Ngày 28/8/2019, Đoàn công tác Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp do đồng chí Nguyễn Hoàng Anh, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp làm trưởng đoàn cùng các đồng chí đại diện các Vụ, Văn phòng Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp đã đến làm việc tại Công ty Cổ phần DAP - VINACHEM.
Tham gia đón tiếp và làm việc với Đoàn công tác, về phía Tập đoàn Hóa chất Việt Nam có đồng chí Nguyễn Phú Cường - Chủ tịch HĐTV; đồng chí Phùng Quang Hiệp, Phó Tổng giám đốc, phụ trách Tập đoàn; Lãnh đạo các Ban chuyên môn Tập đoàn; Lãnh đạo Công ty Cổ phần DAP - VINACHEM.
Tại buổi làm việc, đoàn công tác đã được nghe đồng chí Nguyễn Văn Sinh, Tổng giám đốc công ty báo cáo về Dự án và tình hình hoạt động của công ty. Theo đó, Dự án đầu tư Nhà máy sản xuất phân bón Diamon phốt phát (DAP) công suất 330.000 tấn/năm được phê duyệt ngày 29/7/2002 với mục tiêu góp phần đảm bảo ổn định và chủ động trong việc cung cấp phân bón DAP cho phát triển nông nghiệp, hạn chế nhập khẩu, sử dụng có hiệu quả hơn nguồn tài nguyên quặng apatit có sẵn trong nước, tạo công ăn việc làm cho hơn 700 lao động tại Công ty, góp phần thúc đây phát triển các ngành khai khoáng và vận tải. Đây là dự án nhóm A, được khởi công ngày 27/7/2003 với tổng mức đầu tư được duyệt là 2.765 tỷ đồng. Ngày 12/4/2009 chạy thử ra tấn sản phẩm phân bón cao cấp DAP đầu tiên và năm 2010 bắt đầu sản xuất thương mại.
Dự án sử dụng dây chuyền công nghệ được mua bản quyền công nghệ của các hãng nổi tiếng trên thế giới (Mosanto - Hoa Kỳ, Đravon - Vương quốc Bì; INCRO - Tây Ban Nha); về phần mềm, thiết bị và hệ thống điều khiển nhập khẩu của hãng Siemens Cộng hoà Liên bang Đức.
Ngày 30/8/2011 hoàn thành dự án và hoàn thành quyết toán xong toàn bộ dự án tháng 11/2013. Đến ngày 05/9/2018 tất toán toàn bộ (gốc và lãi) vốn vay đầu tư Dự án.
Sau khi đưa vào sản xuất thương mại, theo Báo cáo nghiên cứu khả thi thì Dự án sẽ lỗ trong 5 năm đầu đi vào sản xuất, từ năm thứ 6 mới xuất hiện lãi. Tuy nhiên, ngay từ năm 2009 chạy thử dự án đã có lợi nhuận (nếu tính riêng phần chỉ phí chạy thử sang chỉ phí dự án). Các năm từ 2010 đến 2015 đều đạt lợi nhuận cao, lũy kế lợi nhuận các năm này đạt 747,065 tỷ đồng. Năm 2016, Công ty xuất hiện lỗ 461,798 tỷ đồng. Năm 2017, Công ty đã thoát lỗ và đạt được lợi nhuận 14,783 tỷ đồng. Năm 2018 đạt lợi nhuận 227,145 tỷ đồng.
Tính đến 30/6/2019, Nhà máy DAP Hải Phòng đã cung ứng trên 2,32 triệu tấn phân bón DAP ra thị trường, góp phần bình ổn giá phân bón trong nước, tạo công ăn việc làm thường xuyên cho hơn 650 lao động tại Công ty. Lũy kế giá trị SXCN theo giá thực tế từ năm 2010 đến nay đạt 21.347,5 tỷ đồng. Nộp ngân sách đạt trên 420 tỷ đồng.
Như vậy, Dự án đi vào sản xuất đã góp phần đảm bảo ổn định và chủ động nguồn cung cấp phân bón chất lượng DAP cho phát triển nông nghiệp, góp phần hạn chế nhập khẩu, tiết kiệm ngoại tệ, kiềm chế việc sốt giá phân bón từ năm 2010 đến nay. Dự án đã sử dụng 100% nguyên liệu sản xuất trong nước như quặng apatit, amoniac, than... giải quyết công ăn, việc làm ổn định cho hơn 650 lao động. Ngoài ra với tổng mức đầu tư của Dự án được duyệt là 2.765 tỷ đồng, sau khi dự án hoàn thành quyết toán là 2.328 tỷ đồng (giảm chi phí 437 tỷ đồng). Qua 9 năm hoạt động (2010 đến 2018), lợi nhuận lũy kế đạt trên 527,19 tỷ đồng (đã trừ khoản lỗ của năm 2016).
Về tình hình xử lý, tiêu thụ thạch cao PG, 7 tháng đầu năm 2019 tiêu thụ được hơn 120.000 tấn, tính trung bình tiêu thụ được khoảng gần 20.000 tấn/tháng. Sản lượng tiêu thụ thạch cao năm 2019 đã tăng gấp đôi so với năm 2018, nhưng chưa đạt được sản lượng như kỳ vọng do khó khăn về thị trường tiêu thụ. Hiện nay sản phẩm thạch cao nhân tạo đang được tiêu thụ tại hơn 20 nhà máy xi măng trong nước. Tuy nhiên, sản lượng tiêu thụ còn thấp, do phải cạnh tranh gay gắt của thạch cao tự nhiên nhập khẩu từ Oman, với giá bán thấp. Ngoài ra, sản phẩm thạch cao nhân tạo chế biến từ chất thải thạch cao PG của Công ty DAP, là sản phẩm mới xuất hiện trên thị trường, nên các nhà máy xi măng cần thời gian vừa đưa vào sử dụng, vừa đánh giá hiệu quả.
