Nhãn gắn trên bao bì giúp tiết kiệm thực phẩm

10:17 SA @ Thứ Ba - 10 Tháng Mười Một, 2020

Theo thống kêcủa Liên hợp quốc, năm 2018 khoảng 821 triệu người trên toàn thế giới nằm trong diện thiếu ăn trầm trọng, đối với họ việc có đủ thức ăn mỗi ngày dường như là sự xa xỉ. Trong khi đó, ngườidân ở các nước phát triển vứt bỏ mỗi năm7 triệu tấn thức ăn và đồ uống (19% tổng lượng mua).

Mỗi năm,Ôxtrâylia lãng phí khoảng 5,2 tỷ đôla vì thức ăn thừa, nhiều hơn cả ngân sách dành cho quốc phòng. Tương tự, ở Mỹ thực phẩm là loại rác thải chiếm tỉ lệ cao nhất tại hầu khắp các thành phố. Còn tại Anh, chỉ riêng năm 2018 các hộ gia đình đã vứt bỏ 6,6 triệu tấn thực phẩm. Mặc dù vậy, hai phần ba (4,5 triệu tấn) trong số thực phẩm bị bỏ đi này vẫn có thểsử dụng được. Đây là sự lãng phí không cần thiết với tổng số tiền lên đến 14 tỉ bảng Anh, hoặc trung bình 700 bảng đối với một gia đình trung bình.

Có nhiều lý do khiến cho thực phẩm bị vứt bỏ, ví dụ các lý do về sức khỏe, mua lượng lớn thực phẩm dễ hỏng, món ăn khônghợp khẩu vị,....Nhiều người cũng vứt bỏ thực phẩm vì hết hạn sử dụng ghi trên bao bì. Nhưng thường thì việc đó là không cần thiết: Hạn sử dụng thật ra không phải là một quy tắc nghiêm ngặt, nó thường được tính theo chất lượng hơn là sự an toàn thực tế của thực phẩm. Nếu được bảo quản đúng, sau khi hết hạn sử dụng thực phẩm vẫn có thể được sử dụng thêm nhiều ngày( ví dụ bánh mì), nhiều tuần (táo, khoai tây chiên), nhiều tháng (bánh quy và ngũ cốc), hoặc thậm chí nhiều năm (mì sợi khô, thực phẩm đóng hộp).

Dựa trên kinh nghiệm thông thường, chẳng hạn qua mùi vị hoặc màu sắc, chúng ta có thể phán đoán thực phẩm có bị hỏng hay không. Nhưng nay một nhãn gắn nhạy nhiệt do Công ty khởi nghiệp Mimica tại London (Anh) mới sáng chế sẽ giúp chúng ta xác định rõ ràng mà không cần phỏng đoán.

Nhãn gắn của Mimica dùng để xác định độ tươi của thực phẩm và được gắn kín vào lỗ nhỏ trên bao bì thực phẩm hoặc nắp chai đồ uống. Đây là kiểu thiết kế đơn giản, một mặt của nhãn gắn này được quết chất keo đáp ứng sinh học, có khả năng phản ứng ở tốc độ không đổi với thực phẩm hỏng. Sau khi quết keo, các nhà sáng chế bổ sung một chất hoạt hóa có khả năng phản ứng với keo và phá vỡ cấu trúc của keo, dần dần biến đổi nó từ chất rắn thành chất lỏng dưới tác động của thực phẩm hỏng.

Giám đốc Công ty Mimica cho biết, nếu chúng ta sờ tay lên nhãn gắn thấy nó trơn tru thì thực phẩm vẫn tốt và có thể dùng được. Nhưng nếu khi sờ tay cảm thấy gồ ghề, không bằng phẳng, thì không nên sử dụng thực phẩm đó nữa. Mặt không gắn keo của nhãn gắn luôn trơn nhẵn, vì vậy người tiêu dùng sẽ nhận biết rõ ràng khi mặt bên kia trở nên gồ ghề.

Chất keo được sử dụng là polyme hydrocolloit dẫn xuất từ polysacarit. Nó có thể được điều chỉnh bằng cách thay đổi các thành phần cho tương xứng với tốc độ hỏng của từng loại thực phẩm cụ thể. Nó cũng đáp ứng với nhiệt độ, phân hủy nhanh hơn nếu thực phẩm được để ở nhiệt độ phòng mà không bảo quản trong tủ lạnh.

Bằng cách đó, nhãn gắn có tính đến điều kiện bảo quản thực phẩm. Một trong những lý do khiến cho các nhà sản xuất thường quá cẩn thận khi dự kiến ngày hết hạn của thực phẩm là họ dựa trên tình huống bảo quản xấu nhất, mặc dù phần lớn chúng ta thường bảo quản thực phẩm ở điều kiện tốt nhất.

Sản phẩm của Công ty Mimica không phải là nhãn gắn nhạy nhiệt đầu tiên trên thị trường. Ví dụ, năm 2017 chuỗi siêu thị Sainsbury đã cho ra mắt nhãn gắn thông minh trên bao bì thực phẩm, nó có thể đổi màu từ vàng sang tía tùy theo thời gian và nhiệt độ sau khi túi thực phẩm được mở ra. Nhưng sản phẩm của Mimica là sản phẩm đầu tiên hoạt động dựa trên xúc giác của người tiêu dùng.

Mỗi nhãn gắn của Mimica chỉ có thể sử dụng được một lần, nhưng có thể được tái chế hoàn toàn. Giá mỗi sản phẩm là 1 penny nên có thể dễ dàng được người tiêu dùng chấp nhận.Công ty Mimica đã thử nghiệm nhãn gắn này ở một số công ty thực phẩm, kể cả nhà sản xuất sữa Arla, và sẽ sớm đưa ra thị trường châu âu sau vài tháng.

HV, theo Chemistry World 7-2020