Sản xuất hóa chất toàn cầu trước tác động của giá dầu mỏ sụt giảm

10:06 SA @ Thứ Tư - 21 Tháng Mười, 2020

Giá dầu mỏ sụt giảm mạnh trong thời gian qua do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 đã mang đến nhiều thách thức cũng như cơ hội khác nhau cho công nghiệp hóa chất và công nghiệp hóa dầu toàn cầu. Năm 2019, giá dầu thô Brent dao động quanh mức 60$/thùng, nhưng đến tháng 4-2020 đã lao dốc xuống dưới 20$/thùng khi nhu cầu nhiên liệu sụt giảm mạnh vì các biện pháp phong tỏa xã hội ở các nước trên thế giới. Sau đó, việc nới lỏng dần các biện pháp phong tỏa đã giúp cho giá dầu hồi phục một phần và tăng đến trên 30$/thùng.

Thông thường, lượng tiêu thụ dầu thô mỗi ngày trên toàn cầu là khoảng 100 triệu thùng, nhưng tháng 4-2020 nhu cầu này đã giảm 15-20 triệu thùng/ngày. Nhu cầu sụt giảm đã dẫn đến lượng tồn kho lớn, đặc biệt là xăng xe và nhiên liệu máy bay. Nhưng khi nhu cầu một số hóa chất giảm cùng với sự suy giảm hoạt động sản xuất của các nền kinh tế thì nhu cầu một số hóa chất khác lại tăng mạnh, khiến cho tình hình trở nên phức tạp. Các nhà máy lọc dầu phải tìm cách thích nghi với sự thay đổi, một số nhà máy đã trở nên linh hoạt hơn.

Nhiều nhà sản xuất dầu thô đã thua lỗ khi giá dầu giảm xuống dưới 50$/thùng. Tổng sản lượng của các nhà sản xuất đang bị thua lỗ hiện nay lên đến 25 triệu thùng/ngày.

Sản xuất dầu đá phiến

Rất nhiều sản lượng dầu đá phiến của Mỹ trở nên không có hiệu quả kinh tế khi giá dầu giảm xuống dưới 40$/thùng. Hiện tại, các giếng dầu đang khoan đã bị ngừng hoặc trì hoãn hoạt động. Trong thời gian tới sẽ không có những giếng dầu mới được khoan thêm. Nhưng một số mỏ dầu đá phiến của Mỹ hiện đang sản xuất nhiều khí thiên nhiên hơn là dầu.

Nhờ những động lực thị trường mạnh, một số mỏ khí đá phiến tại Mỹ vẫn tiếp tục hoạt động. Giá khí thiên nhiên đã tăng nhẹ cùng với nỗi lo về sự sụt giảm lượng khí được sản xuất ở dạng sản phẩm đồng hành tại các mỏ dầu đá phiến. Tình hình này đã làm cho chênh lệch chi phí trong sản xuất etylen ở các khu vực khác nhau trên thế giới tăng mạnh.

Etylen được sản xuất bằng cách sử dụng nguyên liệu napta từ dầu mỏ hoặc etan từ khí thiên nhiên. Các nhà máy sản xuất etylen tại châu Á và châu âu sử dụng napta đắt tiền hơn, trong khi đó các nhà sản xuất Mỹ có thể tiếp cận nguồn nguyên liệu etan dồi dào và rẻ tiền. Nhiều công ty đã đầu tư vào khu vực vùng duyên hải vịnh Mêhicô của Mỹ để sử dụng etan cho sản xuất polyeste và các dẫn xuất etylen khác. Mặc dù vậy, sự sụt giảm của giá dầu mỏ đã phá vỡ lợi thế cạnh tranh này.

Các nhà máy lọc dầu thay đổi để thích nghi

Nhìn bề ngoài, giá dầu mỏ thấp hơn giúp cắt giảm chi phí đầu vào của các công ty hóa chất và tăng lợi nhuận của họ. Nhưng khi lượng tiêu thụ một số nhiên liệu vận chuyển sụt giảm và các nhà máy lọc dầu không cần phải vận hành ở công suất cao, công suất lọc dầu có thể bị tiếp tục cắt giảm. Khi đó, các nhà máy lọc dầu sẽ không sản xuất nhiều điêzen hoặc xăng. Khi công suất vận hành của các nhà máy này giảm, nguồn cung một số nguyên liệu hóa chất sẽ bị thắt chặt và giá sẽ tăng - đặc biệt là cùng với sự gia tăng của nhu cầu bao bì chất dẻo và thiết bị bảo hộ cá nhân. Sự mất cân đối cung cầu này hiện vẫn chưa tác động nhiều đến chuỗi cung ứng hóa chất.

