Công nghiệp Hóa chất châu Âu trong làn sóng Covid-19 thứ hai

03:10 CH @ Thứ Năm - 08 Tháng Tư, 2021

Khi làn sóng thứ hai của dịch COVID-19 tràn đến châu Âu, khu vực phía đông châu Âu đã bị ảnh hưởng nặng nề, những biện pháp phong tỏa quy mô rộng là cách duy nhất để bảo vệ hệ thống y tế không bị sụp đổ. Sự lan rộng nhanh chóng của làn sóng lây nhiễm thậm chí đã đe dọa cả hệ thống y tế của Đức - quốc gia thường được khen ngợi vì hệ thống xét nghiệm và truy vết đã giúp giữ cho số ca mắc COVID-19 thấp hơn nhiều so với những nơi khác ở châu âu. Thủ tướng Đức Angela Merkel đã phải nói về tình hình nguy cấp trong các bệnh viện nếu tình trạng lây nhiễm không được kiểm soát.

Nền kinh tế lớn thứ hai châu âu là Pháp cũng phải bắt đầu áp dụng các biện pháp phong tỏa, trong khi đó Italia và Tây Ban Nha thực hiện giới nghiêm và các biện pháp giãn cách xã hội khác.

Tại Anh, ban đầu chính phủ áp dụng hệ thống giãn cách xã hội ba bậc, bậc cao nhất trong số đó nhẹ hơn nhiều so với các biện pháp đang áp dụng ở Đức hoặc Pháp. Nhưng hệ thống này chỉ tồn tại trong thời gian ngắn, chính phủ Anh sau đó đã phải nhanh chóng thay đổi quy định, tuyên bố áp dụng kế hoạch phong tỏa mới từ đầu tháng 11/2020. Anh có khả năng sẽ đối mặt với tình trạng rối loạn nghiêm trọng nhất trong nhiều thập niên khi đỉnh dịch đến gần. Các nhà sản xuất hóa chất tại Anh cũng đã nhận thấy nhu cầu hóa chất từ châu âu giảm mạnh.

Tuy hiện tại chưa rõ các biện pháp hạn chế mới sẽ ảnh hưởng đến công nghiệp hóa dầu châu Âu như thế nào, nhưng một số nguồn tin cho biết hoạt động của ngành này trước đó vẫn diễn ra bình thường, thậm chí còn tốt hơn so với mức trung bình các năm. Thực tế này cũng phù hợp với chỉ số PMI đã công bố về tình trạng của hoạt động kinh tế. Trong tháng 10/2020, các lĩnh vực dịch vụ của châu âu đã phải thu hẹp hoạt động, nhưng các lĩnh vực sản xuất vẫn duy trì tốt khi thương mại toàn cầu phục hồi một phần.

Tuy nhiên, những tin tức mới vào cuối năm cho thấy hoạt động sản xuất kinh doanh hóa dầu đã trải qua quý 4/2020 đầy bất ổn, đây là thời gian mà các công ty thường đẩy mạnh bán hàng, giảm tồn kho trước khi lập báo cáo tổng kết cuối năm.

Một nhà kinh doanh chất dẻo hóa ở vùng tây bắc châu Âu cho biết, tuy nhu cầu vẫn rất tốt nhưng tâm trạng trong ngành hóa chất đã trở nên tiêu cực khi các biện pháp giãn cách xã hội được áp dụng ngày càng nhiều và số ca lây nhiễm COVID-19 tiếp tục tăng.

Một nhà kinh doanh rượu oxo tại Thụy Sĩ cũng xác nhận lượng đơn đặt hàng chưa bị ảnh hưởng, nhu cầu các hóa chất dẫn xuất vẫn giữ ở mức cao.

Tuy nhiên, sự gia tăng nhanh chóng của làn sóng COVID-19 thứ hai đã gây ra nhiều khó khăn cho các nhà máy sản xuất hóa chất, nhiều công nhân có kết quả xét nghiệm dương tính và buộc phải cách ly trong thời gian 2 tuần.

Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nền kinh tế các quốc gia khu vực đồng euro đã rơi vào suy thoái trong quý I và II năm 2020, nhưng sau đó đã hồi phục mạnh vào quý III.

Mặc dù vậy, các biện pháp phong tỏa mới áp dụng vào cuối năm có khả năng ảnh hưởng đến niềm tin và chi tiêu của người tiêu dùng, do đó suy thoái kinh tế đang quay trở lại. Các nhà phân tích kinh tế cho biết, họ phải điều chỉnh dự báo GDP quý IV của châu âu, với tốc độ tăng trưởng có khả năng sẽ về mức âm so với dự báo tăng trưởng +1,2% trước đó.

Với các chuỗi cung ứng đứt gãy và hàng tồn kho ở mức cao, sự hồi phục của lĩnh vực sản xuất ở châu âu đang trở nên khó khăn hơn, tuy nhiên lĩnh vực này vẫn tỏ ra có khả năng chống chịu tốt hơn trước những mối lo sợ đang lan tràn trên khắp đại lục. Chi tiêu mua hàng của người tiêu dùng cũng duy trì tốt hơn so với chi tiêu cho dịch vụ, các khoản chi tiêu dự kiến cho hoạt động vui chơi du lịch nay được dành cho mua hàng và sửa chữa tân trang nhà cửa. Sự thay đổi đó đã khiến cho sản phẩm hàng hóa bền lâu trở thành lĩnh vực thành công trong quý 3 đối với các nhà sản xuất hóa chất châu âu như BASF, LyondellBasell.

Tại vùng tây bắc châu Âu, các nước khu vực Benelux cũng đang trong tình trạng bất ổn, Hà Lan đã tuyên bố thực hiện giãn cách xã hội và cảnh báo sẽ tái thiết lập phong tỏa hoàn toàn nếu số ca lây nhiễm hàng ngày không giảm xuống dưới một mức nhất định.

Một công ty thường xuyên mua và sử dụng hóa chất tại Bỉ cho biết đã phải bắt đầu từ chối các đơn đặt hàng đối với sản phẩm của mình do nhiều người lao động bị ốm. Bỉ cũng đã công bố các biện pháp mạnh hơn như đóng cửa các hoạt động sản xuất không thiết yếu và bắt buộc phải làm việc tại nhà.

Những thay đổi về hành vi mua hàng trong thời gian đại dịch đã dẫn đến xu hướng các đơn đặt hàng nhỏ hơn nhưng thường xuyên hơn, nhờ đó giảm bớt những lo ngại về nhu cầu trong tương lai. Tập đoàn hóa chất BASF cho biết, 80% đơn đặt hàng hiện tại là phục vụ cho hai tháng tới, hầu như không có đơn đặt hàng cho thời gian xa hơn.

Cho đến nay, phần lớn các nhà sản xuất hóa chất cho biết động lực tăng trưởng vào nửa sau quý 3 đã tiếp tục trong quý 4. Tình hình nhu cầu tháng 11 cho thấy xu hướng tăng trưởng có khả năng sẽ tiếp tục trong thời gian sắp tới.

Nguồn: