Cân bằng cung cầu trên thị trường lưu huỳnh toàn cầu

12:00 CH @ Thứ Sáu - 31 Tháng Bảy, 2020

Trong thời gian hiện nay, thị trường lưu huỳnh toàn cầu đang ở vị thế cân bằng cung cầu tốt, cả hai phía cung và cầu trên thị trường đều liên tục tăng trưởng.

Những thay đổi về cung cầu

Theo những dữ liệu đã công bố trong Hội nghị về triển vọng và công nghệ phân bón tại Savannah (Canađa) cuối tháng 11-2019, nguồn cung lưu huỳnh trên thế giới năm 2013 đạt tổng cộng 55 triệu tấn, đến năm 2017 đạt gần 60 triệu tấn và dự báo sẽ lên đến gần 69 triệu tấn vào năm 2023.

Công ty Acuity Commodities (Mỹ) chuyên về phân tích thị trường lưu huỳnh và axit sunphuric cho biết, hiện nay có những thay đổi lớn đang diễn ra ở phía nguồn cung lưu huỳnh toàn cầu. Công suất lưu huỳnh của một số nhà máy lọc dầu và xử lý khí thiên nhiên đang tăng, đặc biệt là ở khu vực châu Á. Sản xuất lưu huỳnh ở Đông Á, Nam Á và Tây Á đã tăng mạnh từ năm 2013. Mặt khác, sản xuất khí thiên nhiên tại Bắc Mỹ và châu âu đang giảm.

Theo các chuyên gia thị trường, nguồn cung lưu huỳnh cũng sẽ bị ảnh hưởng bởi quy định mới đây của Tổ chức Hàng hải quốc tế (IMO) về việc hạn chế hàm lượng lưu huỳnh trong khí thải tàu thuyền.

Theo quy định của IMO, từ ngày 1.1.2020 phát thải của ngành hàng hải trên các vùng biển quốc tế sẽ phải giảm mạnh. Ngành này sẽ phải giảm hơn 80% phát thải bằng cách chuyển sang sử dụng nhiên liệu có hàm lượng lưu huỳnh thấp. Giới hạn lưu huỳnh tối đa trong dầu nhiên liệu sẽ giảm từ mức 3,5% hiện nay xuống 0,5% (trọng lượng).

Đây là sự thay đổi bất ngờ trên toàn cầu và có tác động lớn nhất đối với các chủ tàu thuyền cũng như các nhà máy lọc dầu.

Nhu cầu lưu huỳnh đã không ngừng tăng trong những năm gần đây. Năm 2013, nhu cầu lưu huỳnh đạt mốc 56 triệu tấn và đến năm 2017 đã đạt 62 triệu tấn. Dự báo, nhu cầu lưu huỳnh năm 2023 sẽ đạt 66 triệu tấn.

Hiện cũng đang có sự dịch chuyển khu vực tiêu thụ lưu huỳnh. Lượng lưu huỳnh tiêu thụ tại các khu vực Đông Á, Nam Á, Tây Á, châu Mỹ La tinh và châu Phi gia tăng, trong khi đó đang giảm ở Bắc Mỹ và châu âu.

Động lực quan trọng đối với nhu cầu lưu huỳnh trong năm 2020 là nhu cầu tiêu thụ phân bón cao hơn trong các vụ gieo trồng mùa thu 2019 và mùa xuân 2020. Những yếu tố hạn chế nhu cầu nhập khẩu lưu huỳnh trong khung thời gian này là những nguồn sản lượng lưu huỳnh mới tại các khu vực khác nhau trên thế giới.

Tiêu thụ lưu huỳnh tại Trung Quốc

Trung Quốc là quốc gia nhập khẩu và tiêu thụ lưu huỳnh hàng đầu trên thế giới. Năm 2016, tiêu thụ lưu huỳnh tại Trung Quốc cho sản xuất phân bón và các lĩnh vực khác chiếm khoảng 27%, tức là hơn 1/4 nhu cầu lưu huỳnh toàn cầu. Trung Quốc đã tiêu thụ 11,96 triệu tấn lưu huỳnh nguyên tố trong năm 2016, cao hơn nhiều mức tiêu thụ 6,09 triệu tấn của Mỹ và 5,04 triệu tấn của Marốc – 2 quốc gia đứng ngay sau Trung quốc về lượng tiêu thụ lưu huỳnh. Điều quan trọng cần lưu ý là bất cứ thay đổi nào trong tiêu thụ lưu huỳnh của Trung Quốc cũng có ảnh hưởng lớn đến thị trường toàn cầu do quy mô nhập khẩu lớn của nước này.

