Khó khăn trong và ngoài nước tác động đến ngành phân bón trong những năm qua đã khiến nhiều doanh nghiệp sản xuất phân bón lớn trong nước sụt giảm thị phần nghiêm trọng, trong đó, có Công ty CP Supe phốt phát và Hóa chất Lâm Thao. Tuy vậy, với phương châm luôn luôn sát cánh, là bạn tin cậy của nhà nông, Công ty CP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao đã đề ra nhiều giải pháp mở rộng thị phần, tăng lợi nhuận trong năm 2018.
Tập trung nguồn lực vượt khó
Ông Phạm Quang Tuyến - Tổng Giám đốc Công ty chia sẻ: Năm 2017 là một năm đầy khó khăn thách thức, không riêng gì Công ty mà nhiều doanh nghiệp sản xuất phân bón trong cả nước đã gặp không ít khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Việc áp dụng Luật 71/2014/QH13 vào thực tiễn: Các sản phẩm phân bón phục vụ cho sản xuất nông nghiệp thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT. Phần thuế giá trị gia tăng đầu vào của các nguyên liệu, vật tư cho sản xuất và cho sửa chữa máy móc thiết bị không được khấu trừ phải đưa vào chi phí sản xuất, làm tăng giá thành sản phẩm phân bón tăng lên 3%, làm giảm sự cạnh tranh của phân bón Lâm Thao. Mặt khác, phân bón nhập khẩu không chịu thuế GTGT có lợi thế về giá cạnh tranh gay gắt với sản phẩm sản xuất trong nước, đặc biệt các thị trường nhập khẩu gần, giá rẻ từ Trung Quốc, Indonesia, Malaysia,… ồ ạt nhập vào nước ta tăng làm sản lượng tiêu thụ phân bón của các doanh nghiệp sản xuất trong nước giảm đi rõ rệt, nhiều doanh nghiệp giảm tải sản xuất, thậm chí đóng cửa. Đến nay, vẫn còn ảnh hưởng và hệ lụy kéo dài tới ngành sản xuất kinh doanh phân bón.
Trong qúy III năm 2017, Nghị định 108/2017 của Chính phủ về việc siết chặt thị trường phân bón, khó khăn cho các đơn vị đang sản xuất đưa các bộ sản phẩm mới ra thị trường. Bên cạnh đó, năm 2017, thời tiết diễn ra nhiều bất thuận cho sản xuất nông nghiệp như mưa lũ lớn xảy ra ở nhiều nơi, làm hư hại hoa màu, ngập úng nhiều diện tích đất gieo trồng, làm cho người nông dân không thực hiện canh tác được. Do đó nhu cầu phân bón giảm, sản lượng tiêu thụ của các Công ty sản xuất phân bón giảm mạnh. Trên thị trường xuất hiện phân bón giả, kém chất lượng làm ảnh hưởng đến thương hiệu sản phẩm và uy tín của Công ty trên thị trường phân bón…
1 Công ty CP Supe phốt phát và Hóa chất Lâm Thao Các giải pháp chiếm lĩnh thị trường, tăng doanh thu năm 2018
Tuy vậy, do Công ty áp dụng các giải pháp sản xuất kinh doanh, đặc biệt là tiết giảm các loại chi phí nhằm làm giảm giá thành sản xuất, lợi nhuận của Công ty năm 2017 ước đạt 207 tỷ đồng, tăng 20% so với năm 2016. Cụ thể: Nộp ngân sách ước đạt 83 tỷ đồng. Giá trị sản xuất công nghiệp theo giá thực tế ước đạt 3.544 tỷ đồng. Tổng phân bón sản xuất là: 1.256.973 tấn, trong đó: Supe lân: 606.693 tấn; Lân nung chảy: 81.318 tấn; NPK-S: 568.962 tấn; Axit Sunphuaric: 206.306 tấn. Tổng doanh thu ước đạt 4.230 tỷ đồng.
