Cần cấm quảng cáo phân bón tràn lan

02:13 CH @ Thứ Hai - 16 Tháng Chín, 2013

Nạn phân bón giả tràn lan khiến đội chi phí đầu vào sản xuất, ô nhiễm môi trường, nông sản khó bán, nông dân là người thiệt nhất.

Các chuyên gia cho biết, sử dụng phân bón và hóa chất hiệu quả là cơ sở quan trọng để phát huy được năng suất cao trong canh tác nông nghiệp. Tuy nhiên, nạn phân bón giả, kém chất lượng đang hoành hành ở hầu hết các địa phương. Điều này đã gây thiệt hại lớn cho người nông dân, làm ảnh hưởng tới sản xuất nông nghiệp.

Theo bà Nguyễn Kim Liên, Phó Cục trưởng Cục hóa chất (Bộ Công Thương), để xảy ra tình trạng phân bón bị làm giả nhiều thời gian qua là do theo Nghị định 113/2003 ngày 7/10/2003 của Chính phủ về quản lý, sản xuất kinh doanh phân bón và Nghị định số 191/2007 ngày 31/12/2007 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 113/2003/NĐ-CP ngày 7/10/2003 của Chính phủ về việc quản lý sản xuất, kinh doanh phân bón, thì công tác quản lý vẫn chia làm hai mảng giữa Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Vì thế, dẫn đến tình trạng không có Bộ nào chịu trách nhiệm quản lý nhà nước về hoạt động kinh doanh phân bón.

Công tác kiểm soát có vấn đề

Trả lời phỏng vấn của phóng viên VOV online, Tiến sĩ Đào Thế Anh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Hệ thống Nông nghiệp, Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, đánh giá: Nạn phân bón giả tràn lan hiện nay ở nước ta thực sự là vấn đề rất nghiêm trọng. Nó thể hiện rõ khâu kiểm tra, kiểm soát có vấn đề, không kiểm soát được, mặc dù các tiêu chuẩn về phân bón khá đầy đủ.

Tiến sĩ Đào Thế Anh còn cho biết: Trong lĩnh vực sản xuất phân bón, các nhà máy thì thuộc Bộ Công Thương quản lý, nhưng Bộ này chưa kiểm soát được chất lượng đầu ra của sản phẩm. Bên cạnh đó, còn nhiều cơ sở sản xuất phân bón nhỏ lẻ, chưa kiểm soát hết được. Hơn nữa, các tiêu chuẩn về phân bón cũng chưa rõ ràng, và cũng không kiểm soát tốt.

“Thâm nhập thị trường phân bón, qua nghiên cứu của chúng tôi thì thấy, hầu hết mẫu phân bón đưa đi phân tích thì chuẩn. Nhưng giữa sản phẩm mang đi phân tích kiểm nghiệm và hàng bán trên thị trường chưa chắc như nhau. Bởi hiện nay chúng ta cho phép sản xuất phổ biến nhất là phân bón tổng hợp (NPK, đạm, lân, kali…) rồi khi bán ra thị trường còn xảy ra tình trạng có chất độn nên có thể không phải phân bón giả hoàn toàn, nhưng kém chất lượng, nên kém hiệu quả khi sử dụng. Chất lượng kiểu này, nông dân không thể biết được!”.

Xảy ra thực trạng này, theo TS Đào Thế Anh, là do lỗi của cơ quan kiểm tra và của ngành nông nghiệp. Hiện nay, tình trạng chung của chính sách về quản lý phân bón là có nhiều cơ quan liên ngành cùng tham gia vào kiểm soát, rất nhiều người có thể kiểm soát nhưng rồi không thấy ai chịu trách nhiệm.

Không nên cho quảng cáo phân bón rộng rãi

Cũng theo TS Đào Thế Anh, điều lạ là nước ta cho phép đầu tư rất nhiều vào sản xuất phân bón, đã đạt đến bước tự túc được phân bón (ví dụ, phân đạm trước đây phải nhập khẩu, nay đã tự túc được). Nhưng giá lại không giảm, thậm chí ngày càng tăng. Điều này làm cho chi phí đầu vào của sản xuất nông nghiệp tăng.

Vấn đề nữa, theo TS Anh, “việc sử dụng phân bón ở nước ta đang trong bối cảnh sản phẩm này bị làm maketing quá đáng”. Đó là việc quảng cáo phân bón rộng rãi trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Mặc dù việc hướng dẫn, phổ biến để bà con biết mà dùng phân bón hợp lý là cần thiết. Nhưng phân bón là hàng hóa không giống như một số sản phẩm khác, cho nên không nên cho quảng cáo rộng rãi như hiện nay đang làm. Quảng cáo rầm rộ nhưng chưa ai dám khẳng định thông điệp quảng cáo nói ra đúng như thực tế sản phẩm.

Vì thế, TS Anh đề xuất: Không nên cho quảng cáo phân bón trên phương tiện thông tin đại chúng như hiện nay. Thay vào đó, nên sử dụng hệ thống tổ chức khuyến nông để tư vấn cho nông dân sử dụng. Còn cho quảng cáo như hiện nay có thể dẫn đến việc người dân cứ tin và tự mua dùng, nhưng chưa chắc đã dùng đúng phương thức, nó không hiệu quả mà còn có thể gây cả ô nhiễm môi trường. Quảng cáo cũng là một nguyên nhân làm tăng chi phí đầu vào của nông dân vì nó đội giá phân bón lên.

Hơn nữa, do dùng phải phân bón giả nên nông dân bón xong không thấy cây trồng phát triển thì lại bón tiếp, khiến số lượng phân bón được tiêu thụ tăng lên. Hiện ở nước ta trung bình dùng tới khoảng 400-500 kg phân bón/ha lúa.

Một giải pháp nữa, TS Anh cho là, cần khuyến khích phát triển mô hình hợp tác xã của nông dân mà nhiều nơi đã làm. Khi đó, nông dân vào HTX sẽ mua chung phân bón từ công ty, vừa tránh được hàng giả mà giá cũng rẻ hơn.

Với những phân tích nêu trên, TS Anh khẳng định: “Cần tăng cường kiểm soát chất lượng phân bón và có sự điều tiết vĩ mô và có chính sách hỗ trợ để giảm giá phân bón.

Chính sách vĩ mô là phải giao cụ thể cho một cơ quan quản lý về phân bón. Nếu cứ để tình trạng một đối tượng mà nhiều cơ quan liên ngành đi kiểm tra, giám sát, nhưng cuối cùng có vấn đề thì không biết trách nhiệm của ai.

Thực tế như đang diễn ra đã góp phần đẩy nông nghiệp Việt Nam vào cảnh, như nhiều nhà nghiên cứu quốc tế bình luận rằng, nổi tiếng bằng dùng quá nhiều phân bón và thuốc trừ sâu. Tức là không phải là nổi tiếng nhờ chất lượng sản phẩm cao mà do chi phí đầu vào quá cao và ô nhiễm môi trường. Điều này chính là ảnh hưởng đến thương hiệu nông sản Việt Nam, hàng hóa sẽ khó bán. Và sau những việc như thế, người dân chịu thiệt nhất./.

Nguồn: