Bề mặt nhôm tự làm sạch

09:18 CH @ Thứ Hai - 04 Tháng Giêng, 2021

Một nhóm nghiên cứu tại Đại học Kỹ thuật Dresden và Viện Nghiên cứu kỹ thuật vật liệu Fraunhofer (Đức) đã xử lý một tấm nhôm bằng tia laze khiến cho các giọt nước có thể lăn trên bề mặt của nó và loại bỏ các hạt bụi bẩn mà hoàn toàn không cần sử dụng hóa chất tẩy rửa hoặc lực tác động bổ sung khác.

Từ vài năm nay, nhóm nghiên cứu nói trên đã nghiên cứu cách xử lý các bề mặt bằng quy trình sử dụng tia laze. Với phương pháp này, nay họ đã tạo ra những bề mặt với cấu trúc tuần hoàn, không chỉ có tính năng chống bám nước và băng mà còn có thể loại bỏ các hạt bụi bẩn chỉ nhờ các giọt chất lỏng lăn bên trên. Nhóm nghiên cứu đã tập trung nhiều vào vật liệu nhôm, vì đây là vật liệu được sử dụng rộng rãi trong nhiều ngành công nghiệp, từ sản xuất xe ôtô, máy bay cho đến ngành thực phẩm. Đặc biệt, việc sử dụng các hoá chất tẩy rửa trong ngành thực phẩm là vấn đề đáng lo ngại, vì chúng có thể gây nhiễm bẩn thực phẩm.

Để phân tích tác động tự làm sạch của các bề mặt nhôm, các nhà khoa học đã sử dụng một ống kính đặc biệt có khả năng quay phim các quá trình trên bề mặt với tốc độ 12.500 hình ảnh/giây. Một nhà khoa học trong nhóm cho biết, bằng cách đó họ có thể quan sát rõ các giọt nước loại bỏ bụi bẩn ra khỏi bề mặt nhôm như thế nào. Phương pháp này cũng rất thích hợp để hiểu các quá trình khác, như cắt và hàn bằng tia laze hoặc sản xuất các chất phụ gia.

LH
Theo Chemie.de, 5/2020