Dịch COVID-19 bộc lộ những bất cập trong chuỗi cung ứng dược phẩm trên thế giới

10:15 SA @ Thứ Ba - 30 Tháng Ba, 2021

Khi các biện pháp phong toả vì dịch COVID-19 được công bố vào tháng 3-2020, nhiều người dân châu âu đã hoảng loạn, chen lấn mua giấy vệ sinh, bột mì và mì sợi trong các cửa hàng, siêu thị. Nhiều hàng dài người dân đứng chờ trước các hiệu thuốc, các quầy thuốc paracetamol trở nên trống rỗng, người ta tranh nhau mua vì lo sợ sẽ không còn hàng. Vấn đề khan hiếm paracetamol càng trở nên trầm trọng hơn, khi từ tháng 3 chính phủ Ấn Độ quyết định cấm xuất khẩu một số dược phẩm, trong đó có paracetamol.

Trước đó, trong tháng 2/2020 tại Nhật Bản đã xảy ra cảnh tượng ẩu đả giữa những người xếp hàng mua khẩu trang, mà nguyên nhân chính là do mặt hàng này đang trở nên khan hiếm giữa bối cảnh dịch COVID - 19 lây lan liên tục với diễn biến khó lường. Nhu cầu về khẩu trang y tế đã vượt quá khả năng cung cấp của các cửa hàng dược phẩm và cửa hàng tiện lợi tại Nhật Bản. Nhiều người dân thậm chí còn túc trực ngày đêm bên ngoài các cửa hàng để mong mua được những chiếc khẩu trang mới nhập về.

Những hiện tượng trên cho thấy phần nào thực trạng đáng báo động của chuỗi cung ứng dược phẩm và thiết bị y tế trên thế giới hiện nay.

Sự đứt gãy của chuỗi cung ứng dược phẩm

Dịch COVID-19 đã tạo ra một cơn bão quét qua chuỗi cung ứng, việc tiếp cận các sản phẩm y dược bỗng trở nên rất khó khăn, hơn nữa có nhiều lo ngại về năng lực vận chuyển hàng không, máy bay của các hãng hàng không ở nhiều nước đã không thể cất cánh trong bối cảnh các biện pháp phong toả vì dịch.

Trước đó, Hội đồng Công nghiệp hóa chất châu âu (CEFIC) đã nhận thức về khả năng xảy ra một thảm hoạ, có thể dẫn đến những trục trặc lớn trong chuỗi cung ứng dược phẩm. Giám đốc Bộ phận Hóa chất chuyên dụng của CEFIC cho biết, các thành viên của tổ chức đã cảnh báo từ cách đó 2 năm về những vấn đề bắt nguồn từ Trung Quốc, khi một số khu công nghiệp bị đóng cửa hoàn toàn vì chính phủ Trung Quốc thực hiện một kế hoạch bảo vệ môi trường quy mô lớn.

Đại dịch COVID-19 xảy ra đã ảnh hưởng trước tiên đến Trung Quốc, nơi những lượng lớn thành phần hoạt tính dược phẩm (API) được sản xuất. Tiếp theo sau đó là lệnh cấm xuất khẩu thuốc của Ấn Độ khi số ca nhiễm virut tại quốc gia này liên tục tăng đến mức báo động. Những khó khăn trong việc tìm mua các loại thuốc cấp cứu cũng xuất hiện, một phần do một số quốc gia bắt đầu tích trữ dược phẩm cho mục đích dự phòng.

Trong nền kinh tế toàn cầu và hội nhập đa phương, nhiều thành phần dùng cho sản xuất dược phẩm được cung cấp từ khắp các nơi trên thế giới. Nhưng khi Trung Quốc từ lâu đã đóng vai trò là nhà cung ứng quy mô lớn nhiều loại hoạt chất dược phẩm và tá dược, những ảnh hưởng của dịch COVID-19 đối với tình hình sản xuất dược phẩm trên thế giới rõ ràng trở nên rất đáng lo ngại. Chủ tịch một công ty dược phẩm tại Hà Lan cho biết, toàn bộ ngành dược của châu âu đều liên quan tới Trung Quốc, dù bằng cách này hay cách khác.

Tuy ngành dược phẩm châu âu đã cố gắng tìm cách giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc, nhưng việc tăng tốc sản xuất API trong thời gian ngắn không phải là điều dễ dàng, đặc biệt là nếu không có đơn đặt hàng cụ thể để bảo đảm chi phí sản xuất sẽ được bù đắp. Ngoài ra, các quy định pháp lý cũng gây ra những trở ngại không nhỏ.

