Ông Vũ Xuân Hồng - Phó Tổng Giám đốc Cty CP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao bảo với tôi rằng đứng trước xu thế dùng NPK hàm lượng cao mỗi ngày một nhiều, bản thân Lâm Thao cũng phải thay đổi.
Là đơn vị sản xuất lớn, có đầy đủ năng lực về tài chính, nhân lực, quản lý, thị trường mà nếu chỉ tiếp tục với các sản phẩm truyền thống thì đồng nghĩa với việc mất thị phần, mất khách.
Cuộc chiến không giới tuyến
Cuộc chiến trên thị trường phân bón đang đến hồi gay cấn và gần như không có giới tuyến rõ rệt. Các đại lý của Lâm Thao lớn dần theo thời gian, theo công suất của nhà máy từ vài trăm ngàn đến trên 1 triệu tấn như hiện nay để rồi một số đứng ra lập các nhà máy NPK (chủ yếu là hàm lượng trung bình) cạnh tranh với chính sản phẩn của đơn vị mình từng phân phối. Chưa đến hồi khốc liệt và chen vai, thích cách chật chội như thị trường NPK hàm lượng trung bình nhưng thị trường NPK hàm lượng cao cũng đã có những dấu hiệu cuộn sóng từ dưới đáy sông.
Xin lược qua một chút về lịch sử của loại phân cao cấp này tại Việt Nam. Thói quen sử dụng phân bón NPK hàm lượng cao (là hàm lượng NPK tổng số trên 30% - PV) xuất phát điểm ở miền Nam vì có nền nông nghiệp mang tính sản xuất hàng hóa lớn, nông dân sẵn sàng chịu đầu tư. Lúc đầu là hàng NPK hàm lượng cao nhập khẩu sau đó khoảng trên dưới 20 năm trước có vài doanh nghiệp nội địa đã mạnh dạn đầu tư dây chuyền để sản xuất, chinh phục thị trường.
Từ miền Nam, miền Trung NPK hàm lượng cao 4 - 5 năm nay bắt đầu tràn ra Bắc. Nếu 5 - 6 năm trước, các đại lý từ Hà Tĩnh trở ra Bắc gần như không thấy xuất hiện loại hàng này thì chỉ 2 - 3 năm gần đây thấy mỗi ngày một nhiều, gồm nhập khẩu có, sản xuất từ trong Nam chuyển ra có, mà gốc từ ngoài Bắc chuyển vào cũng có.
Trong khi đó, canh tác nông nghiệp của bà con nông dân phía Bắc gần đây đã có sự đổi mới. Phân bón hàm lượng thấp, trung bình chỉ đáp ứng tốt ở những thời điểm trước đây, khi giá trị nông sản thấp, sản xuất còn manh mún. Còn nay sản xuất lớn, mang tính hàng hóa cao, buộc người nông dân phải tính toán chi li để giảm bớt chi phí. Nếu bón phân hàm lượng thấp thì chi phí vận chuyển, công bón sẽ đội lên cao còn nếu bón phân hàm lượng cao sẽ tiết giảm được những khoản này. Hơn thế nữa giá trị dinh dưỡng của phân hàm lượng thấp đối với các vùng chuyên canh, với các đối tượng cây trồng mang tính giá trị sẽ khó đáp ứng được.
Bởi thế mà, ở các vùng đồng bằng sông Hồng như Nam Định, Thái Bình, Hải Dương, Hưng Yên… đã có sự chuyển biến rõ rệt sang sử dụng NPK hàm lượng cao trên các cánh đồng mẫu lớn trồng lúa, trên các đối tượng rau màu và nhất là cây ăn quả có giá trị cao như na, bưởi, vải, nhãn… Các vùng núi, trung du cũng đang chuyển biến sang sử dụng NPK hàm lượng cao nhưng với tốc độ chậm hơn như cây ăn quả của Hòa Bình, Bắc Giang, Quảng Ninh… cây cao su, rau màu ở Sơn La, chè Thái Nguyên. Phân bón hàm lượng cao trở thành xu thế khó có thể cưỡng lại.
“Người khổng lồ” nhập cuộc
Cuộc đua NPK hàm lượng cao đang đến hồi khốc liệt với sự góp mặt của các Cty lớn có, nhỏ có, nhà nước có, tư nhân có, tổng cộng khoảng 50 - 60 Cty trong đó riêng miền Bắc đã có 20 - 30 Cty. Với suất đầu tư từ 1 triệu USD (trên 23 tỉ đồng) trở lên là có thể điềm nhiên gia nhập thị trường NPK hàm lượng cao, hiện đại thì vê viên còn không thì sử dụng biện pháp trộn.