Một trong những yếu tố giúp duy trì nguồn cung hóa chất là sự phát triển công suất lọc dầu của Trung Quốc, những nhà máy này sản xuất chủ yếu napta. Yếu tố thứ hai là, khi chuẩn bị kế hoạch cho trường hợp nhu cầu nhiên liệu giảm vì ngành giao thông vận tải chuyển sang sử dụng các loại xe điện, rất nhiều công ty dầu mỏ đã đầu tư để tăng tính linh hoạt của các nhà máy lọc dầu với mục đích sản xuất các sản phẩm khác, đặc biệt là các sản phẩm hóa dầu. Kết quả là, hiện tại nguồn cung các sản phẩm hóa dầu đã không khan hiếm.

Các nhà máy crăcking sử dụng etan và được xây dựng tại Mỹ có thể trở thành các khoản đầu tư sai lầm. Người chiến thắng là những ai có thể nhanh chóng chuyển đổi nguyên liệu giữa các phương án hiện có. Các nhà máy lọc dầu với khả năng thích nghi tốt hơn cũng có thể thay đổi sản lượng các loại sản phẩm của mình, ví dụ giảm sản lượng nhiên liệu máy bay và tăng sản lượng naphta. Nhưng cho dù như vậy các nhà máy lọc dầu cũng không thể loại bỏ tình trạng dư thừa nhiên liệu máy bay hiện tại.

Tác động của hai loại dung môi được sử dụng cho các dung dịch sát trùng là ví dụ điển hình về hình ảnh phức tạp trong cung cầu thị trường hiện nay. Etanol có thị trường toàn cầu lớn, chủ yếu là thị trường nhiên liệu. Giá etanol đã giảm 40%. Mặt khác, trong cùng thời gian đó giá isopropyl alcohol (IPA) đã tăng mạnh 170%. IPA được sản xuất ở những lượng nhỏ hơn nhiều so với etanol và một phần lớn trong số đó được sử dụng cho các dung dịch sát trùng. Một số công ty đã điều chỉnh công thức sản phẩm để chuyển sang sử dụng etanol, trong khi các công ty khác xây dựng nhà máy mới để tăng sản lượng IPA. Ở góc độ lớn hơn, hình ảnh tổng thể cũng rất phức tạp. Các sản phẩm làm sạch và chăm sóc vệ sinh cá nhân sẽ có nhu cầu cao, chúng có thể được điều chỉnh công thức để kết hợp nhiều hơn các thành phần khác, ví dụ các thành phần diệt khuẩn. Trong khi đó, nhu cầu các mặt hàng điện tử, xe ôtô và xây dựng đang giảm, che lấp những triển vọng tích cực ngắn hạn, đặc biệt là khi các thị trường đang hướng về suy thoái và suy giảm hoạt động.

Ảnh hưởng đối với hoạt động tái chế

Trước khi xảy ra dịch COVID-19, công nghiệp hóa chất đang trong quá trình rút khỏi các sản phẩm chất dẻo dùng một lần và chuyển hướng về phía tăng cường tái chế chất dẻo. Sự sụp đổ của giá dầu mỏ sẽ ảnh hưởng đến hoạt động tái chế do chi phí chất dẻo gốc đang giảm mạnh, trong khi đó các hoạt động tái chế vẫn duy trì hoặc thậm chí có thể tăng. Hoạt động tái chế sử dụng chuỗi cung ứng với nhiều nhân công để thu gom, phân loại nguyên liệu tái chế và vận chuyển đến các nhà máy chế biến, nhưng dịch COVID-19 và các biện pháp cách ly xã hội có khả năng sẽ làm gián đoạn những hoạt động này. Trong bối cảnh giá dầu thấp, các cơ sở tái chế sẽ phải cạnh tranh vất vả vì phần lớn chi phí hoạt động của họ không giảm cùng với sự sụt giảm của giá dầu thô.

Hơn nữa, do chú trọng vào vấn đề vệ sinh trong bối cảnh dịch, chất dẻo sử dụng một lần lại đang được ưa chuộng trở lại. Hiện tại, việc vứt bỏ được ưu tiên hơn so với tái sử dụng một số sản phẩm. Tuy nền tảng cơ bản của xu hướng tái chế vẫn được giữ vững, nhưng nay có khả năng được xem như đang có ưu tiên thấp hơn.

Về mặt nhiên liệu vận chuyển, nhu cầu dầu khí có thể sẽ tăng mạnh khi người dân quay trở lại làm việc. Nếu một số xu hướng như làm việc ở nhà và giảm các chuyến đi công tác được duy trì, nhu cầu dầu thô sẽ thấp hơn so với trước khi xảy ra đại dịch. Về dài hạn, nền tảng của công nghiệp hóa dầu vẫn rất ổn định, với động lực lớn là tầng lớp trung lưu đang nổi lên ở Châu Á-Thái Bình Dương, nơi hiện mới chỉ tiêu thụ lượng chất dẻo bằng khoảng 1/10 so với thế giới phương Tây.

Nguồn: