Khoa học và công nghệ là nhân tố quan trọng thúc đẩy năng lực sản xuất kinh doanh của Vinachem

09:02 SA @ Thứ Năm - 04 Tháng Ba, 2021

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) là tập đoàn hoạt động kinh doanh đa ngành giữa sản xuất, kinh doanh với khoa học, công nghệ, nghiên cứu triển khai, đào tạo nguồn nhân lực cho ngành Công nghiệp Hóa chất Việt Nam. Chính vì lẽ đó, Vinachem luôn đặc biệt coi trọng công tác khoa học - công nghệ (KHCN) và coi công tác này là một trong những nhân tố quan trọng góp phần thúc đẩy năng lực sản xuất và kinh doanh tại các doanh nghiệp trong toàn Tập đoàn.

Trong những năm vừa qua, mặc dù gặp rất nhiều khó khăn, biến động trong hoạt động sản xuất kinh doanh, song Vinachem và các doanh nghiệp thành viên đã chủ động triển khai rất tốt các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng thành tựu khoa học, công nghệ, sáng kiến cải tiến kỹ thuật. Giai đoạn 2016 - 2020, từ yêu cầu của thực tiến sản xuất, kinh doanh, các đơn vị trong Vinachem đã triển khai trên 200 đề tài/dự án khoa học, công nghệ, trên 2.000 sáng kiến cải tiến kỹ thuật trong các lĩnh vực kỹ thuật công nghệ, kinh doanh và quản lý, với tổng kinh phí trên 265,7 tỷ đồng (từ các nguồn: ngân sách nhà nước, chi phí sản xuất kinh doanh, quỹ phát triển khoa học, công nghệ...), có thể mang lại cho đơn vị giá trị làm lợi mỗi năm ước tính hàng chục tỷ đồng. Trong toàn Tập đoàn đã có 05 bằng độc quyền sáng chế, trong đó có 01 bằng sáng chế nước ngoài (công trình của Viện Hóa học Công nghiệp Việt Nam), 20 bằng độc quyền giải pháp hữu ích, đăng ký 02 bằng độc quyền sáng chế tại Mỹ, hiện đang trong giai đoạn thẩm định (Công trình của Viện Hóa học Công nghiệp Việt Nam) và nhiều công trình đã nhận được các giải thưởng cao quý về khoa học, công nghệ ở trong nước và quốc tế. Ngoài ra, kết quả nghiên cứu của các đơn vị Tập đoàn cũng đã được công bố trên 115 bài báo, trong đó có 29 bài được đăng trên các tạp chí nước ngoài có uy tín. Các chương trình nghiên cứu khoa học, công nghệ cũng đã tạo điều kiện đào tạo 08 tiến sĩ và hiện đang có hơn 20 nghiên cứu sinh đang trong quá trình nghiên cứu, hoàn thiện luận án tiến sĩ trong các lĩnh vực của ngành hóa học. Có thể kể đến một số kết quả tiêu biểu trong các lĩnh vực ở giai đoạn này là:

