Có nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan dẫn đến tình trạng 12 dự án, doanh nghiệp của ngành Công Thương rơi vào vòng xoáy khó khăn trong sản xuất, kinh doanh cần phải tiến hành xử lý. Gần 3 năm qua, cụm từ "12 dự án, doanh nghiệp yếu kém ngành Công Thương" chưa bao giờ bớt "nóng". Nhưng chính sức "nóng" đó đã thúc đẩy sự vào cuộc mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị, cùng nỗ lực tự thân của mỗi doanh nghiệp. Đã có những dự án "hồi sinh", tự tin bước ra khỏi "danh sách đen" đầy ám ảnh.
Công ty CP DAP - Vinachem (Tập đoàn Hóa chất Việt Nam), 1 trong 12 dự án, doanh nghiệp yếu kém, thua lỗ đã hồ hởi báo lãi gần 83 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2018, giải quyết xong các khoản nợ và đang được đề nghị đưa ra khỏi danh sách 12 dự án. Ánh sáng cuối đường hầm không đến từ sự may mắn mà được dẫn dắt bởi những quyết sách đúng đắn của Ban cán sự Đảng Bộ Công Thương, với tinh thần chỉ đạo xuyên suốt theo nguyên tắc của Bộ Chính trị, định hướng của Quốc hội và chỉ đạo của Chính phủ. Và đặc biệt là sự đoàn kết, kiên định của Ban cán sự Đảng DAP – Vinachem cùng quyết tâm của mỗi người lao động.
Bảng "xếp hạng" không mong đợi
Sau 25 tháng xây dựng, đầu tháng 4/2009, Dự án Nhà máy sản xuất phân bón DAP 1- Hải Phòng đi vào chạy thử, sản xuất thành công tấn sản phẩm phân bón cao cấp DAP đầu tiên.
Theo Báo cáo nghiên cứu khả thi, dự án sẽ lỗ trong 5 năm đầu đi vào sản xuất, từ năm thứ 6 mới có lãi. Tuy nhiên, ngay từ khi bắt đầu chạy thử, dự án đã có lợi nhuận (nếu tính riêng phần chi phí chạy thử sang chi phí dự án). Từ năm 2010, dự án bắt đầu sản xuất thương mại, hoạt động sản xuất, kinh doanh (SXKD) qua các năm liên tục ổn định, có lợi nhuận cao, đảm bảo đủ việc làm cho hơn 700 cán bộ, công nhân viên (CBCNV), nộp ngân sách đầy đủ.
Khó khăn bắt đầu xuất hiện từ năm 2016, khi thị trường trong nước tràn ngập phân bón ngoại với giá rất rẻ nhưng chất lượng không bảo đảm khiến các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước lao đao. Khủng hoảng kinh tế thế giới khiến giá dầu lao dốc cũng đã có tác động tiêu cực tới lĩnh vực sản xuất phân bón, sản xuất phải cắt giảm, nhiều nhà máy phải đóng cửa. Rồi từ ngày 1/1/2015, Luật thuế 71/2014/QH13 có hiệu lực. Theo đó, mặt hàng phân bón không chịu thuế GTGT, đồng nghĩa với việc DN không được hoàn thuế GTGT đầu vào khi mua nguyên, nhiên, vật liệu để phục vụ sản xuất; giá thành sản phẩm tăng lên khiến việc cạnh tranh càng khó khăn gấp bội. Hiệu ứng domino xuất hiện. Đó là giai đoạn gần 700 CBCNV của công ty không tránh khỏi lo âu khi doanh nghiệp chịu thua lỗ hàng trăm tỷ đồng. Năm 2016, DAP 1- Hải Phòng ghi nhận mức lỗ đậm nhất, khi chỉ đạt sản lượng tiêu thụ 168.000 tấn; doanh thu giảm mạnh so với năm 2015, chỉ đạt 1.319 tỷ đồng, dẫn đến mức lỗ 470 tỷ đồng. Kết quả này đã khiến DAP 1 đặt chân vào danh sách không mong đợi – 12 dự án yếu kém của ngành Công Thương.
Vượt sóng
Tuy nhiên, từ đỉnh điểm gian khó, DAP 1 - Hải Phòng nhận được sự hỗ trợ vô giá từ sự chỉ đạo của Ban chỉ đạo của Chính phủ về xử lý 12 dự án, doanh nghiệp yếu kém, thua lỗ kéo dài của ngành Công Thương, sự sát sao và đồng hành của Ban cán sự Đảng Bộ Công Thương, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam và các đơn vị khác thuộc Vinachem, để từ đó hồi sinh mạnh mẽ.
