Đạm Ninh Bình - cái tên không còn xa lạ trong lĩnh vực sản xuất phân bón, và câu chuyện về “sức khỏe” của doanh nghiệp này dù không còn mới, nhưng vẫn còn khá nan giải. Thực tế, dự án Nhà máy Đạm Ninh Bình thời gian qua gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh cũng như đe dọa sự tồn vong của doanh nghiệp này. Tuy nhiên, theo đánh giá của Sở Công Thương Ninh Bình, trong những quý đầu năm nay, bên cạnh các sản phẩm công nghiệp thế mạnh của tỉnh có mức tăng trưởng tốt so với cùng kỳ thì sự phục hồi sản xuất của Nhà máy Đạm Ninh Bình đã làm tăng sản lượng phân đạm ure, góp phần tăng giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh quý I đạt trên 14.451 tỷ đồng, tăng 21,4% so với cùng kỳ. Điều đó mang lại những dự cảm tốt lành về tương lai của nhà máy, nơi đang tạo công ăn việc làm cho gần 1.000 người lao động.
Khó khăn chồng chất khó khăn
Tại Hội nghị sơ kết hoạt động của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam - Vinachem quý 1/2019, lãnh đạo Tập đoàn cho biết, trên thực tế, Đạm Ninh Bình không có đủ nguồn lực để duy trì sản xuất. Cả ban lãnh đạo Tập đoàn phải gồng gánh hết sức mới có thể giúp duy trì đến nay.
Chưa hết, tại cuộc họp về hướng xử lý 12 dự án yếu kém của Bộ Công Thương dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ hồi cuối tháng 3 vừa qua, đại diện lãnh đạo Tập đoàn cho hay, khó nhất là tái cơ cấu lại các khoản vay. Nhà máy đang phải hoạt động dựa vào tiền mua hàng ứng trước của khách hàng. Có những lúc khó khăn, ban lãnh đạo Nhà máy đã phát động anh em sẵn sàng đóng góp, ủng hộ tiền lương để mua than vận hành Nhà máy. Dù số tiền không quá lớn, nhưng thể hiện quyết tâm muốn vực dậy Nhà máy.
Khó khăn chưa dừng lại ở đó, khi tỷ giá VND/USD tăng mạnh từ cuối tháng 6/2018 và giữ ở mức cao, đã thêm gánh nặng về tài chính đến Nhà máy Đạm Ninh Bình. Việc giá than cám 4a1 tăng trong 2018 tới 250.000 đồng/tấn đã làm tăng chi phí, giảm lợi nhuận của đơn vị. Trước bối cảnh đó, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam và Công ty đã nhiều lần kiến nghị Bộ Công Thương, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định nhiều giải pháp để hỗ trợ Đạm Ninh Bình trong giai đoạn khó khăn.
Những nỗ lực trong gian khó
Ban lãnh đạo Nhà máy Đạm Ninh Bình cho biết: Những năm vừa qua, Công ty luôn nằm trong tình cảnh chưa thoát lỗ. Có cả những lý do khách quan và chủ quan nhưng phần ảnh hưởng lớn nhất vẫn là chi phí trả lãi vay vốn đầu tư và chi phí khấu hao quá lớn, chiếm tới trên 50% doanh thu, thì đành chịu lỗ dài dài. Ngoài ra giá mua than (chiếm tới 60 - 65% giá vốn) ngày càng cao vì tăng giá liên tục, mức tăng gấp hơn 3 lần so với dự kiến khi xây dựng Dự án trong khi giá ure liên tục giảm, cung vượt cầu… đã gây nhiều khó khăn cho phát triển kinh doanh của Nhà máy.
Tuy nhiên 7 tháng đầu năm nay đã có nhiều dấu hiệu khởi sắc rõ nét. Sản lượng sản phẩm ure sản xuất, tiêu thụ đã đạt và vượt mức kế hoạch đề ra. Sản xuất kinh doanh của Nhà máy đã có số lợi nhuận gộp cao gấp 7 lần cùng kỳ năm 2018, và cao gấp 3 lần so với cả năm 2018; số lỗ đã giảm được hàng trăm tỷ đồng so với cùng kỳ. Nguyên nhân chính đó là dây chuyền sản xuất đã vận hành ổn định, lò khí hóa chạy đạt mức kỷ lục gần bằng thời gian chạy dài nhất của công nghệ này trên thế giới. Vì vậy 4 mục tiêu ban đầu: chạy được máy, đảm bảo ổn định, an toàn và giảm được lỗ… đã đạt được. Kể từ khi đưa dây chuyền vào vận hành thương mại thì đây được đánh giá là giai đoạn ổn định nhất. Sự nỗ lực này đã tiếp thêm niềm tin cho đội ngũ cán bộ, công nhân, người lao động của Công ty đạt kết quả cao nhất trong sản xuất.
Hiện Công ty có gần 1.000 lao động, với mức lương bình quân khoảng 7,3 triệu đồng/người/tháng, nhờ việc duy trì sản xuất được ổn định mà chế độ cho người lao động được chi trả đầy đủ theo quy định. Với những nỗ lực từ năm 2018, bước sang năm 2019 Công ty Đạm Ninh Bình đã có những bước chuyển mình mang lại những tín hiệu mới đáng mừng cho tập thể lãnh đạo cũng như cán bộ, công nhân viên trong Công ty.
