Chủ tịch Ủy ban QLV NN tại DN làm việc tại Công ty CP Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc

11:18 SA @ Thứ Sáu - 23 Tháng Tám, 2019

Ngày 22/8/2019, Đoàn công tác Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp do đồng chí Nguyễn Hoàng Anh, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp làm trưởng đoàn cùng các đồng chí đại diện các Vụ, Văn phòng Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh doanh nghiệp đã đến làm việc tại Công ty Cổ phần Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc.

Tham gia đón tiếp và làm việc với Đoàn công tác, về phía Tập đoàn Hóa chất Việt Nam có đồng chí Nguyễn Phú Cường - Chủ tịch HĐTV; đồng chí Phùng Quang Hiệp, Phó Tổng giám đốc, phụ trách Tập đoàn, lãnh đạo các Ban chuyên môn Tập đoàn; lãnh đạo Công ty Cổ phần Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc.

Tại Công ty Cổ phần Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc đoàn công tác đã được nghe đồng chí Nguyễn Đức Ninh, Phó Tổng giám đốc phụ trách Công ty báo cáo về Dự án và tình hình sản xuất kinh doanh 7 tháng đầu năm. Theo đó, Dự án do liên danh nhà thầu WUHUAN-CMC-CECO làm tổng thầu EPC. Chủ đầu tư thành lập ban quản lý dự án để triển khai thực hiện dự án, ngoài ra thuê đơn vị tư vấn là: Liên danh nhà thầu WOOLIM-IDIC.,JSC thực hiện thẩm tra thiết kế, giám sát thi công xây lắp công trình; và Liên danh nhà thầu Vinacontrol-CONINCO-SGS kiểm tra chất lượng thiết bị, kiểm định chất lượng và cấp chứng nhận sự phù hợp chất lượng công trình.

Dự án khởi công ngày 28/11/2010 và tháng 4/2015 được bàn giao đưa vào vận hành thương mại sau khi chạy máy nghiệm thu 72 giờ đảm bảo các yêu cầu của Dự án. Ngày 16/12/2015 chủ đầu tư và nhà thầu EPC đã ký biên bản nghiệm thu công trình đưa vào sử dụng theo đúng quy định. Công nghệ sử dụng là các công nghệ tiên tiến hiện nay đang được ứng dụng rộng rãi trên thế giới, đối với công đoạn chính sử dụng công nghệ của các nước Châu Âu, G7 như công nghệ khí hóa than cám khô Shell - Hà Lan; Công nghệ metanol lỏng nhiệt độ thấp (Rectisol) và Rửa nitơ lỏng của hãng Linde - Đức; Tổng hợp Amoniac của Haldor Topsoe - Đan Mạch; Tổng hợp Urê của Snamprogetti - Italia. Các thiết bị quan trọng và thiết bị do bản quyền chỉ định có xuất xứ từ EU, G7, Ấn Độ chiếm gần 40% giá trị thiết bị Dự án. Các thiết bị mới 100%, được kiểm tra, giám sát và nghiệm thu tại hiện trường đảm bảo yêu cầu kỹ thuật. Thực tế trong thời gian qua các thiết bị đều vận hành ổn định và đồng bộ với dây chuyền.

Từ khi Dự án Cải tạo mở rộng Nhà máy Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc đi vào khai thác tháng, Công ty đã tiếp cận và làm chủ được công nghệ sản xuất, nhờ đó sản lượng sản xuất nâng dần qua các năm, định mức tiêu hao luôn thấp dưới định mức bảo đảm của dự án, bảo đảm an toàn môi trường trong sản xuất. Sản phẩm đảm bảo chất lượng và sản xuất đến đâu tiêu thụ hết đến đó với giá bán tương đương và cao hơn bình quân trên thị trường.

