tăng mạnh ở Ấn Độ. Nếu dịch bùng phát ở các vùng nông thôn, cơ sở hạ tầng y tế công cộng yếu kém tại đó với năng lực xét nghiệm thấp sẽ bị quá tải.

Cùng với các biện pháp phong tỏa chặt chẽ áp dụng từ cuối tháng 3/2020, ban đầu Ấn Độ lập kế hoạch xét nghiệm theo 2 hướng: Sàng lọc quy mô lớn với xét nghiệm kháng thể nhanh, tiếp theo sẽ thực hiện xét nghiệm bằng phản ứng chuỗi polymerase với enzym phiên mã ngược (RT-PCR) rất nhạy và đặc trưng. Nhưng khi một số viện nghiên cứu được nhà nước tài trợ và các công ty nội địa bắt tay vào sản xuất hai loại kit xét nghiệm đó, người ta phát hiện thấy các bộ xét nghiệm kháng thể nhanh nhập khẩu từ Trung Quốc bị lỗi, do đó chúng đã bị chính phủ Ấn Độ quyết định ngừng sử dụng. Tình hình này khiến cho Ấn Độ càng phải phụ thuộc vào các xét nghiệm RT-PCR, chính phủ dự kiến sẽ thực hiện 100.000 xét nghiệm kiểu này mỗi ngày.

Sự phụ thuộc vào nhập khẩu

Dịch COVID-19 đã bộc lộ sự phụ thuộc của Ấn Độ vào hóa chất nhập khẩu để sản xuất các bộ kit xét nghiệm. Trong đó có những enzym đơn giản như glucose oxidase, peroxidaza và các bộ xét nghiệm miễn dịch để phát hiện các phản ứng kháng thể - kháng nguyên.
Trong trường hợp các bộ kit xét nghiệm COVID-19, một số enzym quan trọng và các nguyên liệu sinh học khác, thậm chí cả các dụng cụ nhựa như lọ đựng thuốc cũng đều được nhập khẩu từ Trung Quốc. Theo Hiệp hội Ngành dụng cụ y học Ấn Độ, quốc gia này phụ thuộc hơn 80% vào hàng nhập khẩu để sản xuất các bộ kit xét nghiệm.

Các chuyên gia y tế cho rằng, Ấn Độ có năng lực công nghệ để phát triển hoặc sản xuất những nguyên liệu như vậy, nhưng đã không tập trung triển khai và một số kết quả đạt được hiện nay không đáp ứng yêu cầu về chất lượng.

Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu y sinh tại Đại học Delhi cho biết, không công ty nào ở Ấn Độ sản xuất đủ hóa chất cho một bộ kit xét nghiệm dựa trên axit nucleic. Nhiều enzym cũng không có sẵn ở các công ty kinh doanh của Ấn Độ và cần phải được nhập khẩu, hóa chất bậc sinh học phân tử phải mua từ các công ty đa quốc gia.

Virut corona mới có thể sẽ tiếp tục lan truyền trong những năm tới, vì vậy cần phải có nguồn cung ổn định các bộ kit xét nghiệm PCR. Nhưng hiện tại Ấn Độ đang phụ thuộc vào các công ty nước ngoài về nguồn cung enzym và các bộ kiểm tra để tách vật liệu di truyền của virut. Do một số quốc gia khác cũng phải dựa vào nguồn cung hóa chất và enzym từ các công ty đó, nhu cầu đối với những sản phẩm như vậy rất cao và thời gian giao hàng dài hơn.

Một chuyên gia Viện Công nghệ Ấn Độ cho rằng, sự phụ thuộc của Ấn Độ vào hóa chất nhập khẩu để phát triển các bộ kit chẩn đoán là yếu tố hạn chế lớn nhất đối với kế hoạch xét nghiệm quy mô lớn trong nước. Sự phụ thuộc này đang dẫn đến hai hậu quả lớn, đó là thời gian để đưa hóa chất đến các phòng thí nghiệm trong nước thường rất lâu và chi phí xét nghiệm tăng cao.

HV
Theo ChemistryWorld, 5/2020