Công nghiệp hóa chất Đức dưới áp lực của dịch COVID-19

08:56 CH @ Thứ Hai - 04 Tháng Giêng, 2021

Sản xuất hóa chất giảm Công nghiệp hóa chất (CNHC) Đức là ngành sản xuất hóa chất lớn nhất EU, chiếm khoảng 32% tổng doanh thu hóa chất của EU trong năm 2018. Đây cũng là ngành công nghiệp lớn thứ ba tại Đức với nhiều công ty đa quốc gia nổi tiếng thế giới như BASF, Bayer, Evonik, Covestro, Lanzxess.

Quý I/2020, CNHC Đức đạt được hiệu quả sản xuất kinh doanh cao, nhưng sau đó đã phải hứng chịu gánh nặng của dịch COVID-19.

Trong những tháng đầu năm, dịch COVID-19 chỉ có tác động tương đối nhỏ đối với CNHC Đức. Nhưng từ tháng 3/2020 tăng trưởng kinh tế trong nước bắt đầu chậm lại, kéo theo nhu cầu hóa chất giảm. Trong tháng 3, sản lượng hóa chất/dược phẩm tại Đức giảm gần 1% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, sản lượng hóa chất tại Trung Quốc trong các tháng 1 và 2/2020 (thời kỳ đỉnh cao của làn sóng dịch COVID-19 lần thứ nhất) đã giảm 12%, sản lượng hóa chất tại Mỹ và Nhật Bản trong tháng 3 giảm 3,5% và 4% tương ứng so với cùng kỳ năm trước.

Do tác động của dịch COVID-19, GDP của Đức đã giảm 2,2% trong quý I/2020. Tiêu thụ cá nhân giảm, đầu tư vào thiết bị, máy tính và xe ôtô giảm, sản xuất công nghiệp trong nhiều lĩnh vực sụt giảm mạnh. Nhưng nhờ chính phủ tăng cường chi tiêu và đầu tư vào xây dựng nên GDP của Đức đã tránh được sự sụt giảm sâu hơn.

Trong quý I/2020, CNHC Đức cũng đạt kết quả hoạt động tốt hơn so với nhiều ngành công nghiệp khác trong nước. Sản lượng hóa chất (không kể dược phẩm) tăng 1,5% so với cùng kỳ năm trước và tăng 3,6% so với quý cuối cùng năm 2019. Nhu cầu cao đối với các sản phẩm vệ sinh và vật liệu bao bì là động lực thúc đẩy sự gia tăng sản lượng hóa chất những tháng đầu năm.

Sự suy giảm sản lượng hóa chất trong tháng 3 phản ánh sự giảm mạnh của tỷ lệ vận hành công suất ở các nhà máy hóa chất Đức, từ trung bình 83% trong năm 2019 xuống chỉ còn 80,7%. Đây là mức thấp nhất kể từ khi xảy ra cuộc Đại khủng hoảng kinh tế 1929-1939. Những con số này thể hiện sự suy giảm sản lượng của các ngành sản xuất xe ôtô và kỹ thuật cơ khí. Trong khi đó, những ngành khác như điện, kim loại, chất dẻo cũng đứng trước sự sụt giảm mạnh của sản lượng.

Doanh số hóa chất/dược phẩm của Đức trong quý I/2020 tăng nhẹ 0,6%, đạt 49,5 tỷ Euro so với quý IV/2019, chủ yếu là nhờ hiệu quả cao đã đạt được trong hai tháng đầu năm. Nhưng do kim ngạch xuất khẩu đến hầu hết tất cả các khu vực đều giảm nên doanh số này thấp hơn 1% so với cùng kỳ năm trước. Xuất khẩu hóa chất của Đức đến châu Mỹ La tinh và châu Á giảm mạnh, xuất khẩu đến EU và Mỹ bắt đầu giảm từ tháng 3/2020.

Triển vọng phục hồi

Trong báo cáo tài chính mới đây, Hiệp hội CNHC Đức (VCI) dự báo sản lượng hóa chất của nước này trong năm 2020 sẽ giảm 3%, doanh số hóa chất giảm 6% do tác động của dịch COVID-19.

Theo VCI, CNHC Đức có thể trở về trạng thái bình thường trong vòng 1 năm, sớm hơn các lĩnh vực sản xuất công nghiệp khác.
Kết quả một cuộc khảo mới đây cũng cho thấy, các doanh nghiệp hóa chất Đức dự kiến sẽ trở về hoạt động bình thường sau 8 tháng. Trong khi đó, các công ty trong các ngành công nghiệp khác của Đức dự kiến sẽ trở về hoạt động bình thường sau 11 tháng.

Bất chấp những tác động tiêu cực của dịch COVID-19, VCI nhận thấy có những lý do để lạc quan: Những trường hợp đứt đoạn sản xuất do tác động của dịch đã giảm dần, nhu cầu trong nước và quốc tế đang có những dấu hiệu tăng nhẹ. Chủ tịch VCI cho biết, họ đã nhìn thấy những dấu hiệu ban đầu về sự phục hồi của CNHC Đức.

VCI đã công bố một bản dự thảo kiến nghị, kêu gọi các nhà lãnh đạo Đức và EU tiến hành các biện pháp khởi động lại nền kinh tế với mục đích đưa các quốc gia thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng do dịch COVID-19. Theo VCI, hầu hết tất cả các quốc gia trên thế giới đang phải trải qua suy thoái kinh tế chưa từng có tiền lệ. Để có thể vượt qua cuộc khủng hoảng này, chính phủ Đức và EU cần đưa ra những tín hiệu hỗ trợ mạnh mẽ cho một sự khởi đầu hoàn toàn mới. VCI cho rằng, các nhà lãnh đạo chính trị cần giảm xuống tối thiểu những đòi hỏi và quy định không cần thiết, nắm lấy những cơ hội sinh ra trên nền tảng của tinh thần doanh nhân, tạo dựng cơ sở hạ tầng cần thiết, khuyến khích thúc đẩy những hoạt động nghiên cứu và phát triển vì tương lai bền vững.

LH
Theo Chemweek, 6/2020