Trong lĩnh vực sản xuất phân bón: Công ty CP Supe phốt phát và Hóa chất Lâm Thao đã triển khai thành công đề tài “Xây dựng các giải pháp công nghệ xử lý axít H2SiF6 dây chuyền sản xuất supe phốt phát nhằm giảm chi phí xử lý môi trường” mang lại hiệu quả lớn cả về kỹ thuật, môi trường và kinh tế. Đề tài đã xử lý được H2SiF6 phát sinh trong quá trình sản xuất, tuần hoàn 100% nước thải sản xuất, nhờ đó không xả thải ra môi trường, giúp cho hoạt động sản xuất ổn định, mang lại giá trị làm lợi khoảng 55,77 tỷ đồng/năm. Đề tài đã đạt Giải Nhất Giải thưởng Sáng tạo Khoa học công nghệ Việt Nam (VIFOTEC) năm 2017 và đoạt Huy chương Bạc Giải thưởng quốc tế về khoa học, công nghệ tại Hàn Quốc năm 2018. Công ty CP DAP-Vinachem đã thực hiện thành công đề tài “Nâng cao hiệu suất thu hồi P2O5 trong quá trình sản xuất axit phôtphoric” nhờ điều chỉnh một số bước công nghệ tại nhà máy sản xuất axit phôtphoric (PA). Kết quả đã giảm dư lượng P2O5 xuống thấp hơn thiết kế 1,4%; tận thu toàn bộ P2O5 có trong nước róc của bãi chứa thạch cao PG. Đề tài đã góp phần sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên khoáng sản apatit, giảm định mức tiêu hao apatit trong sản xuất. Công ty CP DAP số 2-Vinachem đã thực hiện đề tài “Tái sử dụng nước xả thải từ hệ thống bơm chân không xưởng PA” để giải quyết triệt để vấn đề mất cân bằng nước xưởng PA và giảm lượng nước lớn mất mát xả ra ngoài môi trường. Việc tuần hoàn tái sử dụng nước như trên giúp xưởng PA chủ động tái sử dụng tối đa nước róc từ hồ chứa bãi gyps, tăng hiệu quả thu hồi P2O5 và giảm một phần nước cho quá trình sản xuất. Ngoài ra, việc có thể tăng thu hồi nước từ bãi gyps góp phần giúp đảm bảo an toàn về môi trường, an toàn đê bao và giảm chi phí xử lý nước bãi gyps khi mức hồ chứa lên cao. Công ty CP Phân bón Bình Điền thực hiện thành công đề tài “Nghiên cứu sản xuất phân bón hữu cơ cho cây rau theo tiêu chuẩn của Liên đoàn Hữu cơ quốc tế (IFOM version 2.0)”. Đề tài đã hoàn thiện công nghệ, chuẩn hóa các quy trình sản xuất 04 sản phẩm phân bón hữu cơ sinh học và hữu cơ vi sinh vật dạng bột, dạng lỏng, dạng hạt, với thành phần dinh dưỡng cao và phù hợp nhu cầu dinh dưỡng của cây rau, đáp ứng yêu cầu quy trình canh tác rau hữu cơ của Liên đoàn Hữu cơ quốc tế. Công ty CP Phân đạm và Hoá chất Hà Bắc đã nghiên cứu và áp dụng thành công giải pháp dùng khởi động mềm thay cho biến tần cao thế, đồng thời nghiên cứu cải tạo, khôi phục hệ thống điều khiển, liên động bảo vệ máy nén K-1301. Việc áp dụng thành công giải pháp đã giúp đơn vị chủ động hoàn toàn trong sửa chữa và chuẩn bị vật tư dự phòng, không phải chờ nhập khẩu thiết bị thay thế; chủ động trong các tình huống xử lý sự cố để nhanh chóng khôi phục chạy máy và duy trì sản xuất liên tục, ổn định; không phải thuê chuyên gia lập trình phần mềm, đồng thời giúp nâng cao trình độ chuyên môn của đội ngũ kỹ thuật viên.... Giá trị làm lợi của giải pháp này ước tính lên tới hàng chục tỷ đồng.

Trong lĩnh vực sản xuất cao su: Các công ty đã tích cực nghiên cứu đổi mới công nghệ và thiết bị tại các khâu của quá trình sản xuất; nghiên cứu sản xuất những sản phẩm mới, nghiên cứu và áp dụng nhiều giải pháp tiết kiệm năng lượng, nhờ đó đã nâng cao chất lượng, hạ giá thành, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm và đã xuất khẩu sản phẩm sang một số thị trường khu vực và thế giới. Cụ thể: Công ty CP Cao su Đà Nẵng (DRC) và Công ty CP Cao su Miền Nam (Casumina) liên tục triển khai nhiều nghiên cứu, ứng dụng các giải pháp kỹ thuật nhằm giảm tỷ lệ phế, phát triển nhiều quy cách sản phẩm mới, cải tiến chất lượng trong sản xuất lốp radial đáp ứng yêu cầu trong nước và xuất khẩu; cải tiến quy trình luyện phù hợp với yêu cầu gia công hỗn hợp cao su của khách hàng gia công; cải tiến công nghệ thành hình lốp xe máy không săm theo cách thành hình mặt lốp liên tục; tự động hóa một số dây chuyền trong quá trình sản xuất... Đặc biệt, Casumina đã áp dụng công nghệ sản xuất lốp ô tô bán thép cho xe con - minibus mang nhãn hiệu ADVENZA. Đây là sản phẩm lần đầu tiên được đơn vị thành viên của Vinachem sản xuất và tham gia thị trường với chất lượng cao - đủ sức cạnh tranh với các lốp ngoại nhập giá thành rẻ. Công nghệ mới này cho phép đáp ứng các tiêu chuẩn dán nhãn đối với thị trường Âu - Mỹ, quá trình xin cấp giấy chứng nhận đang được tiến hành nhằm gia tăng sản lượng tiêu thụ tại các thị trường trong và ngoài nước. Công ty DRC đã nghiên cứu, thiết kế giảm trọng lượng lốp radial cho xe tải nặng, lưu hóa lốp radial toàn thép với hơi nóng áp lực cao cho ô tô, xe tải để nâng cao chất lượng lốp và giảm thời gian lưu hóa lốp. Bên cạnh đó, từ năm 2016 DRC đã bắt tay với Black Donuts Engineering Inc (BDE Phần Lan) - công ty hàng đầu thế giới về tư vấn chuyển giao công nghệ, sản xuất lốp xe, nhằm tiếp nhận chuyển giao những công nghệ mới, đột phá của thế giới trong sản xuất lốp radial. Đến năm 2018, DRC đã hoàn tất thử nghiệm các sản phẩm mới, nghiệm thu chương trình hợp tác chuyển giao công nghệ cải tiến chất lượng lốp radial theo chương trình Hợp tác công nghệ BDE. Năm 2020 đã triển khai sản xuất hàng loạt lốp radial toàn thép các quy cách 10R22.5 cho dòng xe buýt tại Việt Nam, quy cách 11R22.5 cho thị trường Mỹ.

