Thời gian qua, mặc dù hoạt động sản xuất, kinh doanh gặp nhiều khó khăn, song với tinh thần quyết tâm cao, lãnh đạo và người lao động Công ty CP DAP Lào Cai (Tập đoàn Hóa chất Việt Nam- Vinachem) đã nỗ lực hết mình để hoàn thành các mục tiêu kinh doanh.
Đa dạng hóa sản phẩm để giành thị phần
Theo báo cáo của Công ty CP DAP Lào Cai (DAP Lào Cai), hoạt động sản xuất, kinh doanh 6 tháng đầu năm 2018 của công ty có những tín hiệu tích cực. Theo đó, sản lượng DAP 6 tháng đạt 122.190 tấn, bằng 50,9% kế hoạch năm 2018 và tăng 98,2% so với cùng kỳ năm 2017. Khối lượng tiêu thụ là 126.57 tấn, đạt 52,7% so với kế hoạch năm 2018, tăng 95,5% so với thực hiện năm 2017.
Lãnh đạo DAP Lào Cai cho biết, từ cuối năm 2015 đến đầu năm 2017 là quãng thời gian khó khăn nhất của thị trường phân bón. Giá bán DAP trên thị trường trong nước giảm từ 20 - 25%, giá thế giới giảm từ 21 - 28% đã tác động không nhỏ đến sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm sản xuất trong nước. Quyết định áp thuế tự vệ phân bón DAP- MAP của Bộ Công Thương đã phần nào gỡ khó cho doanh nghiệp trước áp lực từ phân bón nhập khẩu, đồng thời cũng tạo cơ hội cho sản phẩm DAP của công ty lấy lại thị phần tiêu thụ. Nhờ đó, công ty đã từng bước thoát lỗ, sản xuất, kinh doanh ngày càng phát triển. Sản xuất, kinh doanh đã có những tín hiệu khởi sắc, giá bán những tháng cuối năm 2017 đã cao hơn chi phí biến đổi, chi trả được một phần lãi vay cố định phát sinh trong năm, dòng tiền cơ bản đảm bảo chi trả đủ chi phí nguyên vật liệu phục vụ sản xuất.
Nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, lãnh đạo công ty nhận định, ngoài việc không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm, nâng cao dịch vụ chăm sóc khách hàng, các chính sách thúc đẩy tiêu thụ... còn cần đa dạng hóa sản phẩm. Chính vì vậy, ngoài sản phẩm DAP với 3 màu sắc là vàng, đen và nâu café đang sản xuất, tiêu thụ trên thị trường, cuối năm 2017, công ty đã sản xuất thành công sản phẩm DAP màu xanh ngọc. Bước đầu đưa ra thị trường, sản phẩm đã được người tiêu dùng chấp nhận sử dụng. Tuy thị trường còn khó khăn nhưng với việc có thêm mặt hàng mới là DAP màu xanh ngọc đã khiến khối lượng tiêu thụ của công ty tăng đáng kể. Lãnh đạo công ty cho biết, kể từ khi mới được đưa ra thị trường, sản phẩm DAP màu xanh ngọc là mặt hàng chiếm thị phần lớn trong cơ cấu tiêu thụ DAP của công ty.
Bên cạnh đó DAP Lào Cai cũng đã làm việc với các đối tác nước ngoài, các đơn vị xuất khẩu trong nước, xuất khẩu thành công sang các thị trường khó tính như Hàn Quốc, Myanmar, Indonesia, Ấn Độ, Campuchia… với sự đánh giá rất tốt từ phía các khách hàng.
Dồn sức cho các mục tiêu cuối năm
Từ nay đến cuối năm, để hoàn thành kế hoạch đề ra, DAP Lào Cai tập trung thực hiện các giải pháp như: Sản xuất sản phẩm đa dạng về màu phù hợp với nhu cầu thị trường để tăng thị phần, sản lượng tiêu thụ; phát triển thị trường hướng đến đảm bảo tăng trưởng tiêu thụ ổn định tất cả các kênh bán hàng (đại lý, bán lẻ, bán trực tiếp cho các đơn vị sản xuất phân bón tổng hợp và xuất khẩu); tăng trưởng tiêu thụ trên cơ sở phát triển thị trường, thị phần tiêu thụ, sản phẩm hiện có, giảm cạnh tranh tiêu thụ về giá, chính sách thương mại. Theo đó, chú trọng củng cố nhân sự bán hàng và xây dựng chính sách bán hàng linh hoạt, sát thị trường. Ngoài ra, tập trung thực hiện các giải pháp thu hẹp giá bán sản phẩm của công ty với sản phẩm nhập khẩu.
Bên cạnh đó, DAP Lào Cai cũng đề nghị Chính phủ kiến nghị Quốc hội sửa đổi Luật Thuế 71/2014/QH13 theo hướng đưa mặt hàng phân bón vào đối tượng điều chỉnh của Luật Thuế giá trị gia tăng với thuế suất từ 0 đến 5%; sửa đổi Nghị định 122/2015/NĐ-CP về cách tính thuế xuất khẩu đối với phân bón sản xuất trong nước. Một thực trạng cũng khiến DAP Lào Cai lo ngại, hiện nay trên thị trường xuất hiện sản phẩm DAP bổ sung thêm hàm lượng rất nhỏ Kali để lẩn tránh thuế tự vệ được các nhà nhập khẩu Việt Nam bắt đầu nhập về từ tháng 5/2018 và chào bán với giá tương đương DAP nội địa. Việc này ảnh hưởng đến công tác tiêu thụ của sản phẩm DAP nội địa. Do đó, đề nghị các cơ quan chức năng tăng cường, siết chặt quản lý thị trường phân bón, đặc biệt là sản phẩm DAP để bảo vệ sản xuất trong nước.
Ngoài ra, công ty cũng đề nghị các ngân hàng sớm xem xét giảm lãi suất và giãn thời gian trả nợ cho công ty. Trong thời gian chưa cơ cấu các khoản vay, đề nghị Ngân hàng Nhà nước cho phép áp dụng cơ chế đặc thù vì công ty đang thuộc 12 dự án khó khăn. Cụ thể, đối với khoản vay Ngân hàng Phát triển Việt Nam cho đầu tư dự án, đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định các giải pháp: Điều chỉnh giảm lãi suất từ 9,6% xuống mức ưu đãi nhất; giãn thời gian trả nợ từ 10 năm lên 20 năm; khoanh nợ tiền gốc và tiền lãi được trả dần từ năm 2019.
Đáng chú ý, đối với khoản vay Vietinbank cho cho đầu tư dự án, đề nghị Thủ tướng Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo Vietinbank điều chỉnh giảm lãi suất từ 9,5% hiện nay xuống mức ưu đãi nhất; giãn thời gian trả nợ từ 12 năm lên 20 năm. Ngoài ra, khoanh nợ tiền gốc và tiền lãi được trả dần từ năm 2019.
Từ nay đến cuối năm, DAP Lào Cai sẽ chú trọng bảo dưỡng, sửa chữa để duy trì dây chuyền thiết bị vận hành ổn định, giảm chi phí sửa chữa lớn, hỏng hóc đột xuất. Trên cơ sở đó, sử dụng vật tư, thiết bị có đặc tính kỹ thuật tương đương cho sửa chữa để giảm chi phí và chủ động hơn.
Nguồn: Báo Công Thương