Cuộc chạy đua tìm kiếm vắc-xin chống virut Corona

02:47 CH @ Thứ Ba - 23 Tháng Sáu, 2020

Đầu tháng 1/2020, các nhà khoa học Trung Quốc công bố thông tin di truyền của virut corona mới - virut gây ra căn bệnh tương tự hội chứng suy hô hấp cấp (SARS) tại thành phố Vũ Hán. Viện Nghiên cứu vắc-xin thuộc Viện y tế quốc gia Mỹ (NIH) ngay lập tức bắt tay vào việc phát triển vắc-xin mới.

Sau khi dịch SARS bùng phát năm 2003, phải mất 20 tháng từ khi bộ gen virut được công bố cho đến khi các nhà khoa học tìm được vắc-xin để tiến hành thử nghiệm ở người. Thời gian này đối với dịch sốt do virut Zika là 6 tháng. Nay các nhà khoa học tại NIH cố gắng phát triển vắc-xin để thử nghiệm ở người trong thời gian 3 đến 6 tháng. Cuộc chạy đua bắt đầu.

Nhóm nghiên cứu tại NIH đã lấy mẫu vắc-xin SARS và hoán đổi một lượng mã đủ lớn từ virut corona mới để phát triển vắc-xin. Với những kinh nghiệm đã có được từ dịch SARS, các nhà nghiên cứu biết cần phải chọn phần nào của virut để tạo ra kháng nguyên - một dạng cờ đỏ báo hiệu cho hệ miễn dịch. Kháng nguyên tổng hợp đó sẽ kích thích cơ thể tạo ra kháng thể chống virut.

Theo nhà virut học Vincet Menachry tại Đại học Y Texas (Mỹ), vắc-xin mới sẽ nhắm vào mục tiêu là protein gai nhọn của virut. Các protein gai nhọn nằm rải rác trên bề mặt virut, chúng gắn kết với thụ thể (ACE2) trên tế bào phổi của người, tương tự như chìa khóa cắm vào ổ khóa. Phát triển những kháng thể gắn kết vào protein gai nhọn là một phương pháp ngăn không cho virut thâm nhập tế bào của con người.

Công ty công nghệ sinh học Moderna tại Cambridge, Massachusetts (Mỹ), có kế hoạch sử dụng thông tin di truyền của virut để tạo ra RNA thông tin (mRNA) mang công thức chế tạo protein bên trong tế bào con người, chuyển chúng thành những “xưởng” sản xuất kháng nguyên cho vắc-xin. Công ty Moderna đã có vắc-xin chứa mRNA để sử dụng chống virut hợp bào gây nhiễm trùng đường hô hấp, virut Zika và virut cúm H7N9 trong các thử nghiệm lâm sàng. Mới đây, Công ty đã bắt đầu thử nghiệm giai đoạn 2 đối với vắc-xin chống virut cytomegalo gây viêm phổi.

Hai công ty khác cũng đang tìm kiếm vắc-xin chống virut corona mới là Inovio và Johnson&Johnson.

Công ty Inovio tại Pennsylvania (Mỹ) đã nhận được số tiền tài trợ 9 triệu USD từ Liên minh phòng chống dịch bệnh (CEPI) và đã công bố sẽ thử nghiệm vắc-xin DNA tại Trung Quốc. Năm 2019, Inovio đã công bố kết quả tích cực từ thử nghiệm vắc-xin DNA đầu tiên ở người để phòng chống virut corona MERS. Đây là vắc-xin plasmit biểu hiện protein gai nhọn của virut MERS. Plasmit đi vào tế bào tiếp nhận sau khi chúng bị tác động bởi xung điện ngắn thông qua một dụng cụ y tế đặc biệt. Vắc-xin phòng chống virut COVID-19 cũng sẽ hoạt động tương tự.

Theo các chuyên gia tại Đại học Y Baylor, Houston (Texas, Mỹ), ưu điểm của phương pháp sử dụng mRNA và DNA là chúng ta có thể nhanh chóng chuyển sang giai đoạn sản xuất vắc-xin, nhưng nhược điểm là từ trước đến nay chưa có vắc-xin DNA hoặc RNA nào được cấp phép. Trước đây, những ứng viên vắc-xin tiềm năng này đã không được chuyển đổi thành công từ nghiên cứu ở chuột thí nghiệm sang nghiên cứu ở người. Tuy nhiên, các công ty cho rằng họ có thể vượt qua được những trở ngại như vậy.

Nhóm nghiên cứu tại Đại học Y Baylor đã phát triển vắc-xin SARS dựa trên một phần nhỏ của protein gai nhọn gắn kết vào thụ thể của tế bào chủ. Nhưng họ cho biết sẽ mất một thời gian trước khi có thể mở rộng quy mô sản xuất vắc-xin và sẽ cần phải sử dụng chuỗi bảo quản lạnh. Các nhà khoa học tai Đại học Y Baylor dự định thử nghiệm hiệu quả của vắc-xin chống virut SARS ở những bệnh nhân nhiễm virut corona mới, đồng thời sẽ phát triển song song vắc-xin tái tổ hợp tương tự để phòng chống virut này.

Công ty Johnson & Johnson công bố sẽ sử dụng công nghệ Adenovirut, đây là phương pháp tương tự phương pháp mà Công ty đã áp dụng cho vắc-xin chống virut Ebola, hiện đang được triển khai áp dụng tại Công-gô và Ruanda. Nhưng theo Johnson & Johnson, sẽ phải mất 12 tháng trước khi vắc-xin này có thể đạt đến giai đoạn thử nghiệm lâm sàng.

Liên minh phòng chống dịch bệnh CEPI cũng hỗ trợ các nhà khoa học tại Đại học Queensland, ôxtrâylia, phát triển phương pháp “kẹp phân tử”. Trong phương pháp này, protein bề mặt của virut sẽ được tạo ra, chúng gắn vào tế bào trong quá trình lây nhiễm, kẹp tế bào thành những hình dạng nhất định, nhờ đó giúp cho hệ miễn dịch dễ dàng nhận biết kháng nguyên thích hợp. Phương pháp này đã bảo vệ động vật thí nghiệm trước virut Ebola và virut cúm.

Nhà virut học Vincet Menachry cho rằng, nhắm vào mục tiêu protein gai nhọn trong virut corona là việc tương đối dễ dàng, nhưng trở ngại lớn sẽ là thử nghiệm ở người. Đó cũng sẽ là bước chậm nhất trong quá trình phát triển vắc-xin. Nhà nghiên cứu này dự kiến vắc-xin mới có thể được bắt đầu sử dụng ở con người từ mùa hè năm nay, nhưng việc sử dụng vắc-xin ở phạm vi rộng đòi hỏi phải tiến hành nhiều thử nghiệm hơn nữa. Thời gian thông thường để vắc-xin có thể được sử dụng rộng rãi là hơn 1 năm, nhưng với dịch bệnh đang bùng phát như hiện nay quá trình thực hiện có thể sẽ nhanh hơn.

Theo một nhà khoa học tại Đại học Caen, Pháp, chúng ta sẽ chỉ có được vắc-xin sau khi virut corona đã hoàn thành quá trình lây truyền trên khắp thế giới. Nhưng trong thời gian đó, virut sẽ biến đổi rất nhiều và không thể biết chắc chắn liệu vắc-xin đã phát triển có còn hữu ích nữa hay không. Phát triển vắc-xin là việc cần thiết, nhưng khó có thể dự báo hiệu quả của vắc-xin trong tương lai.

LH

Theo Chemistry & Industry, 2/2020