Chiều ngày 16/9/2020, Đoàn công tác Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại Doanh nghiệp do đồng chí Nguyễn Hoàng Anh, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại Doanh nghiệp làm trưởng đoàn cùng các đồng chí đại diện các Vụ, Văn phòng Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại Doanh nghiệp đã đã có buổi làm việc với Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (VINACHEM).
Tham gia đón tiếp và làm việc với Đoàn công tác, về phía Tập đoàn Hóa chất Việt Nam có đồng chí Nguyễn Phú Cường - Chủ tịch HĐTV; đồng chí Phùng Quang Hiệp, Tổng giám đốc; Các đồng chí thành viên HĐTV, Phó Tổng giám đốc; Kiểm soát viên nhà nước; Trưởng các ban chuyên môn của Tập đoàn.
Thay mặt Tập đoàn, đồng chí Phùng Quang Hiệp, Tổng giám đốc Tập đoàn đã báo cáo tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh và đầu tư xây dựng của Tập đoàn trong 8 tháng năm 2020; Công tác tái cơ cấu Tập đoàn và việc ứng dụng CNTT góp phần xây dựng chính phủ điện tử. Theo đó, 8 tháng năm 2020, giá trị sản xuất theo giá thực tế ước đạt 24.382 tỷ đồng; Doanh thu ước đạt 25.962 tỷ đồng; Lợi nhuận: các đơn vị thuộc Đề án 1468 ước lỗ 2.601 tỷ đồng; Các đơn vị không thuộc Đề án 1468 lợi nhuận ước đạt 1.097 tỷ đồng bằng 112% so với cùng kỳ năm 2019; Tổng giá trị ước thực hiện ĐTXD trong năm 2020 của Tập đoàn đạt 532 tỷ đồng. Các dự án đầu tư có trong kế hoạch đầu tư xây dựng năm 2020 cơ bản triển khai đúng kế hoạch, tiến độ góp phần duy trì ổn định sản xuất của các đơn vị trong Tập đoàn Hóa chất Việt Nam.
Trước diễn biến của dịch bệnh Covid-19 lan rộng trên toàn cầu, tác động sâu sắc toàn diện tới mọi mặt đời sống xã hội của các quốc gia, trong đó có Việt Nam; đối với Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, tác động của dịch bệnh ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh và đầu tư; Cụ thể: các đơn vị thuộc Đề án 1468 tiếp tục gặp khó khăn về chi phí lãi vay đầu tư, đặc biệt là chi phí tăng mạnh do phải hạch toán lãi phạt trên lãi chậm trả; khó khăn trong việc vay vốn lưu động, lãi suất vay vốn lưu động tiếp tục phải chịu cao hơn mặt bằng thị trường từ 1 đến 2,5%; Nguồn cung cấp nguyên vật liệu, máy móc thiết bị chậm tiến độ hoặc phải mua giá cao kể cả đã có hợp đồng đối với các vật tư, thiết bị, nguyên nhiên vật liệu có nguồn gốc nhập khẩu. Hoạt động nhập khẩu các nguyên liệu chính cho sản xuất gặp rất nhiều khó khăn do các nhà máy dừng sản xuất và chính sách hạn chế mở cửa biên giới của hầu hết các nước, giá các loại nguyên vật liệu đều tăng do nguồn cung thiếu và chỉ phí vận chuyển tăng cao.
Tuy nhiên, trong giai đoạn dịch bệnh bùng phát đợt hai, các đơn vị trực thuộc Tập đoàn đã chủ động các giải pháp nhằm đảm đầu vào, nguồn cung cấp nguyên vật liệu cho sản xuất kinh doanh, khắc phục những khó khăn do dịch bệnh Covid-19 gây ra. Đến thời điểm hiện tại toàn Tập đoàn không phát hiện ca nhiễm Covid-19, hầu hết các đơn vị trong Tập đoàn đảm bảo duy trì việc làm và thực hiện các chế độ chính sách với người lao động như tiền lương, bảo hiểm xã hội, trợ cấp thất nghiệp theo đúng các quy định hiện hành.
