VINACHEM nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng vốn Nhà nước

09:06 CH @ Thứ Hai - 04 Tháng Giêng, 2021

Tập đoàn Công nghiệp Hóa chất Việt Nam (Vinachem) là tổ hợp doanh nghiệp hoạt động theo mô hình Công ty mẹ - Công ty con. Trong đó, Công ty mẹ - Tập đoàn Hóa chất Việt Nam - do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ. Công ty mẹ - Tập đoàn giữ quyền chi phối các công ty con và có phần vốn góp ở các công ty liên kết, công ty liên doanh; thông qua quyền chi phối chỉ đạo công tác nhân sự chủ chốt, công tác kế hoạch để định hướng hoạt động của công ty con theo kế hoạch và chiến lược phát triển của Tập đoàn, chỉ đạo xây dựng kế hoạch và thực hiện nhiệm vụ sản xuất kinh doanh, cung cấp các dịch vụ nghiên cứu, tư vấn, đào tạo phục vụ cho ngành công nghiệp hoá chất...

Trong những năm vừa qua, dưới sự chỉ đạo của Ban Chấp hành Đảng bộ, Ban Thường vụ Đảng ủy, hoạt động quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại Vinachem có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, vừa nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại Công ty mẹ - Tập đoàn và các doanh nghiệp thành viên, vừa đảm bảo tính chủ động, tự chịu trách nhiệm trong hoạt động điều hành, quản lý vốn đầu tư của Tập đoàn tại các doanh nghiệp thành viên theo đúng quy định.

Theo đó, giai đoạn 2016 - 2019 hiệu quả đầu tư vốn tại các doanh nghiệp phân chia theo nhóm, ngành (không bao gồm các đơn vị thuộc Đề án 1468) như sau: Tổng vốn đầu tư bình quân của Tập đoàn tại các doanh nghiệp thành viên cả giai đoạn là 5.520 tỷ đồng; tổng cổ tức, lợi nhuận thu về Tập đoàn là 2.880 tỷ đồng; tỷ suất sinh lợi trên vốn đầu tư bình quân (tỷ suất sinh lợi) cả giai đoạn là 13%. Tốc độ tăng trưởng tỷ suất sinh lợi bình quân ở một số nhóm ngành tăng (nhóm ngành Pin ắc quy tăng 17,5%; nhóm ngành Hóa chất - Khí công nghiệp tăng 19%); các nhóm ngành có tốc độ tăng trưởng tỷ suất sinh lời giảm dần qua các năm tập trung chủ yếu vào nhóm ngành khai thác khoáng sản và phân bón. Đối với các đơn vị thuộc Đề án 1468: Tổng vốn đầu tư của Tập đoàn tại các doanh nghiệp bình quân cả giai đoạn là 6.709 tỷ đồng (chiếm 54,86% tổng vốn đầu tư của Tập đoàn), các đơn vị hoạt động kém hiệu quả, không đạt được kế hoạch như Đề án đặt ra.

Trong giai đoạn này, một số nhóm ngành sản xuất có tốc độ tăng trưởng lợi nhuận bình quân cho cả giai đoạn cao (nhóm ngành pin ắcquy 15,7%; hóa chất - khí công nghiệp 21,5%), các nhóm ngành còn lại có xu thế tăng trưởng giảm dần qua các năm. Các năm 2016, 2017, 2019, Công ty mẹ - Tập đoàn gặp nhiều khó khăn và bị lỗ. Riêng năm 2018, Công ty mẹ - Tập đoàn có lãi 161 tỷ đồng. Tổng số lỗ lũy kế đến 31/12/2019 là 1.844 tỷ đồng.

Bên cạnh một số kết quả đạt được như trên, hoạt động quản lý, sử dụng vốn nhà nước ở Vinachem vẫn còn những hạn chế, tồn tại nhất định do các nguyên nhân chủ quan và khách quan như: Điều kiện hoạt động sản xuất kinh doanh của Tập đoàn và các doanh nghiệp có vốn góp của Tập đoàn ngày càng khó khăn; Tập đoàn phải trích lập dự phòng nên tổn thất khoản đầu tư dài hạn; việc tiếp cận vốn thương mại phục vụ sản xuất kinh doanh của các đơn vị thuộc Đề án 1468 của Chính phủ gặp rất nhiều khó khăn; công tác thoái vốn theo Đề án tái cơ cấu Tập đoàn giai đoạn 2017 - 2020 nảy sinh bất cập, vướng mắc. Ngoài ra, giai đoạn từ năm 2018 trở lại đây tình hình thị trường vốn và thị trường chứng khoán diễn biến kém tích cực, xu thế chuyển dịch vốn giữa các thị trường trong nước và quốc tế phức tạp, các nhà đầu tư (bao gồm các tổ chức và cá nhân) thận trọng hơn trong các quyết định đầu tư, dẫn đến kết quả thoái vốn của Tập đoàn tại các doanh nghiệp không đạt được như kế hoạch đề ra.