Trong lĩnh vực hóa chất cơ bản: Công ty CP Hóa chất Việt Trì, Công ty CP Hóa chất cơ bản Miền Nam đã triển khai nghiên cứu nhiều giải pháp kỹ thuật cải tiến hệ thống thiết bị, thay đổi chế độ công nghệ để tăng hiệu suất thiết bị, nâng cao chất lượng các sản phẩm PAC, javel..., nghiên cứu sản xuất PAC chất lượng cao, giá thành hạ, có thể cạnh tranh với các sản phẩm PAC nhập khẩu từ Trung Quốc; nghiên cứu thu hồi nhiệt thừa; thu gom và xử lý khí công nghệ thành các sản phẩm hữu ích, đảm bảo an toàn môi trường... Trong đó, Công ty CP Hóa chất Việt Trì đã nghiên cứu cải tạo, lắp ghép và chuyển đổi thành công thiết bị điện phân từ công nghệ điện cực khe hẹp (NGT) sang công nghệ điện cực không khoảng cách (ZGT). Công nghệ điện cực không khoảng cách là công nghệ hiện đại trong sản xuất xút-clo, sử dụng nhiều vật liệu tiên tiến như màng trao đổi ion IEM cấu trúc nano, điện cực catôt đa lớp và hoạt hóa. Công nghệ ZGT đã làm giảm điện áp catôt-anôt, giảm điện năng tiêu hao và làm tăng mật độ dòng điện phân, tăng sản lượng xút-clo. Áp dụng công nghệ ZGT trong quá trình sản xuất xút-clo đã làm lợi 72 tỷ đồng (năm 2017) nhờ tăng sản lượng xút (4.333 Tấn), tiết kiệm chi phí đầu tư (62 tỷ đồng), giảm tiêu hao điện năng (1,9 tỷ đồng). Giải pháp đã được đánh giá cao do mang lại hiệu quả kinh tế/tiết kiệm chi phí (đầu tư, mua sắm thiết bị, tiêu hao điện năng…) và đã được trao Giải Nhất Giải thưởng Sáng tạo Khoa học công nghệ Việt Nam (VIFOTEC) năm 2019. Công ty CP Hóa chất Cơ bản Miền Nam đã nghiên cứu thiết kế và chế tạo thành công bộ xử lý chai clo bị nghẹt van hoàn toàn từ vật tư thiết bị trong nước. Bộ xử lý chai clo nghẹt van đưa vào sử dụng đã giải quyết vấn đề rất lớn về mặt an toàn, vì sự cố xì hở clo là sự cố đặc biệt nghiêm trọng về môi trường, đồng thời thể hiện trách nhiệm của nhà sản xuất đối với khách hàng, làm tăng uy tín và năng lực của nhà máy, giúp khách hàng tin tưởng sử dụng sản phẩm và dịch vụ, góp phần đem lại lợi ích trong kinh doanh cho nhà máy.

Trong lĩnh vực sản xuất khác như pin ắcquy: Các đơn vị thuộc lĩnh vực sản phẩm này đã đầu tư chiều sâu tại các cơ sở sản xuất hiện có, vừa mở rộng năng lực sản xuất, vừa tiếp cận với công nghệ mới để có thể sản xuất các sản phẩm có yêu cầu công nghệ cao, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng dân dụng và phục vụ các ngành công nghiệp. Các đơn vị chú trọng đầu tư trang bị dây chuyền sản xuất các loại ắcquy không bảo dưỡng theo tiêu chuẩn Mỹ và châu Âu. Các dây chuyền sản xuất được đầu tư hiện đại khép kín với hệ thống kiểm tra chất lượng sản phẩm tự động nhằm vừa nâng cao và ổn định chất lượng sản phẩm vừa bảo đảm yếu tố môi trường. Các sản phẩm ăcquy của Công ty CP Ăcquy Tia Sáng và Công ty CP Pin ăcquy Miền Nam hiện có chất lượng tương đương hàng ngoại nhập, giá cả cạnh tranh, tạo điều kiện từng bước chiếm lĩnh thị trường trong nước và xuất khẩu sang thị trường nước ngoài. Sản phẩm ăcquy dùng cho xe máy, ôtô của hai công ty cũng được một số liên doanh lắp ráp xe máy, ô tô chấp nhận và đưa vào sử dụng.