Hàng loạt quyết sách đã được triển khai, gỡ từng bước những nút thắt về cơ chế, phát triển thị trường, tiết giảm chi phí trong SXKD, giãn khấu hao. Mà ở đó, vai trò dẫn dắt của tổ chức Đảng là nòng cốt. Từ những văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Đảng ủy Bộ Công Thương (Đề án xử lý các tồn tại, vướng mắc của một số dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ ngành Công Thương theo Quyết định số 1468/QĐ-TTg ngày 29/9/2017 của Thủ tướng Chính phủ và Kế hoạch hành động thực hiện Đề án tại Quyết định số 4269/QĐ-BCĐDADNCT), Đảng ủy Tập đoàn Hóa chất đã ban hành các Nghị quyết của Tập đoàn một cách cụ thể để chỉ đạo doanh nghiệp tiến hành tái cơ cấu sản xuất.
Ông Nguyễn Văn Sinh - Tổng giám đốc DAP- Vinachem - cho biết, Vinachem đã rất nghiêm túc trong việc lĩnh hội các ý kiến chỉ đạo của Đảng ủy cấp trên, đồng thời xây dựng chiến lược phát triển với những mục tiêu cụ thể để vượt khó.
"Lúc đó, tư tưởng của người lao động rất dao động, chúng tôi phải tổ chức đối thoại để họ hiểu rằng đây chỉ là những khó khăn tạm thời và việc thua lỗ là điều không mong muốn. Mục tiêu của lãnh đạo công ty phải ổn định tâm lý, tạo đủ việc làm cho người lao động để họ gắn bó lâu dài thì mới vực được công ty phát triển trở lại" - ông Sinh chia sẻ.
Ban cán sự Đảng công ty đã tập trung tăng cường quản trị doanh nghiệp. Ngay từ đầu năm 2017, công ty thành lập tổ chỉ đạo giải quyết những tồn tại, khó khăn. Hàng tháng, đơn vị tổ chức họp định kỳ để phân tích, mổ xẻ những việc chưa làm được của các phòng, ban, nhà máy nhằm đưa ra những chỉ đạo hợp lý, kịp thời.
Công ty cũng xây dựng phương án SXKD theo hướng chấm dứt thua lỗ mang tính khả thi cao; công tác tiêu thụ sản phẩm được đẩy mạnh, hệ thống đại lý các cấp được củng cố, mở rộng ở hầu khắp các tónh, thaânh phố, troång àiïím là đồng bằng sông Cửu Long. Nhờ đó, sản lượng tiêu thụ sản phẩm DAP qua kênh phân phối chính này tăng 64,9% so với cùng kỳ năm 2016.
Việc điều hành sản xuất và tiêu thụ luôn nhịp nhàng, gắn kết, đáp ứng tốt hơn nhu cầu tiêu thụ của từng khu vực thị trường, từng nhóm khách hàng khác nhau. Điều này giúp tồn kho sản phẩm DAP luôn được duy trì ở mức thấp, bình quân chỉ bằng 50% định mức tồn kho theo kế hoạch.
Dư âm của những khó khăn vẫn đeo bám cho tới tháng 8/2018, doanh nghiệp mới tạm "thở phào" khi đã cắt được lỗ; kinh doanh bắt đầu có lãi với lợi nhuận đạt 147 tỷ đồng, và dự báo cả năm 2018 lợi nhuận của DAP-Vinachem đạt khoảng 200 tỷ đồng, vào top 5 doanh nghiệp hiệu quả của Tập đoàn Hóa chất.
Đến đầu tháng 9/2018, DAP - Vinachem đã trả nợ hết vốn vay đầu tư, để tập trung vào hoạt động SXKD và giải quyết các chi phí khấu hao. Đặc biệt, sản phẩm của công ty không chỉ chiếm lĩnh được thị phần tại thị trường trong nước mà còn đẩy mạnh xuất khẩu. Với chất lượng đã được khẳng định, phân bón của DAP - Vinachem đã có mặt ở các thị trường trong khu vực và trên thế giới như Indonesia, Philippines, Myanmar, Campuchia, Malaysia…, sản phẩm làm ra không đủ để xuất khẩu.
Nguồn: Báo Công Thương