Vụ sản xuất Đông Xuân 2020-2021, mô hình thuộc Chương trình Canh tác lúa thông minh tại 13 tỉnh ĐBSCL của Phân bón Bình Điền đã giúp giảm được 34kg giống/ha. Chi phí đầu tư bình quân 18,768 triệu đồng/ha, so với 19,583 triệu đồng/ha đối chứng (giảm 4,16%).
Phân bón Bình Điền ra mắt Câu lạc bộ Canh tác thông minh
Đứng trước sự gia tăng của biến đổi khí hậu, ảnh hưởng ngày càng khốc liệt đến sản xuất nông nghiệp, nhất là sản xuất lúa tại đồng bằng sông Cửu Long, năm 2016, Công ty CP Phân bón Bình Điền đã chủ động phối hợp với Trung tâm Khuyến nông Quốc gia tổ chức Chương trình Canh tác lúa thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu.
Sau 2 năm 2016-2017 với 3 vụ lúa, chương trình đã thành công tốt đẹp.
PGS. TS Mai Thành Phụng - Thành viên thường trực Hội đồng cố vấn, chia sẻ, Chương trình đã tập hợp được các lực lượng, như trồng trọt, khuyến nông, các nhà khoa học nông nghiệp và doanh nghiệp với sự đoàn kết, đồng lòng cao; đạt được hiệu quả cả về kinh tế, xã hội và môi trường sống; vì một nền nông nghiệp phát triển bền vững.
“Chương trình vì người nông dân, lấy người nông dân làm trung tâm; giúp nông dân dần trở thành như là chuyên gia trên đồng ruộng của mình. Nông dân tự xử lý được các tình huống phức tạp xảy ra trong sản xuất do tác động của biến đổi khí hậu…”, PGS. TS Mai Thành Phụng cho hay.
Hội thảo Sơ kết mô hình Canh tác lúa thông minh vụ Đông Xuân 2020-2021 và triển khai mô hình vụ hè thu 2021 diễn ra ngày 8/4/2021 vừa qua
Đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của tình hình và mong muốn của bà con nông dân, năm 2019 Bình Điền đã tổ chức mô hình Canh tác lúa thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu trên vùng đất phèn mặn tại 2 huyện Hòn Đất và Gò Quao, tỉnh Kiên Giang.
Bằng việc giúp nông dân thực hiện đúng, đủ gói kỹ thuật thông minh đã được đúc rút, Bình Điền giúp địa phương lắp đặt trạm quan trắc tại đầu nguồn nước để thường xuyên nắm được các chỉ tiêu về chất lượng nước, như: độ mặn, độ PH, thủy triều…thông qua phần mềm Mekong, qua intenet; nông dân có thể cập nhật hằng giờ trên điện thoại để quyết định việc lấy nước vào ruộng lúa.
Tại ruộng, bố trí các ống cảm biến ướt khô xen kẽ (AWD TUBE) để đo mực nước đang có trên ruộng, kế đó là trạm bơm nước thông minh, có thể tưới, tiêu nước được từ xa bằng điện thoại thông minh. Mô hình đã bước qua được thử thách.
Theo GS.TS Nguyễn Bảo Vệ (Trường Đại học Cần Thơ), mô hình cho lợi nhuận trên 4 triệu đồng/ha, chi phí sản xuất giảm 3 triệu đồng/ha, lại góp phần bảo vệ môi trường từ việc giảm nước tưới, giảm thuốc bảo vệ thực vật, giảm phân bón nhất là phân đạm.
Tháng 11/2020, tại Hậu Giang, Bình Điền cùng với Trung tâm Khuyến nông Quốc gia ký thỏa thuận hợp tác tiếp tục thực hiện Chương trình Canh tác lúa thông minh tại 13 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long trong 2 năm 2020-2021, với kinh phí đầu tư trên 2 tỷ đồng. Cụ thể, chọn 4 hộ làm mô hình trong một tỉnh, với quy mô mỗi hộ 0,5 ha. Tổng cộng có 47 hộ nông dân tham gia, canh tác 24 ha.
Chương trình được xây dựng trên cơ sở quy trình do ban cố vấn biên soạn từ nền tảng thành công các năm 2016-2017, trong đó áp dụng đồng bộ các giải pháp canh tác và tiến bộ kỹ thuật, như: 1 phải 5 giảm, 3 giảm 3 tăng, quản lý nước ướt khô xen kẽ, quản lý dịch hại theo IPM.
Nông dân thực hiện mô hình nhất thiết phải dùng giống xác nhận phù hợp với từng vùng và gieo sạ từ 80kg/ha trở xuống; sử dụng bộ sản phẩm phân bón chuyên dùng của Bình Điền, trong đó đáng chú ý là phân bón lót Đầu Trâu mặn, phèn.
