Công ty Cổ phần Phân lân nung chảy Văn Điển: Đồng hành tin cậy cùng nhà nông

09:44 SA @ Thứ Hai - 22 Tháng Tư, 2019

Nghiên cứu lựa chọn và sản xuất các loại phân bón có chất lượng tốt, thân thiện với môi trường là nhiệm vụ trọng tâm của Công ty Cổ phần Phân lân nung chảy Văn Điển (VADFCO) nhằm khẳng định vị trí thương hiệu của công ty và là người bạn đồng hành đáng tin cậy của nhà nông.

Chất lượng làm nên thương hiệu

Trong nhiều năm qua, các dòng sản phẩm chủ lực của VADFCO như phân nung chảy, các loại phân NPK đa yếu tố được đông đảo nhà nông cả nước tin dùng cho nhiều loại cây, loại đất; tăng khả năng chống chịu sâu bệnh; chịu hạn, chịu rét tốt; mang lại hiệu quả năng suất, chất lượng cao.

VADFCO có hệ thống dây chuyền công nghệ sản xuất hiện đại, nguồn nguyên liệu đầu vào hoàn toàn là quặng, khoáng thiên nhiên... Bên cạnh đó, các công đoạn được kiểm tra nghiệm thu chặt chẽ, nguyên liệu sản xuất được lựa chọn theo tiêu chuẩn quốc gia. Trước khi đưa ra một dòng sản phẩm cho một loại cây trồng, các loại phân bón đều được tiến hành thực nghiệm đồng ruộng. Phân bón Văn Điển cũng được doanh nghiệp sản xuất cam kết chất lượng đến cùng với bà con nông dân.

Công ty đã và đang cung cấp ra thị trường trên 60 loại phân bón khác nhau, phù hợp từng đồng đất, thời kỳ sinh trưởng của các loại cây với 16 loại phân bón chuyên dụng cho chè và rất nhiều loại phân bón chuyên dùng cho lúa, khoai tây, sắn, ngô, đậu lạc, cà phê, hồ tiêu, cao su… Đến nay, công ty là đơn vị duy nhất của Việt Nam sản xuất phân lân đạt trình độ quốc tế với nhiều sản phẩm đã xuất khẩu sang các thị trường lớn như: Nhật, Australia, Pháp, Hàn Quốc, Malaysia…

Nhờ các dòng sản phẩm chất lượng cao, được người nông dân tin dùng, VADFCO đã khẳng định được vị trí, thương hiệu và mang lại hiệu quả kinh doanh cao. Ông Văn Hồng Sơn - Tổng giám đốc VADFCO - cho biết, năm 2018, các chỉ tiêu chính như doanh thu, lợi nhuận đều đạt kế hoạch do Tập đoàn và Đại hội đồng cổ đông giao. Năm 2018, tổng doanh thu của công ty đạt 954.478 triệu đồng, lợi nhuận 59.200 triệu đồng...

Bảo đảm phát triển bền vững

Năm 2019, VADFCO phấn đấu tổng doanh thu đạt 953.000 triệu đồng, lợi nhuận 58.000 triệu đồng, sản lượng tiêu thụ 305.000 tấn… Để giữ vững và tăng trưởng thị phần, hoàn thành kế hoạch năm 2019, ông Văn Hồng Sơn cho hay, năm 2019, VADFCO sẽ cải tiến công tác bán hàng gắn liền với sản lượng và doanh thu, phù hợp với quy mô của từng đại lý và vùng, miền cụ thể; bảo đảm tính cạnh tranh lành mạnh...

Bên cạnh đó, cải tiến công tác marketing, quảng cáo sản phẩm, hình ảnh của công ty. Đồng thời, không ngừng nghiên cứu, đổi mới công nghệ; nâng cao năng suất máy móc, thiết bị, giảm chi phí giá thành và nâng cao chất lượng sản phẩm.

VADFCO cũng đặt mục tiêu nghiên cứu lựa chọn và sản xuất các loại phân bón có chất lượng tốt, thân thiện với môi trường; chuyên dùng cho từng loại cây trồng, từng thời gian sinh trưởng của cây, bảo vệ đất, tiết kiệm chi phí phân bón… “Trước mắt, trong năm 2019, VADFCO phấn đấu đưa ra thị trường 4 sản phẩm mới với chất lượng và mẫu mã đẹp, gồm 3 sản phẩm NPK cao cấp bổ sung chất vi lượng dễ hòa tan và 1 sản phẩm phân lân nung chảy cao cấp bổ sung chất vi lượng” - ông Văn Hồng Sơn cho biết.

Mặt khác, tập trung vào các hạng mục đầu tư để cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động và nâng cấp công tác quản lý của công ty. Đối với công tác bảo vệ môi trường, bảo đảm chấp hành và tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật với phương châm “làm tốt hơn những gì pháp luật quy định”.

Ngoài ra, đối với Dự án đầu tư xây dựng “Nhà máy sản xuất phân lân nung chảy và phân bón NPK Văn Điển tại khu B - Khu công nghiệp Bỉm Sơn - Thanh Hóa”, sẽ tiến hành tính toán lại hiệu quả, điều chỉnh quy mô và tiến độ dự án; bảo đảm sản xuất, kinh doanh, phát triển bền vững.

Với những đóng góp tích cực vào sự nghiệp phát triển nông nghiệp, nông thôn, VADFCO đã được tặng giải thưởng Bông lúa Vàng Việt Nam, Huy chương Vàng Hội chợ Nông nghiệp quốc tế, danh hiệu Anh hùng Lao động, Huân chương Độc lập hạng III, Sao Vàng đất Việt, Giải thưởng Quả cầu vàng; giải thưởng của Tổ chức Sở hữu Trí tuệ thế giới (WIPO).

Nguồn: Báo Công Thương