Mặc dù gặp nhiều khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh, các đơn vị chuyên ngành Hóa chất cơ bản, Chất tẩy rửa, Thuốc sát trùng khẩn trương nghiên cứu, tổ chức sản xuất các sản phẩm phục vụ cho phòng, chống dịch bệnh, cung ứng ra thị trường. Đặc biệt các đơn vị trong Tập đoàn đã ủng hộ một số tổ chức, cơ quan, địa phương các sản phẩm để phòng chống virut Covid 19.
Trong 8 tháng năm 2020, tình hình tiêu thụ sản phẩm giảm mạnh do nhu cầu trong nước giảm nhất là với sản phẩm phân bón (do nhu cầu sử dụng phân bón thấp). Một số doanh nghiệp nước ngoài sản xuất tại Việt Nam ngừng trệ sản xuất, dẫn đến giảm tiêu thụ sản phẩm hóa chất công nghiệp và giá bán cũng giảm mạnh; Việc hạn chế giao thương hàng hoá qua biên giới giữa các nước không chỉ tác động đến việc nhập khẩu mà còn có tác động mạnh tới việc xuất khẩu các đơn hàng xuất khẩu bị hủy hoặc giảm sản lượng nghiêm trọng ở hầu hết các thị trường như Mỹ, Châu Âu, Brazin, các nước thuộc khu vực Đông Nam Á....chi phí vận chuyển tăng đột biến và khó thuê tầu. Đến thời điểm hiện tại, việc giao thương hàng hóa qua biên giới giữa các nước dần khôi phục tạo điều kiện cho việc xuất nhập khẩu hàng hóa ổn định trở lại.
Về công tác tái cơ cấu Tập đoàn. Tập đoàn tiếp tục thực hiện chủ trương cổ phần hóa Công ty mẹ Tập đoàn; Đề xuất điều chỉnh công tác cổ phần hóa đối với 02 đơn vị thành viên để phù hợp với tình hình thực tế trong giai đoạn 2021-2025; Tập đoàn và 04 đơn vị kém hiệu quả sẽ xây dựng Phương án sắp xếp, xử lý theo đúng thực trạng, mang tính khả thi, phù hợp với quy định pháp luật để những khó khăn của các doanh nghiệp này ảnh hưởng ít nhất đến hoạt động chung của toàn Tập đoàn cũng như trong công tác tái cơ cấu Tập đoàn giai đoạn 2021-2025, báo cáo Ủy ban, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Về việc ứng dụng CNTT góp phần xây dựng chính phủ điện tử và trục liên thông văn bản Ủy ban. Ngay sau khi nhận được văn bản của Ủy ban, Tập đoàn đã cho triển khai, xây dựng hạ tầng để thực hiện kết nôi 01 điểm cầu của hệ thống Hội nghị truyền hình. Đến nay, Tập đoàn và Ủy ban đã hoàn thành, thực hiện kết nối thành công; Phần mềm xử lý văn bản điện tử của Tập đoàn đã sẵn sàng kết nối với Trục liên thông văn bản Ủy ban. Tập đoàn và VNPT đang phối hợp triển khai để kết nối trục liên thông với Ủy ban trong thời gian sớm nhất.
Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Hoàng Anh đánh giá cao vai trò của Công nghiệp hóa chất trong giai đoạn hiện nay, đồng chí yêu cầu Tập đoàn trong quá trình cổ phần hóa, thoái vốn cần phải tính toán sao cho hợp lý nhất, giữ được nền tảng hóa chất cơ bản, nếu thấy bất cập cần phải kiến nghị ngay để từ đó giữ được vai trò, điều tiết và chi phối. Đồng thời phải phát huy sáng tạo để đưa ra những sản phẩm mới. Đồng chí cũng yêu cầu cần phải xử lý các dự án tồn tại càng nhanh càng tốt. Về phía Ủy ban đồng chí sẽ cùng các đơn vị chuyên môn nghiên cứu những kiến nghị của Tập đoàn để kiến nghị lên Chính phủ.