Đứng trước xu hướng ấy, Lâm Thao cũng phải thay đổi. Là đơn vị sản xuất lớn, có đầy đủ năng lực tài chính, nhân lực, quản lý, thị trường mà nếu chỉ tiếp tục với các sản phẩm truyền thống thì đồng nghĩa với mất thị phần, mất khách hàng. Đầu năm 2018 dây chuyền NPK4 hàm lượng cao của Lâm Thao chính thức vận hành thương mại với công suất là 150.000 tấn/năm, bổ sung vào 108 loại phân bón đang có của đơn vị. Trong đó hàm lượng cao có khoảng 10 loại cho cây chuyên dùng như NPK 8-10-14 cho cây thuốc lá ở Lạng Sơn, Cao Bằng được chính Viện Cây thuốc lá đặt hàng theo công thức; NPK 13-13-13 cho cây trồng có múi như cam, quýt, bưởi; NPK 16-8-8 cho cây chè… và nhiều loại được sản xuất theo đơn đặt hàng đặc biệt. Tính đến hết tháng 6/2018 Lâm Thao đã đưa được ra thị trường hơn 10.000 tấn NPK hàm lượng cao.
Tín hiệu phản ứng từ thị trường khá tốt giúp đơn vị vững tin xác định hai hướng đi chính. Hướng thứ nhất là cạnh tranh với các sản phẩm NPK hàm lượng cao ở miền Trung và Tây Nguyên trên các đối tượng cây công nghiệp, cây ăn quả. Đây là những vùng trũng của phân bón hàm lượng cao, Nam tiến ra, Bắc tràn vào, tạo thành một làn sóng cạnh tranh, ganh đua rất khốc liệt. Hướng thứ hai từ Hà Tĩnh trở ra, tập trung vào những vùng chuyên canh lúa đặc sản; những cánh đồng mẫu lớn, những vùng cây ăn quả như cam, bưởi, na, vải, nhãn; những vùng cây công nghiệp như cao su ở Sơn La, chè ở Thái Nguyên…
Với một số Cty làm ăn kiểu chộp giật thường sử dụng xảo thuật quen thuộc là ăn bớt. Với NPK hàm lượng cao khi bớt 1 - 2% của các thành phần trong đó, năng suất, chất lượng của cây trồng sẽ không bị ảnh hưởng nhiều trong khi lợi nhuận cho người sản xuất lại tăng vọt. Nhưng Lâm Thao lại không bao giờ chạy theo xu thế đó mà luôn làm theo nguyên tắc đầy đặn nhất, chất lượng nhất có thể và phải kiểm chứng bằng thực tế.
Trước khi chính thức sản xuất thương mại, đơn vị này đã đưa sản phẩm đi thử nghiệm ở nhiều mô hình, nhiều đối tượng để so sánh với NPK hàm lượng thấp hay so với NPK hàm lượng cao của các đơn vị khác về giá, về chất lượng.
Ở tỉnh Thái Bình, Lâm Thao kết hợp với Cty Toan Vân để đưa hàng vào các cánh đồng mẫu lớn trồng lúa, ở Bắc Giang kết hợp với Cty Vật tư kỹ thuật nông nghiệp Bắc Giang đưa vào các vùng trồng vải, ở Phú Thọ kết hợp với Trung tâm Khuyến nông tỉnh đưa vào trên lúa, trên chè… Tổng cộng có khoảng 20 mô hình lớn cấp tỉnh với diện tích từ 1,5ha, khoảng 100 mô hình vừa và nhỏ cấp huyện với diện tích từ 0,5ha trở lên.
Ngoài thực hiện các mô hình ra, Cty còn tiến hành tiếp thị sản phẩm mới bằng cách rải ra các cửa hàng để người tiêu dùng có thể dễ dàng nhận biết, dùng thử.
Ông Vũ Xuân Hồng cho hay: Vì là thứ mới ở miền Bắc nên có một số ngộ nhận về NPK hàm lượng cao như giá đắt. Đúng là chi phí ban đầu có vẻ đắt nếu so cùng 1kg thì NPK hàm lượng cao đắt gấp hai, ba lần so với NPK hàm lượng thấp, hàm lượng trung bình nhưng cần phải tính đến tận cùng hiệu quả cuối cùng của nó. Ngộ nhận thứ hai là NPK hàm lượng cao chỉ dành cho cây trồng giá trị cao chứ không phải cây phổ thông như lúa, ngô, khoai, sắn.
Nguyên nhân suy cho cùng cũng là do nền sản xuất nhỏ lẻ, manh mún. Sử dụng NPK hàm lượng cao nếu đúng quy trình hướng dẫn thì sẽ giảm chi phí, tăng năng suất, chất lượng cho cây trồng còn bón nhiều quá thì vừa tăng chi phí, ô nhiễm môi trường vừa tạo dư lượng trong nông sản.
Trung, vi lượng dù chỉ chiếm tỷ lệ phần trăm rất nhỏ trên tổng số nhưng không thể thiếu được trong việc gia tăng năng suất, chất lượng của nông sản. Bưởi Đoan Hùng là đặc sản rất nổi tiếng nhưng quả mã xấu nhờ bón NPK Lâm Thao mà quả to, vỏ sáng, tôm mọng.
Nguồn: Nongnghiep.vn