Để việc quản lý, sử dụng nguồn vốn nhà nước đầu tư tại Tập đoàn có hiệu quả hơn nữa, trong thời gian tới Vinachem sẽ tập trung vào một số giải pháp cụ thể sau:

- Tiếp tục làm việc, đề nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền sớm ban hành Quy chế tài chính của Công ty mẹ - Tập đoàn để làm cơ sở thực hiện và hoàn thiện hệ thống các văn bản quản lý nội bộ của Tập đoàn trong lĩnh vực tài chính - kế toán; Tiếp tục chỉ đạo và có giải pháp hiệu quả để rà soát, cập nhật, hoàn thiện các quy chế của Tập đoàn trong hoạt động quản lý tài sản, nguồn vốn…
- Thực hiện linh hoạt các giải pháp cân đối vốn, đầu tư và bổ sung vốn điều lệ, huy động vốn vay tại Công ty mẹ - Tập đoàn và tại các doanh nghiệp thành viên. Xây dựng phương án trình các cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt vốn điều lệ cho Công ty mẹ - Tập đoàn nhằm đảm bảo đáp ứng nhu cầu vốn cho hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh của Tập đoàn giai đoạn 2021 - 2025.

- Xây dựng hệ thống quản lý, cảnh báo rủi ro, cảnh báo các dấu hiệu mất an toàn về tài chính tại các đơn vị trong toàn Tập đoàn;

- Tăng cường công tác giám sát thường xuyên, định kỳ, đánh giá hiệu quả vốn đầu tư, cân đối, huy động và giải ngân nguồn vốn đầu tư và hoạt động sản xuất kinh doanh tại các doanh nghiệp thành viên thông qua người đại diện phần vốn của Tập đoàn. Trong đó, ưu tiên tập trung xử lý các khoản đầu tư, tài sản ứ đọng, hoạt động không hiệu quả, khả năng sinh lời thấp để thu hồi và nâng cao hiệu quả sử dụng vốn;

- Rà soát, đánh giá việc thực hiện Đề án tái cơ cấu Tập đoàn đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; Chủ động xây dựng Đề án tái cơ cấu Tập đoàn giai đoạn 2021-2025 và trình Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành để định hướng hoạt động và cụ thể hóa mục tiêu phát triển Tập đoàn. Xây dựng Chiến lược phát triển đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030, phù hợp với chiến lược phát triển ngành, nhu cầu của thị trường, khả năng cân đối và giải pháp về vốn đầu tư cho cả giai đoạn.

-Tiếp tục chỉ đạo, lãnh đạo công tác tuyển dụng, đào tạo cán bộ làm công tác tài chính, kế toán, đầu tư,... có năng lực, có trình độ chuyên môn cao trong toàn Tập đoàn.

- Chỉ đạo, tổ chức nghiên cứu các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mà Việt Nam đã và sẽ tham gia nhằm chủ động xây dựng các chiến lược kinh doanh, phát triển sản xuất. Bên cạnh đó, cần có lộ trình thích nghi, thay đổi phù hợp, trang bị các kiến thức, quy tắc ứng xử khi tham gia thị trường thương mại quốc tế trong giai đoạn mới, đặc biệt là khi hiện nay các nước đang có xu thế gia tăng các biện pháp hạn chế và phòng vệ thương mại (như chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ, chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại…).

- Xây dựng hệ thống kế toán quản trị trên cơ sở ứng dụng các giải pháp, nền tảng công nghệ thông tin hiện đại, có khả năng áp dụng, xử lý thông tin thống nhất và tương thích với mô hình, đặc thù hoạt động tại Công ty mẹ - Tập đoàn và tại các doanh nghiệp thành viên trong toàn Tập đoàn.

Theo báo cáo tham luận của Ban Tài chính kế toán