Thị trường phân đạm toàn cầu sẽ cân bằng hơn trong thời gian tới áp lực giảm giá trong năm 2019

01:45 CH @ Thứ Ba - 23 Tháng Sáu, 2020

Trên các thị trường phân bón thế giới năm 2019, giá phân đạm đã phải chịu nhiều áp lực vì những nguyên nhân khác nhau. Nhiều yếu tố như tăng trưởng thương mại thấp, giá năng lượng thấp và các rối loạn thương mại trên thế giới cùng với nhu cầu thấp hơn do các yếu tố thời tiết đã kết hợp với nhau kiềm chế không cho giá phân đạm trên thế giới tăng nhiều trong năm.

Chi phí nguyên liệu cho sản xuất phân đạm toàn cầu đã thấp hơn đáng kể trong năm 2019, nhờ đó đã kéo chi phí sản xuất xuống thấp hơn. Những mức chi phí thấp này hiện diện trong phần lớn thời gian của năm và gây áp lực lên giá phân đạm. ước tính, giá năng lượng trong năm 2019 tại châu âu thấp hơn 40% và tại Mỹ thấp hơn 21% so với năm 2018. Những khu vực khác đã chứng kiến giá năng lượng suy giảm là Nga (giảm 8%) và Trung Quốc (giảm 12%).

Xuất khẩu amoniăc đã chứng kiến những thay đổi lớn trong những năm gần đây. Do các biện pháp trừng phạt của Mỹ, xuất khẩu amoniăc của Iran trong năm 2019 đã giảm 62% so với năm trước. Các khu vực khác đã nắm lấy cơ hội này để gia tăng xuất khẩu amoniăc, trong đó xuất khẩu của Đông Nam á tăng 19%, của Nga tăng 4%.

Mặt khác, trong năm 2019 Mỹ đã giảm 27% nhu cầu nhập khẩu ròng amoniăc so với năm 2018 do sản xuất nội địa tăng.

Trên thị trường urê quốc tế, áp lực giảm giá đã đến từ những nguồn cung lớn, đặc biệt lượng urê xuất khẩu từ Trung Quốc đã cao hơn nhiều so với năm trước. Đồng thời, do các biện pháp trừng phạt của Mỹ nên Iran đã tăng cường bán urê ra nhiều thị trường khác.

Cung cầu urê

Năm 2019, Ai-Cập, Trung Quốc và các nước Đông Nam á đã tăng sản lượng urê so với năm trước. Trong khi đó, sản lượng urê của Iran giảm mạnh 39% do các biện pháp trừng phạt của Mỹ.

Năm 2019, ấn Độ đã tăng mạnh 34% khối lượng nhập khẩu urê lên 8,5 triệu tấn so với 6,3 triệu tấn năm trước do tiêu thụ urê cao và sản lượng trong nước thấp. Braxin cũng tăng 7% nhập khẩu urê trong năm 2019, đạt 6,3 triệu tấn so với 5,9 triệu tấn năm 2018.

Tuy nhiên, lượng urê nhập khẩu ở một số khu vực nhập khẩu quan trọng đã giảm: lượng nhập khẩu của Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ giảm 13% và 10% tương ứng. Mỹ nhập khẩu ít urê hơn do sản lượng nội địa tăng cao.

Trong khi đó, trước những dấu hiệu thị trường gần đây Trung Quốc đã bắt đầu gia tăng lại sản xuất urê. Năm 2015, Trung Quốc xuất khẩu 13,8 triệu tấn urê, sau đó lượng xuất khẩu giảm xuống 8,9 triệu tấn năm 2016, 4,7 triệu tấn năm 2017 và 2,5 triệu tấn năm 2018. Xu hướng giảm sản lượng và giảm xuất khẩu này chủ yếu là do tác động của các biện pháp bảo vệ môi trường mà chính phủ đưa ra.

Sang năm 2019, ước tính xuất khẩu urê của Trung Quốc đã tăng lên 4,5-5 triệu tấn nhờ gia tăng sản lượng trong nước.