Trong lĩnh vực khai thác và chế biến quặng apatit: Công ty TNHH MTV Apatit Việt Nam đã thực hiện đổi mới thiết bị, công nghệ trong khai thác, tuyển quặng apatit như: Trung hòa quặng 3 hàm lượng thấp đến 8% P2O5 vào làm nguyên liệu; thay thế máy lọc chân không bằng máy lọc ép; thay đổi công nghệ thải ướt sang thải khô bằng việc sử dụng sàng tách nước cao tần, từ đó tiết giảm chi phí đầu tư hồ thải. Viện Hóa học Công nghiệp Việt Nam đã triển khai nhiều nghiên cứu, gồm có: Cụm công trình hoàn thiện dây chuyền công nghệ sản xuất thuốc tuyển quặng apatit Lào Cai loại III và loại II; Cụm công trình nghiên cứu “Chế phẩm và công nghệ ép viên quặng apatit cấp hạt nhỏ làm nguyên liệu sản xuất phôtpho vàng”. Cụm công trình nhằm tạo ra công nghệ sản xuất và ứng dụng phụ gia kết dính thế hệ mới, nâng cao giá trị gia tăng cho nguồn phụ phẩm khoáng sản ở Việt Nam.

Trong lĩnh vực thuốc bảo vệ thực vật, chất tẩy rửa: Các công ty đã tập trung nghiên cứu các lĩnh vực phát triển sản phẩm mới; nghiên cứu ứng dụng công nghệ tiên tiến gia công các dạng sản phẩm mới với tiêu chí an toàn, sạch, thân thiện môi trường. Sản phẩm sản xuất đạt tiêu chuẩn quốc tế, có khả năng cạnh tranh cao. Trong giai đoạn 2016-2020, Công ty CP Bột giặt Lix đã tập trung nguồn lực lớn về tài chính cho công tác đầu tư (trung bình mỗi năm khoảng 60 tỷ đồng) để đầu tư máy móc thiết bị hiện đại nhằm thay thế thiết bị cũ có công suất thấp và tiêu thụ điện năng cao, đồng thời ưu tiên tự động hóa các khâu quan trọng trong dây chuyền sản xuất, giúp nhanh chóng gia tăng năng lực sản xuất và giữ chất lượng sản phẩm ổn định.

Trong giai đoạn 2016-2020, Vinachem cũng quan tâm tới việc tăng cường năng lực tiếp cận Cách mạng công nghệ 4.0. Một số đơn vị trong Tập đoàn đã tích cực nghiên cứu và tận dụng cơ hội phù hợp để triển khai áp dụng nhằm nâng cao hiệu quả các mặt hoạt động của doanh nghiệp, như: Công ty CP Bột giặt Lix đã xây dựng và đưa vào sử dụng phần mềm Hệ thống quản lý kênh phân phối, cho phép giám sát chuỗi các hoạt động từ khâu bán hàng, quản lý hàng tồn kho đến khâu đặt hàng từ các nhà phân phối và đã mang lại lợi ích thiết thực; Công ty CP Cao su Đà Nẵng đã đầu tư một số dây chuyền sản xuất hiện đại theo hướng vận dụng mô hình “nhà máy sản xuất thông minh”, nâng cao khả năng quản lý và kiểm soát quy trình sản xuất, ...

Có thể nói, trong những năm qua hoạt động KHCN đã thực sự phát huy vai trò của mình, góp phần quan trọng vào ổn định sản xuất, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh tại các đơn vị của Vinachem. Bước sang giai đoạn phát triển mới với thách thức phải nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập, cùng với đó là thách thức phải vượt qua những khó khăn nội tại của Ngành Hóa chất, trong đó có những khó khăn ở một số lĩnh vực sản xuất chủ lực của Tập đoàn, công tác KHCN cần được tiếp tục quan tâm, chú trọng đẩy mạnh hơn nữa nhằm góp phần đáp ứng yêu cầu của tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập nói chung (trong đó có yêu cầu tiếp cận và tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đang phát triển mạnh mẽ với sự tích hợp ở trình độ cao các thành tựu khoa học công nghệ hiện đại, được dự báo sẽ có tác động làm thay đổi mạnh mẽ và nhanh chóng các ngành sản xuất), đồng thời giải quyết những tồn tại, khó khăn hiện nay của Ngành Hóa chất nói riêng, góp phần khẳng định, giữ vững, tăng cường vị thế của một Tập đoàn kinh tế.

Nguyễn Hương