Được hỏi về công việc và thu nhập, anh Đỗ Khánh Toàn - công nhân vận hành xưởng Amonia cho biết: “Em vào công tác ở nhà máy đã 6, 7 năm nay. Công việc mang lại thu nhập chưa thực sự cao nhưng em cảm thấy hài lòng. Bởi anh em trong Công ty đoàn kết. Nhất là trong giai đoạn nhà máy gặp nhiều khó khăn, nhiều khi anh em phải nghỉ luân phiên. Anh em nhiều người cũng tâm tư, mong nhà máy sớm vượt qua giai đoạn khó khăn này”.
Còn theo anh Lê Hồng Phong, công nhân vận hành xưởng Tinh chế cho biết: “Nhà máy rất quan tâm đến đời sống của anh em. Tuy thu nhập chưa thực sự cao nhưng những người có hoàn cảnh khó khăn đều được nhà máy quan tâm động viên kịp thời, hỗ trợ về cả tinh thần lẫn vật chất. Như em có con không may bị sứt môi bẩm sinh, nhà máy đã động viên và hỗ trợ chữa bệnh cho con em. Vì thế, em muốn gắn bó với nhà máy lâu dài, và mong cho nhà máy sớm vượt qua khó khăn…”.
Đánh giá về tiềm năng của Nhà máy Đạm Ninh Bình, ông Nguyễn Gia Thế - Phó Tổng Giám đốc cho biết, nhà máy có 5 công đoạn chính đều sử dụng công nghệ bản quyền châu Âu, là công nghệ tiên tiến, hiện đại nhất hiện nay. Cụ thể là công nghệ khí hóa than của Hà Lan; công nghệ tinh chế khí của Đức; công nghệ tổng hợp Amoniac của Đan Mạch; công nghệ tổng hợp urê của Italia và công nghệ phân li không khí của Cộng hòa Pháp. Các công nghệ này làm cho môi trường được đảm bảo và còn có tác dụng đảm bảo ổn định sản xuất, đảm bảo chất lượng sản phẩm. Một số yếu tố dễ gây ảnh hưởng đến môi trường cũng đã có biện pháp xử lý.
Những dự cảm tốt lành
Theo ông Ngô Xuân Trung - Chánh Văn phòng công ty - bước sang năm 2019, Công ty Đạm Ninh Bình vẫn còn đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức như tình trạng thiếu nguồn cung ứng than, giá điện, giá than vẫn tiếp tục tăng cao... Tuy nhiên, với những kết quả đạt được trong năm 2018 và năm đến nay, Công ty Đạm Ninh Bình đã đề ra chỉ tiêu phấn đấu cao hơn so với năm trước. Mục tiêu chung năm 2019, Công ty sẽ nỗ lực hoàn thành sản xuất, kinh doanh theo đúng kế hoạch, chương trình hành động của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam và Công ty đã đề ra. Theo đó, tổng sản lượng đạt khoảng 350.000 tấn urê và 5.000 tấn NH3 thương phẩm. Giá trị sản xuất công nghiệp theo giá thực tế đạt 2.400 tỷ đồng, tăng so với năm 2018 là 1,5 lần. Tổng doanh thu dự kiến đạt 2.500 tỷ đồng...
Để thực hiện mục tiêu này, Ban Giám đốc Công ty đã đề ra một số giải pháp để khôi phục sản xuất, kinh doanh, đảm bảo Nhà máy Đạm Ninh Bình sản xuất, kinh doanh ổn định, dài ngày như: thực hiện tiết giảm chi phí sản xuất, đẩy mạnh phát triển thị trường tiêu thụ. Tiếp tục khắc phục cơ bản những tồn tại của thiết bị, công nghệ để duy trì ổn định sản xuất, an toàn với phụ tải hợp lý. Trước mắt, Công ty sẽ tạm dừng sản xuất để bảo dưỡng dây chuyền máy móc theo kế hoạch định kỳ, trước khi bước vào giai đoạn sản xuất tăng tốc để thực hiện kế hoạch năm.
Bên cạnh đó, Công ty cũng đề ra nhiều giải pháp để giữ chân người lao động, như triển khai phong trào phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật, hợp lý hóa sản xuất; phát động thi đua hoàn thành chiến dịch xuất bán hàng nhân dịp Tháng Công nhân năm 2019. Ngoài ra, Công ty triển khai, thực hiện tốt công tác bảo hiểm lao động và các hoạt động vệ sinh, đảm bảo cảnh quan nhà máy luôn xanh, sạch, đẹp. Tổ chức cho công nhân thi đấu giao hữu thể thao với các công ty bạn nằm trong Khu công nghiệp.
Hy vọng rằng, với những nỗ lực của tập thể cán bộ, công nhân viên Công ty và sự hỗ trợ của các ban, ngành từ Trung ương đến địa phương, Nhà máy Đạm Ninh Bình sẽ sớm vượt qua giai đoạn khó khăn, vươn lên phát triển, đáp ứng kỳ vọng và góp phần vào sự tăng trưởng chung của ngành sản xuất phân bón trong nước.
Dự án Nhà máy Đạm Ninh Bình do Tập đoàn Hóa chất Việt Nam - Vinachem làm chủ đầu tư; Tổng Công ty Thiết kế và Thầu khoán Hoàn Cầu - Trung Quốc làm tổng thầu EPC, được xây dựng từ năm 2008. Dự án có công suất 560.000 tấn phân đạm một năm, vốn đầu tư khoảng 670 triệu USD, tương đương gần 13.000 tỷ đồng.
Nguồn: Tapchimattran.vn