Năm 2018, Công ty đã cung cấp bã thạch cao PG cho Công ty CP Xây dựng và Tư vấn đầu tư Hoàng Lê (Công ty Hoàng Lê) để thử nghiệm làm cốt móng đường giao thông nông thôn tại 03 địa điểm: Xã Tam Kỳ, huyện Kim Thành, Hải Dương; Xã Đại Bản và xã An Đồng thuộc huyện An Dương, Hải Phòng; Công ty Hoàng Lê đang triển khai sử dụng thạch cao PG chế biến làm cốt nền đường giao thông, bãi chứa hàng và gạch tự xếp ICP. Đây là hướng đi rất khả thi, đúng hướng, phù hợp với các công trình đường nông thôn và các kho bãi chưa hàng ở các cảng lớn.
Tuy nhiên, hiện tại Công ty còn gặp nhiều khó khăn: Từ cuối năm 2018 đến nay, giá phân bón thị trường thế giới cũng như thị trường trong nước liên tục sụt giảm; Ảnh hưởng của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc đã tác động, Trung Quốc phải phá giá đồng Nhân dân tệ, hàng loạt hàng hoá, nông sản xuất khẩu của Việt Nam trong đó có phân bón DAP bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Ngoài ra, Chính phủ Trung Quốc còn có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu phân bón (như giảm lãi suất ngân hàng, hỗ trợ giá điện, giảm thuế xuất khẩu về 0 đồng). Do đó làm cho sản lượng tiêu thụ sản phẩm qua kênh xuất khẩu suy giảm. Dự báo giá DAP trên thế giới 5 tháng cuối năm 2019 sẽ không tăng, mà có chiều hướng suy giảm so với giai đoạn đầu năm 2019. Chỉ phí sản xuất tăng do giá quặng apatit, cước vận chuyển, than, điện... tăng.
Công ty cũng đưa ra một số kiến nghị với cơ quan quản lý nhà nước và Tập đoàn Hóa chất Việt Nam như: Xem xét điều chỉnh một số nội dung trong Luật số 71/2014/QH13 về sản xuất và kinh doanh phân bón theo hướng chuyên phân bón sang danh mục mặt hàng chịu thuế GTGT; Để tạo sự cạnh tranh lành mạnh ở thị trường trong nước, tiếp tục duy trì và kéo dài hiệu lực mức thuế tự vệ đối với phân bón DAP nhập khẩu từ nước ngoài; Có ý kiến để Bộ Xây dựng sớm ban hành văn bản hướng dẫn phương pháp xác định giá dịch vụ xử lý chất thải rắn thạch cao PG hoặc sớm ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, hướng dẫn kỹ thuật, định mức kinh tế quy định việc xử lý, sử dụng thạch cao PG làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng hoặc sử dụng trong các công trình xây dựng để giúp Công ty có cơ sở lập dự toán, đấu thầu lựa chọn đơn vị thực hiện hạng mục dịch vụ xử lý, tiêu thụ bã thạch cao PG; Sớm ban hành quy chuẩn, tiêu chuẩn hoặc văn bản hướng dẫn sử dụng thạch cao PG làm vật liệu san nền (làm nền đường, vật liệu xây dựng), để có căn cứ pháp lý sử dụng đại trà; Cho phép điều chỉnh thời gian lưu giữ bã thạch cao PG từ 02 năm lên 05 năm như Báo cáo đánh giá tác động môi trường và thiết kế đã được phê duyệt. Xem xét giảm thuế VAT đối với thạch cao nhân tạo sản xuât từ bã thải góp phần bảo vệ môi trường về 0% và tăng thuế nhập khẩu thạch cao tự nhiên lên 10%.
Phát biểu kết luận buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Hoàng Anh đánh giá cao nỗ lực của Công ty, của đội ngũ cán bộ công nhân viên công ty luôn nỗ lực phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ trong thời gian qua. Trong thời gian tới, Tập đoàn và Ủy ban quản lý vốn nhà nước sẽ cùng nhau tổng hợp các ý kiến và kiến nghị trước Quốc hội về một số vấn đề trong cơ chế chính sách liên quan đến phân bón, hóa chất và các sản phẩm phục vụ nông nghiệp, nhằm giúp các doanh nghiệp tháo gỡ khúc mắc trong hoạt động hiện nay. Đồng chí cũng yêu cầu Công ty cổ phần DAP - VINACHEM cần hoàn thiện hồ sơ để đưa dự án ra khỏi danh sách các dự án kém hiệu quả, qua đó nhằm hạn chế ảnh hưởng thương hiệu, mở rộng cơ hội đầu tư, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm. Cùng với đó, Công ty cần xây dựng chiến lược phát triển và khai thác thị trường rõ ràng hơn nữa trong cả ngắn hạn và dài hạn, tập trung nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh đi đôi với quan tâm đến việc ổn định đời sống của cán bộ công nhân viên.