Dù vậy, Công ty gặp rất nhiều khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh, đặc biệt liên quan đến nguồn cung và giá than nguyên nhiên liệu phục vụ sản xuất. Cùng với đó, sức ép cạnh tranh từ thị trường phân bón trong nước ngày càng lớn, trong khi các chi phí cố định tăng cao như khấu hao, lỗ tỷ giá, ảnh hưởng bất lợi kép của chính sách Luật thuế số 71/2014/QH13 (thuế GTGT đầu vào không được khấu trừ đưa vào chi phí và cạnh tranh về giá bán với hàng nhập khẩu) dẫn đến kết quả kinh doanh vẫn còn thua lỗ, lãnh đạo Công ty cho biết, trong đó nhấn mạnh đến việc trả nợ không đảm bảo tiến độ nên chi phí tài chính, đặc biệt là lãi phạt quá hạn tăng cao, gánh nặng về tài chính (chiếm gần 1/3 doanh thu) ngày càng lớn theo thời gian.

Về tình hình hoạt động xuất kinh doanh 7 tháng đầu năm, giá trị SXCN đạt 1.774 tỷ đồng bằng 56,4% kế hoạch cả năm; Urê sản xuất 197.717 tấn bằng 60,2% cả năm; Urê tiêu thụ đạt 196.018 tấn bằng 59,3% cả năm; Doanh thu đạt 1.841 tỷ đồng bằng 61,7% kế hoạch cả năm. Kết quả sản xuất kinh doanh 7 tháng năm 2019 lỗ 240,6 tỷ, tăng lỗ 53,8 tỷ đồng so cùng kỳ năm 2018.

Về nguyên nhân lỗ: mặc dù trong thời gian qua, giá bán Urê tăng và doanh thu hoạt động tài chính tăng nhờ lợi nhuận từ hoạt động thoái vốn tại Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Phân bón Bắc Giang. Hoạt động khai thác phân khúc tiêu thụ Urê nguyên liệu và tận dụng 2 dây chuyền độc lập sản xuất thêm Urê cao cấp của công ty đã có hiệu quả, gia tăng sức cạnh tranh của sản phẩm Urê trên thị trường. Tuy nhiên, giá bán NH3 giảm trong khi giá nguyên liệu đầu vào là than lại tăng, cùng với mức tăng của thuế GTGT không được khấu trừ và chi phí phát sinh lãi phạt (chủ yếu do phát sinh lãi phạt) đã đẩy mức lỗ của Công ty lên cao hơn.

Trong thời gian tới, để giải quyết các vấn đề này Công ty sẽ liên tục bám sát tình hình vận hành của thiết bị, khống chế các chỉ tiêu công nghệ phù hợp, duy trì ổn định phương thức sản xuất ở phụ tải hợp lý để giảm chi phí sản xuất, kết hợp với chú trọng quản lý vật tư đầu vào và tiết giảm chi phí.

Trong bối cảnh nguồn than từ TKV ngày càng thiếu hụt do nhu cầu than trong nước tăng cao, để chủ động cho sản xuất, Đạm Hà Bắc đang chủ động tìm kiếm các nguồn than khác ngoài TKV kể cả than nhập khẩu, từng bước đưa vào chạy thử nghiệm các chủng loại than để đa dạng hóa nguồn cung, chủ động cho sản xuất.

Cùng với đó, tiếp tục đẩy mạnh tiêu thụ Urê vào những thị trường truyền thống, thị trường mà Công ty có lợi thế về vị trí địa lý, thói quen và thương hiệu để giảm chi phí bán hàng, nâng cao hiệu quả. Trên cơ sở có 02 dây chuyền độc lập, Công ty cũng đang tiếp tục nghiên cứu sản xuất sản phẩm Urê mới với những ưu thế và sự khác biệt để nâng cao lợi thế cạnh tranh của sản phẩm này trên thị trường.

Đối với vấn đề tài chính, Công ty triển khai đôn đốc thu hồi công nợ để đảm bảo hiệu quả sử dụng vốn, tăng cường huy động vốn cũng như làm việc với đối tác, xây dựng kế hoạch sử dụng dòng tiền đảm bảo cân đối giữa việc trả nợ/lãi vay dài hạn với dự trữ vật tư an toàn cho sản xuất mang lại hiệu quả cao nhất về tài chính.

