Sản lượng hóa chất châu âu giảm mạnh

08:59 SA @ Thứ Năm - 04 Tháng Ba, 2021

Theo báo cáo của Hiệp hội Công nghiệp hóa chất châu âu (CEFIC), sản lượng hóa chất của EU trong nửa đầu năm 2020 đã giảm 5,2% so với cùng kỳ năm trước, đây là mức giảm mạnh hơn so với mức trung bình trên toàn cầu (3,4%).

Tình hình sản xuất

Cuối tháng 6/2020, giá hóa chất tại 27 nước EU thấp hơn 4,8% so với nửa đầu năm 2019, tổng doanh số hóa chất trên thị trường nội khối và hóa chất xuất khẩu trong 5 tháng đầu năm đã giảm xuống 202 tỉ Euro, thấp hơn 7,9% so với cùng kỳ năm trước. Nhu cầu yếu tại châu âu và sự suy thoái môi trường kinh doanh do tác động của dịch COVID-19 đã ảnh hưởng bất lợi đến doanh số của các công ty hóa chất EU. Tỷ lệ sử dụng công suất trong khu vực EU nửa đầu năm 2020 cũng thấp hơn 9% so với cùng kỳ năm trước.

CEFIC cho biết, trong các nước EU thì sản lượng hóa chất của Pháp và Italia bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi cuộc khủng hoảng COVID-19. Nửa đầu năm 2020, sản lượng hóa chất của 2 quốc gia này đã giảm hơn 12% so với cùng kỳ năm trước, tiếp theo sau là Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha với mức giảm hơn 6,5%. Trong cùng thời gian đó, Bỉ và Hà Lan đã ghi nhận mức giảm khoảng 6% của sản lượng hóa chất, trong khi đó sản lượng hóa chất của Đức và Ba Lan giảm 3,6% và 1,7% tương ứng, sản lượng hóa chất của Anh giảm 6,2%.

Nhưng trong thời gian trên, một số lĩnh vực hóa chất của EU cung cấp cho chuỗi cung ứng trong thời gian của dịch đã đạt mức tăng trưởng so với năm trước. Ví dụ, sản lượng xà phòng và chất tẩy rửa ghi nhận mức tăng 2,9%.

Tình hình xuất nhập khẩu

Xuất khẩu hóa chất của 27 nước EU trong 5 tháng đầu năm 2020 đạt 72,4 tỉ Euro, giảm 2,7 tỉ Euro, tức là giảm 3,7% so với cùng kỳ năm trước. Xuất khẩu các sản phẩm hóa dầu của EU sang Mỹ tăng 2,3 tỉ Euro (+8,8%), nhưng xuất khẩu hóa chất tinh khiết và hóa chất tiêu dùng giảm đáng kể.

Xuất khẩu hóa chất của EU sang Trung Quốc đạt 6,3 tỉ Euro, tăng 1,2% so với cùng kỳ năm trước. Nhưng những dữ liệu mới nhất của CEFIC cho thấy xuất khẩu hóa chất của EU nhìn chung giảm và không có dấu hiệu rõ ràng về sự phục hồi của hoạt động xuất khẩu này.

Nhập khẩu hóa chất vào các nước EU đạt 56,2 tỉ Euro, giảm 800 triệu Euro (1,4%) so với cùng kỳ năm trước. Sự suy giảm của nhập khẩu polyme (-2,1 tỉ Euro) và hóa chất tiêu dùng (-400 triệu Euro) đã góp phần nhiều nhất vào bức tranh suy giảm của tổng kim ngạch nhập khẩu. Tuy nhiên, đã có sự gia tăng đáng kể của nhập khẩu hóa chất chuyên dụng và các hợp chất hóa dầu vào khu vực 27 nước EU trong 5 tháng đầu năm. Trong khi đó, nhập khẩu hóa chất từ Trung Quốc đạt 6,5 tỉ Euro, tăng 0,6%.

Xu hướng suy giảm chung trên thế giới

Sự suy giảm 3,4% của sản lượng hóa chất toàn thế giới trong nửa đầu năm 2020 phản ánh xu hướng suy yếu trong các lĩnh vực tiêu thụ cuối dòng quan trọng, cho thấy tăng trưởng của sản xuất hóa chất ở tất cả các nước đã chậm lại. Ấn Độ và Nhật Bản là những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất, sản lượng hóa chất của hai quốc gia này giảm 14,1% và 9,2% tương ứng so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng hóa chất của Mỹ và khu vực 27 nước EU cũng giảm trên 5%, trong khi đó sản lượng hóa chất của Trung Quốc giảm 2,1%. Theo CEFIC, Trung Quốc vẫn là trường hợp ngoại lệ, sản lượng hóa chất tại đó đã phục hồi theo hình chữ V, sản lượng trong tháng 7 đạt mức cao nhất từ trước đến nay.

Triển vọng phục hồi

Các dữ liệu về sản xuất hóa chất tại khu vực 27 nước EU cho thấy những dấu hiệu mong manh về sự hồi phục. Sản lượng hóa chất tháng 6/2020 tăng 2,9% so với tháng 5, nhưng vẫn thấp hơn 9% so với mức trước khi bắt đầu xảy ra khủng hoảng (tháng 2/2020). CEFIC cho rằng, sản xuất hóa chất của EU đã hồi phục dần và có vẻ như đã vượt qua thời điểm yếu nhất của cuộc khủng hoảng (tháng 4/2020).

Theo CEFIC, các doanh nghiệp vừa và nhỏ hoạt động trong lĩnh vực hóa chất vẫn phải đối mặt với các vấn đề về thanh khoản sau khi dịch COVID-19 bùng phát. Nhiều doanh nghiệp trong số đó là những doanh nghiệp gia đình cỡ trung và thường không có nguồn lực trợ giúp lớn. Trong thời gian tới, họ sẽ tiếp tục gặp vấn đề về thanh toán chậm cho khách hàng.

Mặc dù công nghiệp hóa chất EU đã bị ảnh hưởng nặng nề vì cuộc suy thoái kinh tế hiện nay, nhưng CEFIC nhận thấy có một số dấu hiệu ban đầu, tuy còn rất khiêm tốn, về sự hồi phục của sản lượng hóa chất châu âu. Tác động của dịch COVID-19 tuy dao động khác nhau giữa các lĩnh vực công nghiệp hóa chất, nhưng hoạt động sản xuất nhìn chung giảm ở tất cả các lĩnh vực. Tốc độ triển khai một số kế hoạch đầu tư cũng bị ảnh hưởng.

CEFIC cho rằng, với khung chính sách hợp lý, gói cứu trợ kinh tế của EU có thể trở thành cơ hội để ưu tiên đầu tư vào các giải pháp phát triển bền vững và thân thiện môi trường, ví dụ các nhà máy crăcking vận hành bằng điện năng, cơ sở hạ tầng cho hoạt động tái chế hóa chất, sản xuất và lưu trữ hydro, thu giữ và lưu trữ CO­2­ cũng như các công nghệ mới khác.

HV

Theo Chemical Week, 8/2020