Chương trình đã đầu tư lắp đặt 8 trạm quan trắc mới tại Bạc Liêu, Sóc Trăng, Vĩnh Long, Bến Tre, Tiền Giang, cộng với 9 trạm đã lắp đặt tại Kiên Giang, tổng cộng là 17 trạm; chuyển giao bút đo độ mặn cầm tay và bộ test PH cho cán bộ kỹ thuật và nông dân; lấy mẫu đất ở tất cả các ruộng trong mô hình để phân tích tại Viện Khoa học - Kỹ thuật Nông nghiệp miền Nam; tập huấn thăm đồng cho 1500 lượt nông dân trong mô hình với sự tham gia của ban cố vấn và cán bộ kỹ thuật.
Trong quá trình thực hiện Chương trình nhận được sự phối hợp hết sức nhiệt tình và trách nhiệm của lãnh đạo địa phương, các trung tâm khuyến nông và dịch vụ nông nghiệp tỉnh. Các nhà khoa học nông nghiệp hàng đầu, như GS. TS Nguyễn Bảo Vệ, PGS. TS Mai Thành Phụng, TS Hồ Văn Chiến…, cán bộ kỹ thuật từ các trung tâm khuyến nông và dịch vụ nông nghiệp có chuyên môn và nghiệp vụ công tác đã luôn quan tâm, bám sát mô hình.
Nông dân nhiệt tình tham gia, chú tâm học hỏi và mạnh dạn áp dụng các giải pháp kỹ thuật đã được chương trình chuyển giao; lại có trong tay phương tiện kỹ thuật như bút đo độ mặn, bộ test PH, ống nước để áp dụng giải pháp ướt khô xen kẽ; đồng thời với bộ sản phẩm phân bón Đầu Trâu chuyên dùng chất lượng cao nên luôn yên tâm, tin tưởng.
Kết quả, vụ sản xuất Đông Xuân 2020-2021, mô hình Canh tác lúa thông minh đã giảm được 34kg giống/ha. Chi phí đầu tư bình quân 18,768 triệu đồng/ha, so với 19,583 triệu đồng/ha đối chứng (giảm 4,16%).
Có những mô hình (ở Sóc Trăng, Cần Thơ) chi phí đầu tư đã giảm hơn 3 triệu đồng/ha, trong đó phần giảm lớn nhất là từ thuốc bảo vệ thực vật.
Điều này có ý nghĩa rất tốt đến việc bảo vệ sức khỏe người dân và môi trường sống. Các loại phân như đạm, lân, kali nguyên chất cũng giảm rất nhiều (19,2kg đạm, 24,1kg lan, 6kg kali.) Nếu lượng giảm này được nhân ra tổng diện tích gieo cấy toàn vùng và cả nước thì rất lớn, trong khi năng suất trong mô hình thấp nhất là 7,5 tấn thóc/ha, cao nhất 11,8 tấn/ha; cao hơn đối chứng 6,6%, tức 550kg/ha.
100% mô hình đều cho lợi nhuận cao hơn đối chứng từ 1,4 triệu đồng đến 5,3 triệu đồng (Kiên Giang), 6,6 triệu đồng/ha (Vĩnh Long).
Ông Trần Văn Tình (ấp Cây Chôm, xã Lình Huỳnh, huyện Hòn Đất) hồ hởi nói: “Làm lúa thông minh theo hợp tác xã thế này, thật khỏe. Đầu vào, đầu ra có ban quản lý lo, không phải chăm chăm tối ngày thăm ruộng như trước, cứ ngồi nhà, hay đi du lịch ở xa vẫn biết ruộng của mình ra sao, có cần tưới hay tiêu bớt nước, tưới bao nhiêu nước là vừa tùy vào thời kỳ sinh trưởng của cây lúa. Cả việc so màu lá lúa cũng qua điện thoại được, để biết phải tăng giảm phân bón cho đúng kỹ thuật.
Theo ông Ngô Văn Đông - Tổng Giám đốc Công ty CP Phân Bón Bình Điền, Công ty cam kết sẽ tiếp tục mô hình, thiết thực mang đến cho người nông dân sản xuất lúa ở khắp các vùng miền đất nước bớt đi nỗi vất vả, nhọc nhằn, có thu nhập ngày càng cao hơn, làm giàu được từ chính đồng ruộng của mình.
“Từ kết quả đã thấy rõ, chúng tôi mong muốn các doanh nghiệp, các lực lượng chuyên môn vào cuộc, giúp cho Canh tác thông minh không chỉ dừng lại ở mô hình, mà là trên những cánh đồng lớn, toàn vùng và cả nước”, ông Ngô Văn Đông nhấn mạnh.
Nguồn: Congthuong.vn