6 giải pháp để đạt lợi nhuận 220 tỷ đồng
Năm 2018, Công ty đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế đạt 220 tỷ đồng; nộp ngân sách 86 tỷ đồng; giá trị sản xuất công nghiệp theo giá thực tế 4.363 tỷ đồng, tổng sản lượng phân bón sản xuất đạt 1.515.000 tấn. Công ty cũng sẽ chuẩn bị đầu tư một số dự án như đầu tư xây dựng Nhà kho chứa sản phẩm tại xí nghiệp NPK Hải Dương; Dự án đầu tư hệ thống lọc lưu huỳnh tại bộ phận hóa lỏng lưu huỳnh và một số dự án khác…
Để hoàn thành mục tiêu này, Supe Lâm Thao quyết tâm tập trung vào sáu giải pháp chủ yếu: Thứ nhất, về công tác thị trường và tiêu thụ sản phẩm. Công ty tiếp tục đẩy mạnh công tác thị trường (bằng các hội nghị đầu bờ, mô hình trình diễn…), nghiên cứu có các cơ chế chính sách ưu đãi cho các vùng thị trường có mức tiêu thụ lớn như Đồng bằng Bắc Bộ, miền Trung. Giữ vững và duy trì các vùng thị trường miền núi, miền Nam hiện có, đồng thời cân nhắc khi mở rộng các vùng thị trường khó khăn với chi phí vận chuyển quá lớn. Sớm đưa dây chuyền NPK số 4 vào sản xuất để đưa bộ sản phẩm NPK hàm lượng cao (NPK 16.16.8; NPK 16.8.8; NPK 13.13.13; NPK 16.8.16) kịp thời ra thị trường đáp ứng yêu cầu của khách hàng để tăng sản lượng tiêu thụ phân bón….
Trong công tác tiêu thụ sản phẩm: Cải tiến, hoàn thiện hệ thống đại lý của Công ty cho phù hợp với điều kiện thực tế thị trường hiện nay, nhằm tăng cường sự hợp tác trong công tác phát triển thị trường, cung ứng và tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn. Triển khai xây dựng cơ chế bán hàng linh hoạt, giải pháp về tiêu thụ sản phẩm, cơ chế khen thưởng khuyến khích các khách hàng kịp thời, phù hợp với từng thời điểm, đảm bảo lợi ích của các bên để khuyến khích khách hàng gắn bó với Công ty nhằm đáp ứng yêu cầu tiêu thụ sản phẩm theo mùa vụ sản xuất nông nghiệp đồng thời đảm bảo đủ chân hàng cho các vùng tiêu thụ.
Thứ hai, trong công tác sản xuất, công ty tiếp tục duy trì sản xuất ổn định đảm bảo kỹ thuật, giám sát chặt chẽ các quy trình quy phạm sản xuất, đảm bảo chất lượng, an toàn và môi trường. Tổ chức tốt các phương án tổ chức sản xuất các sản phẩm NPK hàm lượng cao, phân bón hữu cơ khoáng, Supe lân và lân nung chảy đi từ quặng Apatit có chất lượng thấp có sử dụng bán thành phẩm Supe mà vẫn đảm bảo năng xuất chất lượng sản phẩm…
Thứ ba, công tác bảo đảm thiết bị công nghệ: Thường xuyên kiểm tra, bảo dưỡng, định kỳ đại tu, sửa chữa thiết bị công nghệ giúp cho công tác sản xuất sản phẩm được ổn định, liên tục, đảm bảo an toàn, đạt chất lượng cao.
Thứ tư, công tác đầu tư xây dựng cơ bản: Bám sát tiến độ các dự án, triệt để tôn trọng các bước trình tự thực hiện theo đúng Luật Xây dựng và Luật Đấu thầu hiện hành. Chỉ đạo thực hiện, giám sát chặt chẽ thi công trong đầu tư xây dựng theo luật định, quy chế đầu tư xây dựng và điều lệ tổ chức hoạt động của Công ty.
Thứ năm, công tác quản lý: Đẩy mạnh cơ chế quản lý nội bộ, kiểm tra, giám sát chặt chẽ nhằm tiết giảm tối đa các loại chi phí. Đẩy mạnh phong trào phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, triệt để tiết kiệm…
Thứ sáu, công tác xã hội: Tổ chức tốt phong trào thi đua lao động sản xuất, tới từng tổ, ca, đơn vị; Động viên, khuyến khích người lao động nỗ lực phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ, góp phần hoàn thành kế hoạch SXKD và đầu tư XDCB của Công ty…
Nguồn: baotainguyenmoitruong.vn