Ngày 13-8, tại Bắc Giang, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã kiểm tra, khảo sát thực địa và làm việc với lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan liên quan về phương án tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho dự án cải tạo, mở rộng nhà máy sản xuất đạm Hà Bắc - một trong 12 dự án chậm tiến độ, kém hiệu quả của ngành công thương.
Dự án cải tạo, mở rộng, nâng công suất nhà máy sản xuất đạm Hà Bắc của Công ty Cổ phần Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc (thuộc Tập đoàn Hóa chất Việt Nam) khởi công cuối năm 2010, đi vào vận hành từ năm 2015, chậm 36 tháng so với kế hoạch. Sau khi mở rộng, nhà máy luôn vận hành ổn định nhưng Công ty Đạm Hà Bắc lại chuyển từ có lãi sang thua lỗ.
Đến cuối năm 2021, công ty đã trả nợ 2.323 tỷ đồng và hơn 104 triệu USD, nhưng vẫn còn nợ hơn 6.400 tỷ đồng và hơn 112 triệu USD. Gần đây, kết quả sản xuất kinh doanh của công ty đang có dấu hiệu tích cực hơn. Năm 2021, công ty lần đầu tiên lãi 6,25 tỷ đồng sau nhiều năm thua lỗ. Trong nửa đầu năm 2022, nhà máy đạt lợi nhuận sau thuế 1.346 tỷ đồng (cùng kỳ năm trước lỗ 409 tỷ đồng). Tuy nhiên, khoản lỗ lũy kế trong 5 năm 2015-2020 của công ty vẫn còn rất lớn, lên tới 4.760 tỷ đồng. Nếu không có biện pháp tái cơ cấu tài chính cho doanh nghiệp thì công ty khó có thể lãi bền vững.
Kết luận cuộc làm việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ nguyên nhân gây thua lỗ của dự án cũng như một số vấn đề nổi lên cần giải quyết. Thủ tướng yêu cầu Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan, rút kinh nghiệm từ các dự án yếu kém đã được xử lý, hoàn thiện đề án xử lý dự án theo kết luận của Bộ Chính trị, các chỉ đạo của Thường trực Chính phủ, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, bảo đảm phù hợp, khả thi, hiệu quả; đưa các phương án cụ thể và đánh giá tác động của từng phương án; hoàn thành đề án trong tháng 8 này.
Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu giữ lại nhà máy nhưng quyết tâm tái cơ cấu với các giải pháp như cải tiến quy trình sản xuất, ứng dụng khoa học công nghệ, nâng cao năng suất, đa dạng hóa sản phẩm… đưa nhà máy cạnh tranh tốt hơn, phát triển ổn định, bền vững, xanh, sạch. Cơ sở của phương án này là dự án đã quyết toán một phần lớn, nhà máy đã vận hành và có thị trường tiêu thụ cả trong và ngoài nước.
Cùng ngày, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã về Ninh Bình, kiểm tra, khảo sát thực địa và làm việc với lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan liên quan về phương án tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho dự án đạm Ninh Bình - một trong 12 dự án chậm tiến độ, kém hiệu quả của ngành công thương.
Khởi công tháng 5-2008, từ khi đi vào hoạt động năm 2012, nhà máy đạm Ninh Bình liên tục thua lỗ (lỗ hơn 7.000 tỷ đồng, trong khi vốn điều lệ chỉ khoảng 2.500 tỷ đồng). Đến hết năm 2021, nhà máy còn nợ 12.000 tỷ đồng, trong đó nợ gốc khoảng 9.600 tỷ đồng, nợ lãi khoảng 2.400 tỷ đồng. Đến nay, đạm Ninh Bình chưa hoàn thành quyết toán do một số vướng mắc trong thực hiện hợp đồng và vấn đề tài chính. Tuy nhiên, từ năm 2021, hoạt động của nhà máy đã có chuyển biến tích cực hơn. Trong 6 tháng đầu năm 2022, doanh nghiệp đã hoạt động có lãi…
Thủ tướng nhấn mạnh, tương tự đạm Hà Bắc, những hạn chế, khó khăn của đạm Ninh Bình do nguyên nhân khách quan và chủ quan, nhưng nguyên nhân chủ quan là chính, do những vi phạm trong quá trình phê duyệt, thẩm định, quyết định đầu tư, thực hiện dự án, khiến tổng mức đầu tư lớn, suất đầu tư, chi phí đầu vào cao, giá thành cao, khả năng cạnh tranh thấp khi thị trường biến động, dẫn tới không hiệu quả, chậm trả nợ, nợ chồng nợ.
Các ý kiến tại cuộc làm việc thống nhất đánh giá, dự báo sắp tới, nhà máy có thị trường tiêu thụ sản phẩm cả trong và ngoài nước khi nhu cầu urea tăng cao. Đồng thời, nhà máy đã tích lũy được các kinh nghiệm vận hành, sản xuất, kinh doanh. Do đó, nếu có thể tái cơ cấu, xử lý các khó khăn, vướng mắc, đổi mới công nghệ, quản trị… thì từ năm 2023, dự án có thể có lãi.
Do đó, Thủ tướng giao Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam phối hợp với các cơ quan liên quan khẩn trương xây dựng đề án xử lý các vấn đề của dự án theo phương án tái cơ cấu tài chính, trong đó tập trung tái cơ cấu nợ vay, khẩn trương báo cáo cấp có thẩm quyền trong tháng 8. Phó Thủ tướng Lê Minh Khái tiếp tục trực tiếp chỉ đạo việc xây dựng đề án này. Cùng với đó, giải quyết nhanh tranh chấp hợp đồng EPC với đối tác nước ngoài. Tiếp tục tổ chức lại hoạt động, kinh doanh, sản xuất, ứng dụng công nghệ, nâng cao năng suất, tiết giảm chi phí để giá thành sản phẩm cạnh tranh hơn.
“Đi cả nhà máy không có bông hoa nào mà chỉ có than với bùn. Tôi cảm giác các đồng chí chưa yêu nhà máy của mình. Tôi có nói với lãnh đạo 2 nhà máy đạm Hà Bắc và đạm Ninh Bình là phải yêu nhà máy như nhà mình thì mới có cảm xúc, phải đắm đuối với công việc thì mới sáng kiến, ra sản phẩm, nhà máy mới hoạt động hiệu quả, mới xanh, sạch, đẹp”, Thủ tướng chia sẻ.