Anh Lê Văn Hoằng-Chủ tịch Công đoàn Cty CP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao bảo đời mình hiếm khi nào thấy đơn vị trải qua những thử thách lớn như thế.
Đỉnh đại dịch Covid-19 đã qua hơn 1 năm nhưng những kỷ niệm thì vẫn tươi mới chỉ như hôm qua. Ngày 20 tháng 10 năm 2021 Công ty CP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao bước vào ba tại chỗ. Lãnh đạo đơn vị đã phối hợp với Công đoàn chăm lo cho 600 lao động làm việc tại chỗ, sắm sửa từng trang thiết bị cá nhân cho họ như giường, màn, tivi… cũng như lương thực, thực phẩm đủ để họ ăn uống trong 20 ngày, không được ra khỏi cổng, 1 tuần 3 lần test, tận dụng các phòng trống hay hội trường để ngủ, nghỉ.
Vật chất được là thế nhưng thực sự tinh thần cũng bí bách cộng thêm nỗi nhớ con cái, gia đình nhưng hầu hết lao động trong hoàn cảnh đó đều chia sẻ với lãnh đạo công ty, bởi họ biết có những dây chuyền không thể dừng được như axit và supe, phải sản xuất liên tục 3 ca, bởi nhu cầu của nông dân vẫn cần phân bón để chăm sóc cho ruộng đồng.
Đó là thời điểm căng thẳng nhất đối với Công ty CP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao mà dư âm còn lại của Covid-19 đến tận 1 tháng 4 đơn vị mới bắt đầu trở lại sản xuất tương đối bình thường, tuy nhiên vẫn còn ảnh hưởng, lác đác người bị nên duy trì thêm 2 tháng nữa thực hiện xét nghiệm định kỳ mỗi tuần 1 lần. Sau Covid-19 lại đến chiến tranh Nga-Ucraina, giá cả nhiều loại nguyên liệu biến động mạnh, tăng lên rất cao. Thêm vào đó nông dân giảm mua phân bón thậm chí bỏ hoang đất bởi giá nông sản thấp khiến cho cả ngành sản xuất phân bón gặp khó khăn.
Giữa bão giông, sóng to, gió lớn ấy, lãnh đạo đơn vị vẫn ra sức chèo lái, đưa “con thuyền” Lâm Thao về bến bình yên, đảm bảo đủ việc làm cho người lao động, không phải nghỉ một ai. Bằng những giải pháp quản trị, phương thức bán hàng phù hợp, dự kiến trong năm nay đơn vị vẫn đạt kế hoạch sản xuất, kinh doanh của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam giao, mức lương trung bình dự kiến đạt hơn 10 triệu/người/tháng.
Chăm lo tốt về đời sống tinh thần cho cán bộ, công nhân viên đơn vị kỷ niệm 60 năm đã tổ chức các cuộc gặp gỡ thân mật, ấm cúng; các hội diễn văn nghệ, thể thao cup 24 tháng 6, hội thao của Tập đoàn hóa chất Việt Nam với 18 đơn vị tham gia vui “tung trời”.
Theo nguyện vọng của người lao động nữ, Công đoàn giao cho Ban nữ công tổ chức các lớp yoga, khiêu vũ…rất đông chị em tham gia, về phía nam có các câu lạc bộ bóng đá, cầu lông, tenis, bóng bàn hoạt động thường xuyên, còn bóng chuyền thì tham gia cả nam lẫn nữ. Tinh thần thể dục thể thao lành mạnh ấy còn lan tỏa trong cả cộng đồng khu dân cư khi trời chiều, đêm hay về sáng đều đông người dân ra tham gia cùng.
Bước vào sản xuất từ năm 1962 với nhiều cán bộ từ quân đội chuyển sang xây dựng công ty nên ở Supe Lâm Thao hiện có những gia đình 3 thế hệ gồm ông bà, bố mẹ và cháu, còn phổ biến hơn là những gia đình 2 thế hệ và hàng trăm cặp vợ chồng cùng làm dưới một mái nhà máy. Anh Lê Văn Hoằng-Chủ tịch Công đoàn Công ty CP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao tâm sự: “Thời cao điểm nhất cách đây quãng 30 năm, công ty có gần 5.000 lao động, riêng một xưởng đóng bao là 980 lao động.
Cho đến thời điểm này, áp lực của ngành phân bón, của việc cải tiến cơ giới hóa, tự động hóa, bắt buộc phải giảm lao động, còn khoảng 1.950 người để giữ đảm bảo được đời sống và nâng cao được mức lương. Từ năm 2010 khi công ty bước vào cổ phần hóa, có 4 đơn vị đã tách ra thành công ty cổ phần gồm cơ khí, dệt may, vận tải, khí công nghiệp nhưng các đoàn viên, đảng viên vẫn sinh hoạt cùng nhau.
Tôi làm việc ở công ty đã 36 năm, cảm nhận chung về văn hóa Supe Lâm Thao thứ nhất là tinh thần đoàn kết. Thời chiến tranh tôi không được biết đến, nhưng sau này có những lúc khó khăn, thăng trầm, rất vất vả vì dịch bệnh Covid-19, vì không bán được hàng, tuy nhiên nhờ sự đoàn kết mà công ty vẫn vượt qua được hết.
Thứ hai là tinh thần lao động sáng tạo, mỗi năm đơn vị có trăm sáng kiến, đề tài được áp dụng, làm lợi nhiều triệu đồng, rất nhiều năm là lá cờ đầu của ngành phân bón cũng như của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam. Ví dụ như gần đây là chuyện đạt giải thưởng Vifotec, như xử lý axit trong supe lân, xử lý khí thải, như không còn nước thải ra ngoài sông nữa mà đưa vào tuần hoàn, khép kín…”