Công ty cũng đưa ra một số kiến nghị với cơ quan quản lý nhà nước và Tập đoàn cũng như các ngân hàng, nhằm xử lý bài toán tài chính hiện đang là vấn đề lớn nhất trong hoạt động sản xuất kinh doanh, bao gồm: Giảm lãi suất các khoản vay từ lãi suất vay vốn, đồng thời không tính lãi quá hạn (tính trên nợ gốc và lãi chậm trả) từ thời điểm phát sinh; Kéo dài thời hạn vay của Hợp đồng tín dụng cho tất cả các khoản vay trên cơ sở dòng tiền thực tế theo phương án sản xuất kinh doanh đảm bảo khả năng trả nợ; Đối với khoản chênh lệch giữa số lãi phải trả sau khi điều chỉnh sẽ phân bổ trả đều trong 10 năm kể từ năm 2025; Các ngân hàng đồng tài trợ tiếp tục hỗ trợ áp dụng lãi suất cho vay dài hạn bằng đồng USD đối với Công ty. Điều chỉnh luật thuế 71/2014/QH13 theo hướng đưa mặt hàng phân bón vào đối tượng điều chỉnh của Luật thuế giá trị gia tăng với thuế suất từ 0 đến 5%.

Kết luận tại buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Hoàng Anh - Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp cho rằng Công ty đang cho thấy hoạt động tốt từ đội ngũ lãnh đạo đến các chuyên gia và cán bộ nhân viên, “toàn tâm toàn ý” tập trung vào vận hành hiệu quả nhà máy. Công ty đã thực hiện tốt các chỉ tiêu cơ bản để đảm bảo hoạt động của nhà máy ngày càng hiệu quả hơn so với dự kiến. Đồng chí nhấn mạnh: “Đây là tiền đề để khẳng định với một đơn vị, tổ chức sản xuất kinh doanh thế này chúng ta hoàn toàn có thể yên tâm, vững tin sẽ có điều kiện hoạt động tốt nếu chúng ta tính toán được đầy đủ các yếu tố đảm bảo cho nhà máy vận hành tốt”.

Mặc dù công ty có nhiều nỗ lực trong việc triển khai các giải pháp cần thiết, tuy nhiên cần có cái nhìn toàn diện hơn, đánh giá được thực trạng của dự án, để từ đó đưa ra được những kiến nghị, yếu tố không chỉ đảm bảo hoạt động trong năm 2019-2020 mà phải đảm bảo cả quá trình hoạt động chung, ổn định phát triển lâu dài.

Đồng chí cũng chỉ ra, là đơn vị sản xuất, một mặt bên cạnh tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm, đầu tiên phải lo về vấn đề đầu tư cho dự án. Cần tính toán chuẩn mực các vấn đề liên quan đến khấu hao, máy móc thiết bị, giá cả cạnh tranh, vòng đời của dự án để xây dựng chủ trương kêu gọi đầu tư hợp lý.

Theo Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, với hoạt động công suất dây chuyền đạt đến trên 90% như hiện nay, lại là doanh nghiệp “đầu đàn” về phân bón và đội ngũ cán bộ vững vàng, làm chủ công nghệ, chất lượng máy móc thiết bị tốt, Đạm Hà Bắc chỉ còn bài toán tài chính cần giải quyết. Vậy nên nếu có tính toán tốt để đưa ra được các giải pháp hiệu quả thì việc mời đầu tư sẽ dễ dàng hơn. Đồng thời khẳng định Ủy ban Quản lý vốn cũng như các cơ quan quản lý nhà nước sẽ phối hợp chặt chẽ, đồng hành cùng Công ty về vấn đề chính sách, tạo cơ sở pháp lý vững chắc để Công ty hoạt động sản xuất kinh doanh ổn định.