Giá urê xuất khẩu ổn định trong quý 3 năm 2019 đã hỗ trợ hoạt động xuất khẩu tương đối mạnh của Trung Quốc. Mặt khác, giá than hiện nay thấp hơn đã giúp giảm chi phí sản xuất. Tuy nhiên, mặc dù xuất khẩu đang gia tăng trở lại nhưng những áp lực về bảo vệ môi trường vẫn sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến sản xuất và tiêu thụ urê trong nước. Trong tương lai, năng lực sản xuất và xuất khẩu urê của Trung Quốc sẽ được điều chỉnh phụ thuộc vào thị trường.

Nhu cầu phân đạm tăng

Các công ty sản xuất phân bón dự báo, nhu cầu phân đạm của Mỹ sẽ hồi phục trong năm tài chính 2019-2020 nhờ sự gia tăng của diện tích gieo trồng mùa xuân. Diện tích trồng ngô dự kiến sẽ tăng, trong khi đó 58% tiêu thụ phân đạm tại Mỹ được sử dụng cho cây ngô. Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ, diện tích trồng ngô tại đây sẽ tăng 1,21 triệu ha do chiến tranh thương mại Mỹ -Trung khiến cho diện tích trồng đậu nành giảm.

Tiêu thụ phân đạm của Mỹ trong năm 2018 đạt 12,2 triệu tấn, nhưng giảm xuống khoảng 11,9 triệu tấn trong năm 2019. Lượng tiêu thụ phân đạm dự kiến sẽ tăng trở lại, đạt 12,2-12,4 triệu tấn trong năm 2020.

Về dài hạn, nhu cầu phân đạm tại Mỹ được dự báo sẽ tiếp tục tăng trong những năm tới. Nhu cầu amoniăc năm 2019 đạt khoảng 183 triệu tấn và được dự báo sẽ tăng đến 197 triệu tấn năm 2023.

Tại châu âu, diện tích trồng lúa mì dự kiến sẽ được mở rộng tương tự như cây ngô ở Mỹ, dẫn đến nhu cầu phân bón cao hơn. ủy ban châu âu dự báo sản lượng lúa mì niên vụ 2019-2020 sẽ tăng 9,5%, đạt 141 triệu tấn, cao hơn mức 129 triệu tấn do ảnh hưởng của khô hạn trong niên vụ 2018-2019.

Tiêu thụ phân đạm được dự báo cũng sẽ gia tăng tại các nước châu Mỹ La tinh và Nam Á.

Trong những năm tới, Trung Quốc và Marốc có thể tăng nhập khẩu amoniăc. Thị trường amoniăc Trung Quốc có tiềm năng tăng trưởng lớn, trong khi đó tăng trưởng sản xuất phốtphat tại Marốc sẽ thúc đẩy nhu cầu amoniăc tăng. Năm 2019 Trung Quốc đã nhập gần 1 triệu tấn amoniăc, cao gấp ba lần so với năm trước.

Trong thời gian từ 2009 đến 2014, tổng nhu cầu phân đạm toàn cầu tăng 12 triệu tấn nhưng tổng nguồn cung chỉ tăng 6 triệu tấn, vì vậy đã dẫn đến sự tăng giá phân đạm trong thời kỳ này. Sau đó, trong thời gian 2014-2019 sự gia tăng công suất với mức cao lịch sử tại Mỹ đã mang lại sự gia tăng nguồn cung 15 triệu tấn trên toàn cầu, trong khi đó nhu cầu chỉ tăng 10 triệu tấn, dẫn đến xu hướng giảm giá phân đạm.

Theo dự báo của các chuyên gia thị trường, nhu cầu phân đạm toàn cầu trong thời gian 2019-2023 sẽ tăng khoảng 8 triệu tấn, trong khi đó nguồn cung tăng khoảng 6 triệu tấn. Trong bối cảnh đó, thị trường phân đạm sẽ tương đối cân bằng, nguồn cung gia tăng chậm, xuất khẩu urê của Trung Quốc tương đối ổn định và nhu cầu ở các nước khác ngoài Trung Quốc tăng.

TN

Theo World Fertilizer, 2/2019