Trong những năm qua, thị trường lưu huỳnh tại Trung Quốc đã phát triển nhanh với những thay đổi quan trọng cả về mặt cung và cầu. Nhu cầu lưu huỳnh trong ngành sản xuất phân lân của Trung Quốc chiếm phần lớn lượng nhập khẩu lưu huỳnh của nước này và đã tăng nhanh trong các thập niên qua, nay đạt đến tình trạng ít thay đổi hoặc không thay đổi. Tốc độ tăng trưởng nhu cầu lưu huỳnh tại Trung Quốc dự kiến sẽ không cao như các thập niên trước do triển vọng tăng công suất phốtphat chế biến khá hạn chế. Hơn nữa, nhu cầu lưu huỳnh cho sản xuất axit sunphuric đang phải chịu sự cạnh tranh ngày càng tăng do sự phát triển nhanh của sản xuất axit sunphuric tại các nhà máy nấu chảy kim loại.

Về phía nguồn cung, sự gia tăng mạnh của sản xuất dầu khí tại Trung Quốc cũng đặt ra câu hỏi về việc hoạt động nhập khẩu lưu huỳnh sẽ bị ảnh hưởng như thế nào trong tương lai. Gần đây, sản xuất nhiên liệu trong ngành dầu khí Trung Quốc đã phát triển, dẫn đến sự tăng mạnh hoạt động thu hồi lưu huỳnh. Ví dụ, tỉnh Tứ Xuyên đã tăng đáng kể công suất sản xuất lưu huỳnh. Ước tính, hoạt động thu hồi lưu huỳnh trong ngành dầu khí sẽ tăng trưởng 72% trong 5 năm tới. Vì vậy, nhập khẩu lưu huỳnh của Trung Quốc có khả năng sẽ giảm đáng kể trong những năm tới, dẫn đến những thay đổi quan trọng trên thị trường lưu huỳnh toàn cầu.

Sản xuất lưu huỳnh tại Bắc Mỹ

Trong những năm gần đây, tình hình nguồn cung và nhu cầu tại khu vực Bắc Mỹ tương đối ít thay đổi.

Sản lượng lưu huỳnh hàng năm tại Mỹ đã tăng liên tục trong thời gian từ 2011 đến 2014, nhưng trong 4 năm gần đây đã giảm nhẹ. Năm 2016, sản lượng lưu huỳnh tại Mỹ đạt 9,098 triệu tấn, năm 2017 đạt 9,072 triệu tấn và năm 2018 đạt 9,007 triệu tấn. Nhu cầu lưu huỳnh cũng giảm nhẹ từ 9,2 triệu tấn năm 2016 xuống 9,1 triệu tấn năm 2017 và 9,0 triệu tấn năm 2018.

Do tác động của trận cuồng phong Harvey năm 2017, một số vấn đề về vận hành ở các nhà máy lọc dầu vẫn còn kéo dài tại Mỹ, ảnh hưởng đến sản xuất lưu huỳnh. Mặt khác, nhu cầu lưu huỳnh trên thị trường nội địa tiếp tục duy trì khá ổn định.

Các nước đích đến cho xuất khẩu lưu huỳnh của Mỹ đã thay đổi trong 5 năm qua. Lượng lưu huỳnh xuất khẩu sang Braxin giảm từ 900.000 tấn năm 2014 xuống 700.000 tấn năm 2018, trong khi đó xuất khẩu sang Mêhicô đã tăng mạnh. Năm 2014, chỉ có khoảng 100.000 tấn S được xuất khẩu từ Mỹ sang Mêhicô, nhưng lượng xuất khẩu này năm 2018 đã đạt 700.000 tấn.

Sản lượng lưu huỳnh hàng năm của Canađa duy trì khá ổn định trong thời gian 2016-2018, đạt 4,712 triệu tấn năm 2016, 4,752 triệu tấn năm 2017 và 4,707 triệu tấn năm 2018. Trong khi đó, sản lượng lưu huỳnh tại các nhà máy xử lý khí thiên nhiên của Canađa đã giảm trong 4 năm qua. Năm 2015, sản lượng này đạt 2,5 triệu tấn nhưng năm 2018 đã giảm xuống dưới 2 triệu tấn. Xuất khẩu lưu huỳnh của Canađa cũng giảm mạnh, từ 2,755 triệu tấn năm 2017 xuống 2,42 triệu tấn năm 2018.

Nguồn: