Mặc dù “khó khăn chồng chất khó khăn” nhưng Công ty TNHH Một thành viên Apatit Việt Nam đã nỗ lực vượt khó và tăng trưởng bền vững, đồng thời chú trọng đến công tác khai thác sâu, có trách nhiệm với nguồn “vàng nâu” của đất nước.
Chỉ tiêu tăng trưởng bền vững
Ông Nguyễn Tiến Cường - Tổng giám đốc công ty cho biết, trong năm 2016, công ty gặp rất nhiều khó khăn như: công tác xin cấp phép lại khai trường đang khai thác, các khai trường tạm đóng cửa, các khai trường đã được Chính phủ đồng ý chủ trương cấp cho Công ty chưa được giải quyết dẫn đến khó khăn trong việc hoạch định kế hoạch và tổ chức sản xuất. Trong khai thác và tuyển quặng: các khu vực bãi thải, hồ thải đã hết dung tích chứa, việc mở rộng khu vực bãi, hồ thải mới gặp rất nhiều khó khăn nên ảnh hưởng nhiều đến sản xuất và tiến độ xây dựng cơ bản của Công ty...
Tuy nhiên, với nỗ lực vượt khó, Apatit Việt Nam vẫn hoàn thành tốt các chỉ tiêu cơ bản: Doanh thu đạt 3.936 tỷ đồng, bằng 116% kế hoạch năm. Giá trị sản xuất công nghiệp (giá thực tế) đạt 3.634 tỷ đồng , bằng 111% kế hoạch năm. Thu nộp ngân sách đạt 471,9 tỷ đồng, bằng 135,6 % kế hoạch năm. Thu nhập bình quân đạt trên 10 triệu đồng/người/tháng. Lợi nhuận trước thuế đạt 250,9 tỷ đồng. Sản lượng sản xuất: quặng apatit thương phẩm (loại 1,2 và tuyển) đạt 2.723.000 tấn...
Khai thác, chế biến sâu nguồn quặng
Trong công tác khai thác, Apatit Việt Nam vẫn kiên định con đường chế biến và khai thác sâu nguồn quặng. Công ty đã tổ chức thực hiện tốt công nghệ khai thác trong điểu kiện xuống sâu, ngập nước tại khai trường Mỏ Cóc 1. Thực hiện tốt khai thác triệt để, tận thu tài nguyên, giảm tổn thất tài nguyên trong quá trình khai thác. Thực hiện tốt trung hoà nguyên liệu quặng 3, đảm bảo tính khả tuyển cao cấp cho các nhà máy tuyển, thể hiện rõ trong hoạt động của các nhà máy tuyển 6 tháng cuối năm. Công ty đã nghiên cứu, tổ chức sản xuất kết hợp giữa khai thác và sàng rửa quặng 1 cục tại các nhà máy tuyển đê nâng cao tỷ lệ cục và chất lượng quặng cục cấp cho các nhà máy phốt pho.
Trong lĩnh vực tuyển khoáng, công ty luôn duy trì được hoạt động bằng việc kết hợp giữa tuyển quặng 3 và sàng rửa, nghiền lọc quặng 1 đáp ứng nhu cầu các loại sản phẩm cho thị trường, điều hòa được việc làm ở khu vực tuyến khoáng. Trong năm 2016 cả 3 nhà máy đã sàng rửa tách được 160.000 tấn quặng 1 cục cho phốt pho trên tổng số 380.000 tấn chiếm 42%, đảm bảo ổn định nguồn nguyên liệu quặng 1 cho các nhà máy phân bón hoạt động có hiệu quả.
Công ty cũng đã tập trung chỉ đạo quyết liệt để nâng cao hiệu quả tuyển quặng. Tiếp tục thực hiện mục tiêu tiết kiệm tài nguyên bằng việc huy động nguồn quặng 3 nghèo (hàm lượng P2O5 từ 8-10%) để trung hòa nhằm giảm hàm lượng quặng 3 đưa vào tuyển, tiếp tục đưa tảng sót tại tuyển Tằng Loỏng vào tái sử dụng nhằm tiết kiệm tài nguyên.
Những nỗ lực này đã đem lại hiệu quả: lượng quặng 3 đưa vào tuyển bình quân 3 nhà máy đã giảm 0,5% P2O5, trong đó riêng nhà máy tuyển Tằng Loỏng giảm 0,8% so với năm 2015. Cả 3 nhà máy tuyển thực hiện tuyển không tách tảng sót, ngoài ra còn đưa tảng sót tại các bãi lưu tái sử dụng đưa vào tuyển tại nhà máy tuyển Tằng Loỏng, khối lượng trong năm là: 90.000 tấn chiếm xấp xỉ 4% nguyên liệu đưa vào tuyển.
2017: Đẩy nhanh tiến độ cấp phép khai thác các khai trường
Năm nay, công ty đặt mục tiêu doanh thu tiêu thụ 3.571 tỷ đồng. Giá trị sản xuất công nghiệp đạt 3.636 tỷ đồng. Nộp ngân sách 449 tỷ đồng. Lợi nhuận phát sinh đạt trên 200 tỷ đồng. Thu nhập bình quân đạt trên 9,5 triệu đồng/người/tháng. Sản xuất quặng các loại đạt 2.640.000 tấn.
Công ty cũng tích cực triển khai các thủ tục cấp phép và đã được cấp giấy phép các khai trường Ngòi Đum - Đông Hồ, Cam Đường 2, Mỏ Cóc 1, khai trường 19, khai trường 26. Tích cực tháo gỡ vướng mắc về thủ tục để đẩy nhanh tiến độ xin cấp phép các khai trường: 18, Mỏ Cóc 2, khai trường 23; 30; khai trường Mỏ Ngọt - Phú Thọ.
Trao đổi thêm về vấn đề này, Tổng giám đốc Nguyễn Tiến Cường cho biết: hiện công ty cũng đang gặp khó khăn rất lớn trong công tác xin cấp giấy phép khai thác một số khai trường. Việc này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến kế hoạch sản xuất kinh doanh của công ty, dẫn tới nguy cơ không đáp ứng được nguồn nguyên liệu cho các nhà máy sản xuất phân bón trong Tập đoàn Hóa chất Việt Nam. Cụ thể, theo yêu cầu của UBND tỉnh Lào Cai tại văn bản số 1411/UBND-KT ngày 4/4/2017 yêu cầu “Dừng toàn bộ hoạt động khai thác quặng Apatit tại các khai trường theo bản đăng ký khai thác mỏ số 148Apa-93 ngày 28/8/1993, các khai trường đã hết hạn giấy phép khai thác. Đưa toàn bộ máy móc, thiết bị ra khỏi khu vực trên”.
Các khai trường Công ty phải dừng khai thác gồm khai trường Mỏ Cóc 1, khai trường 10 và khai trường Ngòi Đum - Đông Hồ. Đây là các khai trường cung cấp quặng 2 cho các nhà máy phân lân nung chảy thuộc Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, quặng 3 cấp liệu cho nhà máy tuyển Cam Đường, tuyển Tằng Loỏng. Việc dừng khai thác tại các khai trường này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến trên 600 cán bộ công nhân viên của 03 chi nhánh khai thác, 300 công nhân vận hành khu vực tuyển không có việc làm. Đồng thời thiếu nguyên liệu quặng 3 cho nhà máy tuyển, dẫn đến không hoàn thành được kế hoạch sản xuất kinh doanh của công ty trong năm 2017.
Việc dừng khai thác này cũng sẽ ảnh hưởng rất lớn đến các đơn vị trong tập đoàn, không cấp được nguyên liệu quặng 2 cho các nhà máy, dẫn đến các nhà máy phải dừng sản xuất gồm: Nhà máy phân lân nung chảy Văn Điển, phân lân nung chảy Ninh Bình và supe Lâm Thao... thuộc Tập đoàn Hóa chất Việt Nam và một số nhà máy sản xuất phốt pho tại khu công nghiệp Tằng Loỏng.
Trước khó khăn trên, mặc dù đã tập trung hoàn thiện hồ sơ theo yêu cầu của các cấp có thẩm quyền, nhưng đến nay công ty Apatit vẫn chưa được cấp phép đối với các khai trường nêu trên. Với truyền thống 62 năm xây dựng và phát triển, con số người lao động lên tới gần 3000 cán bộ công nhân viên, Apatit Việt Nam luôn tuân thủ các quy định về khai thác cũng như chế biến sâu nguồn quặng, đầu tư cho công tác bảo vệ môi trường. Chính vì thế, việc đẩy nhanh tiến độ cấp phép khai thác các khai trường, đồng thời tiếp tục được tiếp tục sản xuất ở các khai trường theo giấy phép 148 Apa-93 ngày 28/8/1993 trong khi chờ Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp lại giấy phép khai thác cho công ty là nhu cầu chính đáng và thiết yếu.
Về vấn đề quy hoạch, bản “Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng quặng apatit đến năm 2020, có xét đến năm 2030” đã không được triển khai thực hiện đúng theo Quyết định 1893/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 20/10/2014. Vì vậy rất cần có sự kiểm tra, rà soát việc thực hiện quy hoạch này để thực hiện cho đúng, có như vậy mới bảo vệ được nguồn tài nguyên apatit có một không hai của quốc gia.
Nguồn: Báo Công Thương