Mô hình chuỗi cung ứng hiện nay

Mô hình chuỗi cung ứng dược phẩm hiện nay là những chuỗi cung ứng dài, trải rộng qua nhiều quốc gia. Tuy nhiên, mô hình này đang có nhiều vấn đề. Vì vậy, tháng 4-2020 các chuyên gia tại Đại học Sussex, Anh, đã khuyến cáo chính phủ nước này phát triển một chuỗi cung ứng song song. Ý tưởng của họ là xây dựng hệ thống sản xuất dược phẩm trong nước cho những loại thuốc quan trọng, chiếm khoảng 20% danh mục thuốc, phần còn lại sẽ khai thác ở nước ngoài. Hệ thống như vậy sẽ cho phép tăng công suất sản xuất nội địa trong một thời gian ngắn nếu xảy ra khủng hoảng.

Nhưng cách làm như vậy sẽ đòi hỏi sự thay đổi cơ bản trong tư duy của các công ty dược phẩm. Mục tiêu ở đây là tiết kiệm chi phí và giữ cho chi phí sản xuất ở mức thấp nhất có thể, hay là xây dựng năng lực sản xuất linh hoạt trong chuỗi cung ứng để đáp ứng nhu cầu một cách nhanh chóng khi cần? Hiện nay, sản xuất dược phẩm trên thế giới tập trung mạnh ở Trung Quốc và Ấn Độ nên tạo ra rất nhiều rủi ro. Nếu các công ty dược phẩm không bắt đầu mở rộng cơ sở sản xuất, những vấn đề tương tự sẽ lại tái diễn.

Giám đốc Học viện Y học tại Đại học Virginia (Mỹ) cho biết, khi tiến hành một cuộc khảo sát các vấn đề của chuỗi cung ứng dược phẩm tại Mỹ họ đã nhận thấy rất nhiều bất cập. Hàng trăm loại thuốc bị thiếu, cho dù khi đó chưa xảy ra dịch COVID-19.

Đưa sản xuất trở về nước

Trên thực tế, hiện cũng đã có một số nhà sản xuất API tại châu âu, nhưng họ phải phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu từ châu Á. Đó là vấn đề nan giải hiện nay. Các loại thuốc gốc bị ảnh hưởng nhiều hơn, vì phần lớn API đều được nhập khẩu từ Trung Quốc.

Các chuyên gia trong ngành dược phẩm cho rằng, trong bối cảnh các công nghệ sản xuất hiện đại ngày nay thì việc đưa sản xuất trở về nước có thể là giải pháp cho những vấn đề nêu trên của chuỗi cung ứng dược phẩm.

Trước đây, các quá trình sản xuất theo mẻ và sử dụng nhiều nhân công đã được dịch chuyển sang những nước có chi phí nhân công thấp như Ấn Độ và Trung Quốc. Nhưng ngày nay các quá trình sản xuất liên tục đang ngày càng được tự động hóa và sử dụng ít nhân công hơn nhiều. Tuy quá trình chuyển đổi đòi hỏi phải thiết kế lại dây chuyền sản xuất và trong ngắn hạn các nhà sản xuất sẽ phải sử dụng quá trình sản xuất mẻ để lấp chỗ trống, nhưng về dài hạn những dây chuyền sản xuất mới sẽ có năng lực cạnh tranh cao hơn nhiều. Mặt khác, đưa sản xuất trở về nước cũng là cơ hội để thực hiện việc giảm thiểu phế thải trong sản xuất.

Mỹ không đơn độc trong mong muốn đưa hoạt động sản xuất dược phẩm trở về nước. Tương tự như châu âu, chỉ có khoảng 25% cơ sở sản xuất API của các công ty thuộc Hiệp hội Thương mại dược phẩm Mỹ hiện nằm ở Mỹ, các cơ sở còn lại phân tán trên khắp địa cầu.

Mặc dù vậy, mục tiêu đưa sản xuất trở về nước sẽ không thể được thực hiện trong thời gian ngắn. Một nhà máy dược phẩm mới cần phải trải qua quy trình làm thủ tục xin cấp phép, sau đó quá trình xây dựng và đưa vào vận hành cũng sẽ mất nhiều năm.

Các quá trình sản xuất dược phẩm sẽ không được đưa trở về nước ở dạng hiện nay, vì công nghệ áp dụng cho những cơ sở được thành lập ở nước ngoài cách đây 20 năm đã trở nên lạc hậu, nhất là theo tiêu chuẩn môi trường. Các doanh nghiệp dược phẩm cần tận dụng cơ hội này để đầu tư đổi mới và nâng cấp quá trình sản xuất theo tiêu chuẩn chất lượng toàn cầu, không đơn giản chỉ là lựa chọn theo phương án rẻ tiền nhất. Mặt khác, các doanh nghiệp có thể tận dụng lợi thế của các cơ sở sản xuất có sẵn, cả ở Mỹ, châu âu cũng như các nơi khác trên thế giới.

Giám đốc bộ phận hóa chất chuyên dụng của CEFIC cho rằng, tình hình đang diễn ra hiện nay trong chuỗi cung ứng dược phẩm là một hồi chuông cảnh tỉnh đối với cả Mỹ và châu âu. Nhưng đó cũng là cơ hội để ngành dược phẩm của hai khu vực này tiến hành những đổi mới cần thiết.

HV

Theo ChemistryWorld, 10/2020